Ảnh minh họa
Chú ý khi dùng xà phòng tắm
1. Không tắm với xà phòng khi đang mệt mỏi
Nếu bạn bị mệt mỏi, hãy tránh dùng xà phòng khi tắm vì xà phòng có chứa nhiều kiềm mạnh, khi thâm nhập vào da chúng sẽ làm tăng cảm giác mệt mỏi.
Hơn nữa, khoảng 30% xà phòng bánh có chứa triclosan - một chất hóa học tổng hợp bị phá vỡ nhanh chóng khi tiếp xúc với nước chứa clo dư và tạo thành hóa các chất độc hại như chloroform, dichlorophenol. Khi cơ thể bạn mệt mỏi, sức đề kháng kém, các chất này dễ xâm nhập vào cơ thể hơn. Chúng có thể chuyển đổi thành chất dioxin khi tiếp xúc với tia cực tím (từ mặt trời hoặc các nguồn sáng khác). Mặc dù chất dioxin được sản xuất chỉ với số lượng nhỏ cũng có thể phá vỡ nội tiết trong cơ thể bạn.
Để tốt cho cơ thể, bạn có thể pha một chút nước cốt chanh vào nước tắm để giảm bớt tính kiềm của xà phòng tắm.
2. Không dùng xà phòng tắm để vệ sinh "vùng kín"
Rất nhiều chị em có thói quen dùng luôn xà phòng tắm để vệ sinh "vùng kín" mà không biết rằng việc làm này có thể dẫn đến những tai hại đáng tiếc. "Vùng kín" và bộ phận cơ thể khá nhạy cảm và rất dễ bị dị ứng. Hơn nữa, bên trong "vùng kín" có cơ chế tự làm sạch với độ pH nhất định và tạo môi trường thuận lợi cho sự cân bằng vi khuẩn.
Trong khi đó, xà phòng, sữa tắm lại là những sản phẩm có tính kiềm cao nên nếu liên tục được dùng để vệ sinh "vùng kín" thì có thể dễ gây kích ứng cho bộ phận này và làm thay đổi độ pH bên trong nó. Độ pH thay đổi là một trong những nguyên nhân chính làm thay đổi sự cân bằng vi khuẩn bên trong âm đạo và tạo cơ hội cho các loại vi khuẩn và nấm phát triển, gây ngứa ngáy và các bệnh viêm nhiễm ở vùng này.
Chú ý khi dùng xà phòng giặt
1. Không dùng xà phòng giặt tay cho máy giặt:
Xà phòng giặt tay thường có nhiều bọt hơn so với xà phòng giặt máy. Nếu dùng xà phòng giặt tay cho máy giặt sẽ khiến tràn qua lồng giặt, làm ẩm môi trường bên trong máy và mô tơ nên máy dễ hư hỏng. Ngoài ra, những bọt bong bóng dư thừa còn làm cản trở quá trình vò giũ vốn rất quan trọng trong quy trình giặt. Thêm vào đó, lượng bột giặt dư thừa đọng lại trong quần áo có thể khiến da bạn mẩn ngứa vì dị ứng hóa chất.
2. Không dùng xà phòng giặt có chất tẩy rửa mạnh:
Những hóa chất này có tác dụng tẩy rửa mạnh thì đồng thời cũng làm cho quần áo nhanh hỏng và gây nhờn, bám lại trên quần áo lâu hơn sau khi giặt xong. Nếu bạn không giặt kĩ, những hóa chất này sẽ không được loại bỏ hết và gây kích ứng da khi mặc.
Chú ý khi dùng nước rửa bát
1. Không dùng quá nhiều nước rửa bát so với lượng chén đĩa cần rửa
Bạn cho rằng dùng nhiều nước rửa bát mới có thể làm sạch bát, đĩa bẩn, điều này không sai. Nhưng bạn có biết rằng, nếu dùng quá nhiều nước rửa bát cho mỗi lần, bạn sẽ mất thời gian hơn để rửa hết hóa chất dính trên bát, đĩa. Một khi lượng hóa chất dính trên bát, đĩa không được loại bỏ hết, chúng sẽ thôi ra thức ăn khi bạn sử dụng bát, đĩa đó và gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Bạn nên dùng lượng nước rửa bát vừa phải so với lượng chén đĩa cần rửa. Nếu có quá nhiều bát đĩa, bát nên lấy nước rửa bát thành nhiều lần, dùng hết lại lấy tiếp, sau đó rửa lại thật kĩ với nước sạch để hạn chế lượng hóa chất còn lại trên bát, đĩa. Nếu có thể, hãy tráng bát, đĩa qua nước nóng sau đó để làm sạch hơn.
Ảnh minh họa
2. Không ngâm chén đĩa với nước rửa bát quá lâu
Tương tự như việc dùng quá nhiều nước rửa bát, ngâm bát đĩa với nước rửa bát quá lâu là điều không tốt cho sức khỏe. Nếu vì bát đĩa quá bẩn hoặc bạn muốn để lại sau đó mới rửa thì hãy ngâm với nước sạch, không ngâm với nước rửa bát dù là nước rửa bát được pha loãng.
Thời gian ngâm bát đĩa với dung dịch này càng lâu thì càng tăng nguy cơ hóa chất ngấm vào bát đĩa và khả năng loại bỏ hết hóa chất đó là rất khó. Đặc biệt, đối với các loại đũa, muỗng làm bằng chất liệu dễ thấm như tre hoặc gỗ khi đã ngấm hóa chất thì không thể tẩy rửa sạch được.
Bạn hãy pha loãng nước rửa bát với nước sạch theo tỉ lệ 2/8 và kết hợp với miếng rửa tạo bọt là cách để đạt được cả hai mục tiêu vệ sinh và tiết kiệm.