ảnh minh họa
Nhận biết rau xanh an toàn
Vẻ bề ngoài rau sạch thường không bóng bẩy láng mướt như loại vẫn được phun thuốc kích thích. Lá và thân hơi cứng, ít có vẻ mơn mởn. Điều này không chỉ đúng với các loại rau muống, ngót, cải mà còn thấy cả ở cải bắp. Lớp vỏ ngoài có vẻ khô cứng hơn, ít độ bóng. Củ quả sạch thường không được ngâm thuốc để bảo quản trong thời gian dài nên phần cuống vẫn còn tươi, trong khi những loại khác có thể quả vẫn đẹp nhưng phần cuống không còn hoặc quá "cũ kỹ". Các loại rau cải thường vẫn có những cái lỗ do sâu gây ra.
Quy trình trồng rau an toàn vẫn được phép dùng thuốc bảo vệ thực vật miễn là loại nằm trong danh mục cho phép, dùng đúng cách và đảm bảo thời gian cách ly. Do đó, rau an toàn không nhất thiết phải cằn khô hay bị sâu cắn mà vẫn có thể đẹp mắt, tuy không đến mức láng mượt như rau không sạch. Vì vậy, ngoài việc phân biệt bằng mắt còn cần tìm đến những điểm bán rau an toàn có giấy phép.
Ngoài ra, các bạn không nên mua rau củ trái vụ vì cây trái mùa năng suất thấp, dễ sâu bệnh, khiến người trồng sử dụng thuốc kích thích và trừ sâu với hàm lượng lớn hơn.
Cách lựa chọn một số loại rau quả thông dụng cho gia đình
Bắp cải
Bắp cải đầu mùa thường có vào khoảng tháng 11, bạn nên chọn những cây bắp cải lá cuộn chặt, lá dày đầu và khép kín, không xòe, cuống nhỏ, nặng tay, không bơm nước, nên cắt đôi bắp cải để kiểm tra trước khi mua.
Rau ngót
Mùa rau ngót bắt đầu từ tháng 7 và kéo dài đến tháng 3 năm sau. Nên tránh những bó rau ngót có lá quá non, to, mỏng, mà chọn những bó có lá dày vừa phải, sẫm màu.
Rau bí (ngọn và lá của cây bí ngô)
Khi nhìn thấy ngọn dài và non, khoảng cách giữa các lóng xa nhau, tay cuốn mập và ngắn, ít lông tơ, ngọn bí mầu xanh nhạt, lá mầu xanh đen... là những loại rau bí bón thừa đạm, phun nhiều phân bón lá và chưa đủ thời gian cách ly.
Cà chua
Chọn những quả đỏ hồng, chắc tay, rắn, không dập ủng, cuống tươi non, nhất là cà chua hồng vì nó có ruột đặc, ít bột, nhiều sinh tố.
Rau cải xanh
Rau cải xanh đúng vụ là vào tháng 9 đến tháng 4 năm sau. Rau cải xanh ngon là loại cải non, lá xanh, mỏng, cuống to.
Rau muống
Tháng 4 – 5 – 6 thường là mùa của rau muống. Nhưng không phải vì thế mà bạn có thể lơ là việc chọn rau. Bạn nên tránh những mớ rau có ngọn non, vươn dài mỡ màng vì rau đó thường đã bị phụ thuốc kích thích. Những mớ rau ngọn nhỏ, nhìn hơi cứng hơn nhưng ăn lại rất giòn, ngon và an toàn hơn hẳn.
Mướp đắng
Những quả to, màu xanh đậm, mướt mát, thân phình to, da láng bóng là những quả hái từ cây bón nhiều đạm, chất kích thích sinh trưởng nên chất lượng sẽ kém và thường bị nhiễm độc khi ăn. Bạn nên chọn những quả có kích thước vừa phải, mặt vỏ có nhiều gân nhỏ li ti sẽ an toàn và chất lượng.
Đậu cô ve
Những quả dài, bóng, ít lông tơ, phân đốt rõ, hầu như không có quả nào có vết sâu bệnh thì đó là đậu có bón nhiều phân bón lá, các chất vô cơ thấm vào quả chưa được chuyển hóa thành hữu cơ, có phun thuốc hóa học trừ sâu vào thời gian sát khi thu hoạch, ăn loại đậu này dễ bị độc hại.
Giá đỗ
Người tiêu dùng thường thích mầm giá to, trắng, giòn và ít rễ. Để làm được giá đỗ như vậy một phần rất ít do kinh nghiệm của người làm giá nhưng chủ yếu khi hạt đỗ nảy mầm, người sản xuất đã dùng phân bón lá trộn với các loài thuốc trừ cỏ có tính hướng gốc (để diệt phần rễ cây mà phần mầm cây không bị ảnh hưởng) pha loãng, sau đó tưới lên giá đỗ và ủ lại. Những loại giá đỗ này khi làm nộm hoặc xào tái ta thấy nước mầu nhờ đục từ giá đỗ chảy ra đĩa.
Rau cần
Không nên dùng những cây rau thân phình to, thân và ngó có màu trắng nõn bất thường vì loại cần này đã được bón quá nhiều phân (phân chuồng, phân hóa học, phân bón qua lá) và phun nhiều thuốc trừ sâu bệnh. Loại cần này rất nhanh héo và cũng dễ bị độc hại khi ăn.
Cách rửa sạch rau quả
Muốn loại trừ tồn dư của thuốc bảo vệ thực vật, cách tốt nhất là rửa trôi: rửa dưới vòi nước sạch nhiều lần. Bằng cách rửa 2 lần dưới vòi nước chảy và 2 lần trong chậu nhiều nước thì từ 40 – 90% tồn dư hóa chất độc hại trên rau cải đã mất đi. Đặc tính của thuốc bảo vệ thực vật gốc lân hữu cơ là tan nhiều trong nước. Vì vậy, bằng cách ngâm và rửa trôi, chúng ta hoàn toàn có thể loại bỏ được tồn dư của chúng lên bề mặt lá rau. Đối với các loại đậu quả việc ngâm, rửa trôi trước khi nấu đạt hiệu quả khá cao. Đối với quả chín, động tác rửa trước khi bóc vỏ đơn giản nhưng có tác dụng tốt loại trừ độc tố tồn dư.
Khi thấy có bất cứ hiện tượng bất thường nào đối với các thực phẩm nói chung và rau quả nói riêng: có mùi vị lạ, màu sắc khác thường, thực phẩm mua cùng một chỗ mà đã có người ăn bị ngộ độc… mọi người cần dừng lại ngay, không ăn tiếp.