ảnh minh họa
1. Gặp trở ngại trong vấn đề tình dục
Các chuyên gia tim mạch đều nhất trí cho rằng, kể cả đàn ông lẫn đàn bà nếu bị suy giảm ham muốn tình dục thì nguy cơ mắc bệnh tim rất cao, đặc biệt là mắc phải căn bệnh rối loạn cương dương (ED) hay liệt dương. Riêng ở phụ nữ, nếu máu không đến được bộ phận sinh dục, không gây hưng phấn hoặc gây khó chịu thì trước hết cần kiểm tra các bệnh lý tim mạch, tuy nhiên mức độ còn tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể.
Theo các chuyên gia ở Bệnh viện Mayo Clinic thì đàn ông 40 - 49 tuổi nếu mắc phải căn bệnh này thì tỷ lệ mắc bệnh tim cao gấp đôi so với người bình thường. Thực tế, cứ 3 người đàn ông đến chữa bệnh tim thì có 2 mắc bệnh ED. Lý do, mạch máu bị thu hẹp, xơ cứng nên máu không lưu thông được đến bộ phận sinh dục, trong khi đó các mạch máu đến tim lại nhỏ hơn nên dễ bị thiếu ôxy, dưỡng chất đưa lên não, gây mệt mỏi và nhiều biến chứng khác.
Bệnh tim mạch đang là vấn đề sức khỏe đáng quan ngại hàng đầu hiện nay.
2. Ngáy, ngưng thở, khó thở khi ngủ
Nhóm người mắc phải các chứng bệnh này có tỷ lệ mắc bệnh tim cao gấp 3 lần trong vòng 5 năm so với những người bình thường, nhất là ngưng thở khi ngủ. Lý do, mắc bệnh rối loạn khi ngủ dẫn đến lượng ôxy mang máu tới cho tim bị giảm mạnh. Nếu bị bệnh thì tim bên phải sẽ bị tổn thương nhiều nhất, khả năng bơm máu lên phổi gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, những người mắc bệnh liên quan đến hô hấp cần đi khám càng sớm càng tốt để tìm nguyên nhân, đặc biệt là sức khỏe tim để có biện pháp phòng ngừa sớm.
3. Sưng đau, chảy máu lợi
Sưng đau lợi hay nướu răng không chỉ là căn bệnh viêm răng lợi mà nó còn là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ mắc bệnh tim. Năm 2010, Viện Hàn lâm Nha khoa Mỹ (AAP) đã thực hiện nghiên cứu và phát hiện thấy đây là dấu hiệu cảnh báo sớm cho trên 50% số ca mắc bệnh tim. Cả hai căn bệnh này có mối liên quan mật thiết với nhau, vi khuẩn chính là thủ phạm gây bệnh viêm lợi và tích tụ bên trong động mạch vành và lâu ngày gây viêm nhiễm, phát sinh bệnh.
Nên đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt để có biện pháp ngăn ngừa, chữa trị, giúp máu tuần hoàn tốt, làm cho hơi thở thơm tho và nhiều lợi ích khác.
4. Sưng đau chân, bàn chân
Nếu thấy hiện tượng phù nề chân, khuỷu chân, ngón chân (trừ khi đi giày dép chật) thì không thể bỏ qua. Đây là hiện tượng giữ nước, chuyên môn gọi là bệnh phù nề, giữ dịch, dấu hiệu cảnh báo bệnh động mạch vành (CAD), suy tim và các dạng bệnh tim mạch khác.
Thông thường, hiện tượng phù nề xảy ra khi tim không đủ mạnh để bơm máu và các chất thải ra khỏi mô. Phù thường xuất hiện ở bàn chân, mắt cá, ngón chân, ngón tay... tức là những vị trí ở xa tim bởi những nơi này tuần hoàn máu kém hơn so với ở những vị trí gần tim.
5. Nhịp tim không đều, loạn nhịp
Đây là dấu hiệu ban đầu cho thấy hệ thống tim mạch bắt đầu gặp sự cố, đôi khi tim bỏ nhịp, đập quá nhanh hoặc quá khó. Dấu hiệu dẫn đến nguy cơ mắc bệnh động mạch vành và nguy cơ tử vong cao do đau tim và đột quỵ. Nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh tim đập nhanh là mắc bệnh CAD, hạn chế máu lưu thông đến tim và hạn chế các chức năng khác của tim. Suy tim cũng là nguyên nhân làm rối loạn nhịp tim, do tim yếu, không có khả năng bơm máu nên phải đập nhanh hơn và mạnh hơn.
6. Đau thắt ngực hoặc vai
Triệu chứng khá phổ biến của bệnh động mạch vành là đau thắt ngực hay cơn đau thắt ngực, gây khó thở. Hiện tượng này dễ bị bỏ qua vì mỗi người đau một kiểu, người thì đau thoáng qua, người thì đau ở vai, cổ cánh tay nên dễ nhầm với chứng đau cơ, ợ chua, tỷ lệ mắc bệnh ở hai giới ngang nhau. Nguyên nhân là do động mạch bị tắc nghẽn, làm giảm khả năng đưa máu đến tim và làm cho tim suy yếu.
Nếu phát hiện đau ngực, nên nghỉ ngơi và đi khám bác sĩ ngay. Nếu cơn đau liên tục, bác sĩ sẽ cho dùng thuốc giãn mạch vành để nong rộng mạch, tăng lượng máu đến cho tim, giảm phụ tải lên tim.
7. Khó thở
Khó thở là dấu hiệu thường gặp vào những lúc làm việc nặng, gắng sức và căng thẳng, nhưng nó cũng là dấu hiệu ban đầu của nhóm người mắc bệnh tim, phổi làm cho việc thở khó khăn, trong phổi tích tụ nhiều dịch đờm và đôi khi dễ nhầm với các loại bệnh khác. Sở dĩ có hiện tượng thở dốc là do tim không đủ mạnh để bơm ôxy tuần hoàn trong máu, nhất là khi leo cầu thang, leo lên sân thượng...
Một khi làm việc nặng, luyện tập thể thao gắng sức hoặc liên tục cảm thấy khó thở thì nên đi khám bác sĩ, kiểm tra hệ thống hô hấp và làm một số xét nghiệm cần thiết để kiểm tra chức năng tim, phổi để có kế hoạch điều trị, ăn uống và luyện tập cho phù hợp.