Nếu không có biện pháp ngăn chặn, nồng độ phát thải bụi mỗi năm tại Hà Nội vào năm 2020 có thể gấp 10 lần mức khuyến cáo của WHO, gia tăng nguy cơ mắc bệnh về mũi, viêm phế quản cấp và mạn tính, hen suyễn...
Bệnh về mũi tăng mạnh
Theo ông Jacques Moussafir, Công ty ARIA Technologies (Pháp), hàm lượng bụi kích thước nhỏ ở Hà Nội cao gấp bốn lần mức khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Từ năm 2012, Hà Nội đã là một trong những thành phố ô nhiễm nhất châu Á và là thành phố ô nhiễm nhất khu vực Đông Nam Á”.
Mức độ ô nhiễm của Hà Nội tương đương thành phố Dehil và Karachi, là 2 trong 10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Nồng độ phát thải bụi mỗi năm tại Hà Nội có thể đạt 200 mg/m3 vào năm 2020, gấp 10 lần mức khuyến cáo của WHO. Nguy cơ mắc bệnh viêm phế quản cấp và mạn tính, hen suyễn, vấn đề tim mạch sẽ tăng gấp đôi, đặc biệt là với trẻ nhỏ và người già. Bệnh gia tăng vào mùa đông (nhiệt độ hạ, khí áp tăng cao).
Hàng ngày có khoảng 9000L không khí đi qua mũi của người trưởng thành để vào phổi. Mũi có chức năng lọc sạch, làm ấm và làm ẩm không khí. Vào mùa lạnh khi không khí bên ngoài khô và lạnh, có nhiều bụi bẩn, sau khi được đi qua hốc mũi, không khí khi vào phổi sẽ trở nên sạch sẽ, ấp áp và đủ độ ẩm không làm phổi bị viêm nhiễm.
Nếu như hốc mũi bị viêm do ô nhiễm không khí, nó sẽ đi vào qua đường miệng thay vì qua mũi, và như vậy sẽ không được lọc sạch, làm ấm, làm ẩm; từ đó dễ gây ra viêm họng, viêm thanh quản , viêm khí phế quản và viêm phổi. Hơn nữa mũi bị tắc ngạt còn ảnh hưởng trực tiếp tới giấc ngủ, hiệu suất làm việc.
3 bước “tự vệ” trước môi trường ô nhiễm
Giữ vệ sinh
Điều đầu tiên cần làm là vệ sinh môi trường sống, giữ cho mũi luôn sạch và luôn ấm. Không nuôi hoặc tiếp xúc với vật nuôi (chó, mèo) gây dị ứng. Đeo khẩu trang khi đi ra đường, khi phải tiếp xúc với bụi bặm, không khí ô nhiễm, tốt nhất là sử dụng khẩu trang y tế để đảm bảo.
Vào mùa lạnh cần giữ ấm cơ thể, giữ ấm cổ. Không dùng tay ngoáy mũi để tránh tổn thương niêm mạc mũi. Dùng nước ấm hoặc nước muối sinh lý để vệ sinh, rửa mũi. Vệ sinh mũi giúp loại bỏ gỉ mũi, chất nhầy, giúp ngăn ngừa và góp phần tránh các bệnh viêm nhiễm hô hấp như: viêm mũi, nghẹt mũi, hắt xì và viêm xoang. Tránh nằm điều hoà quá lạnh, tránh làm việc trong môi trường nhiệt độ quá cao.
Tăng sức đề kháng
Sức đề kháng giống như lá chắn bảo vệ cơ thể khỏi các xâm hại bất lợi từ bên ngoài. Khi cơ thể khỏe mạnh các vi khuẩn, virut sẽ không còn cơ hội gây bệnh, từ đó giảm nguy cơ dẫn đến các bệnh về mũi.
Hãy chăm sóc sức khỏe bằng chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng kết hợp tập luyện thể dục thể thao, đây là biện pháp an toàn và lâu bền nhất để phòng chống bệnh về đường hô hấp cũng như các bệnh khác.
Phát hiện bệnh điều trị sớm
Khi nghi ngờ bị viêm xoang, viêm mũi hoặc viêm đường hô hấp cần đi khám bác sĩ ngay. Người bị viêm xoang và viêm xoang tái phát nên gặp các nhà chuyên môn để được khám và tư vấn những phương pháp điều trị chuẩn xác nhất.
Tránh tình trạng coi thường bệnh mà tự mua thuốc về nhà điều trị. Việc làm này có thể gây nên những hậu quả khó lường, thuốc không đúng liều, không đúng bệnh không những không làm giảm mà còn có thể khiến bệnh nặng thêm, đó là chưa kể tới việc mua phải những loại thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, thuốc kém chất lượng, thuốc có nhiều tác dụng phụ.