Nhiều mặt hàng bánh kẹo phục vụ Tết được sản xuất trong điều kiện không đảm bảo an toàn thực phẩm. Ảnh: Vân Hà
Nguyên nhân khiến các đối tượng này “nhờn thuốc” là do lợi nhuận thu được quá lớn, trong khi chế tài xử phạt lại quá nhẹ.
Cơ quan chức năng phát hiện, thu giữ hàng trăm tấn thực phẩm “bẩn”. Tuy nhiên, đây chỉ là “phần nổi” của “tảng băng” chìm. Có ai biết được còn bao nhiêu tấn thực phẩm không rõ nguồn gốc, thậm chí đã bốc mùi hôi thối được chở đi tiêu thụ và được chế biến trà trộn thành những sản phẩm bắt mắt mà người tiêu dùng có “thông thái” đến mấy cũng khó có thể phát hiện ra.
Ngày 26-12 tại Hà Nội, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã phối hợp với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49), Chi cục Quản lý thị trường TP Hà Nội kiểm tra và phát hiện kho hàng tại xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm với khối lượng ước tính ban đầu lên tới 50 tấn không có hóa đơn, chứng từ. Hàng hóa chủ yếu là những mặt hàng phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán 2014 như các loại ô mai, bánh kẹo, hạnh nhân...
Điều gì xảy ra nếu những hàng hóa này “qua mặt” cơ quan chức năng một cách trót lọt. Không có gì khó hiểu khi số vụ ngộ độc thực phẩm vẫn không ngừng gia tăng với số người nhập viện cũng tăng.
Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho rằng, thực tế số vụ vi phạm an toàn thực phẩm đã được phát hiện ngăn chặn không thể phản ánh đầy đủ các vi phạm về an toàn thực phẩm ở nước ta. Ngay cả các nước phát triển đã có hệ thống giám sát thực phẩm, nhưng số vụ vi phạm an toàn thực phẩm cũng chỉ đảm bảo được 10% số thực tế.
Các cá nhân hay tổ chức có hành vi cố ý vi phạm thì ngày càng có những kỹ thuật tinh vi nên việc phát hiện cũng khó khăn hơn. Chính vì vậy mà yêu cầu của công tác thanh tra, kiểm tra là phải có trọng tâm, trọng điểm, và tập trung mạnh vào sản phẩm có nhu cầu lớn trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới như: Các loại sản phẩm có nguồn gốc từ thịt, cá, trứng, sữa… các loại bánh mứt kẹo, rượu bia…
Các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành của Trung ương và địa phương đã tiến hành tập trung cao điểm triển khai kiểm tra, thanh tra từ ngày 15-12. Trong đó, yêu cầu các đoàn phải có đủ điều kiện được phép lấy mẫu thực phẩm để kiểm nghiệm, nhằm không chỉ thanh tra việc chấp hành các quy định về ghi nhãn, về công bố tiêu chuẩn, điều kiện sản xuất chế biến tại các cơ sở mà còn lấy mẫu để xét nghiệm các chỉ tiêu về phẩm màu, đường hóa học, các chất phụ gia, các chỉ tiêu về vi sinh vật, về hóa học…
“Riêng trong dịp Tết dương lịch và Tết Nguyên đán, Thường trực Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương đã yêu cầu UBND các tỉnh, TP triển khai ngay đợt thanh kiểm tra liên ngành đối với tất cả các cơ sở sản xuất, dịch vụ kinh doanh ăn uống ở tất cả các cấp” - ông Phong cho biết.