Trào lưu ăn thịt và làm đẹp từ ốc sên ở ngoại quốc đang lan sang Việt Nam.
Để có được làn da xuân nữ nuột nà hay chữa các chứng đau lưng, đau khớp… nhiều người nuôi niềm tin vào ốc ma. Tại nhiều tỉnh, thành, nhất là các tỉnh miền Tây, từ người già đến trẻ em xem ốc ma là món ngon, chữa được nhiều chứng bệnh nên thoải mái bắt "nướng trui" hoặc đem tái chanh ăn vô tội vạ.
Nhận thấy tiềm năng kinh tế của ốc ma, không như trào lưu nuôi gián chỉ mới nhen nhóm, thời gian qua đã có nhiều người âm thầm gây nuôi ốc ma để lấy chất dãi bán cho những ai có nhu cầu làm món ăn, làm kem dưỡng da, làm thuốc chữa bệnh… Chuyện thoạt nghe cứ tưởng tin đồn nhảm nhưng kỳ thực đang diễn ra âm ỉ và có dấu hiệu bùng nổ. Điều này mở ra mối họa khôn lường cho không chỉ sức khỏe, tính mạng của con người mà còn gây nguy nan cho môi trường sinh thái…
"Hiện tôi cung cấp loại ốc sên hoa đã nuôi trong môi trường nuôi nhốt nên yên tâm là không có các ký sinh gây bệnh. Trong môi truờng nuôi nhốt, tôi cho ốc sên ăn thực phẩm sạch chứ không phải tạp rác như ngoài thiên nhiên. Tôi đang nuôi và phát triển loài ốc này nên nếu bà con nào cần thì liên hệ theo số điện thoại 091667... tôi sẽ cung cấp con giống với giá phải chăng. Ốc giống 5k/1 con (5.000đ/con - PV), ốc thương phẩm 200k/1kg, trứng ốc sên 500đ/1 trứng. Nếu bác nào cần mua giống về nuôi thì tôi sẽ cung cấp và hướng dẫn cách nuôi tốt nhất. Mọi người ai đi ngang vui lòng up giùm em để cho con vật mới được phát triển tại Việt Nam trong tương lai".
Trên đây là lời rao bán ốc sên thương phẩm cũng như ốc giống cho những ai có nhu cầu nuôi loài ốc này làm thực phẩm hay làm đẹp của một người tên Vũ. "Đi ngang" và "up giùm" theo lời Vũ có nghĩa nếu ai đọc xem tin nhắn của anh ta thì phát tán cho nhiều người cùng biết.
Một người khác có số điện thoại 01695... cũng đang nuôi và rao bán ốc sên với số lượng lớn kích thích "ham muốn" nuôi giống ốc này trong thiên hạ bằng thông tin mồi rằng "hiện tại ốc sên đang được ăn bởi những người ngoại quốc, được tiêu thụ ở các nhà hàng, khách sạn lớn trên các thành phố lớn ở Việt Nam". Theo anh này, “không chỉ thị trường trong nước, các nước như Nhật, Ba Lan, Tây Ban Nha, Ý... cũng có nhu cầu khủng khiếp về ốc sên thương phẩm…".
Trên một diễn đàn, Phương, 26 tuổi, chia sẻ đang lăm le tìm "nguồn hàng" ổn định cũng như tìm hiểu về các thủ tục pháp lý để mở quán "đặc sản ốc ma".
Phương cho biết, có người chị họ đang sống ở Pháp khi về nước hồi đầu năm đã cho xem nhiều hình ảnh và kể chuyện người Pháp xem ốc sên là món khoái khẩu: "Chị tôi nói ở bên Pháp, vào dịp Noel, dân Pháp thường hay ăn ốc sên vì đó là món ăn nhiều dưỡng chất giúp họ có được năng lượng để vui chơi và quan trọng hơn giữ được sắc vóc, làn da tươi trẻ". Phương chia sẻ đã từng mua ốc sên về chế biến thành nhiều món ăn hảo hạng, như ốc sên cháy tỏi, ốc xào bơ.
Anh M., một chủ trang trại ở Sài Gòn, cho biết, anh nuôi ốc sên được hơn 1 năm và ốc thành phẩm được vợ chồng anh sử dụng làm thực phẩm, làm đẹp cho mình và bạn bè, người thân.
Động lực thúc đẩy vợ chồng M. đến với thú nuôi này bắt nguồn từ chuyến đi du lịch Nhật Bản gần 2 năm trước, khi M. đưa vợ vào một tiệm spa ở Tokyo để “tút” nhan sắc bằng ốc sên vốn rất được chị em ở xứ Phù Tang ưa chuộng: "Để được những con ốc sên bò trên mặt trong khoảng gần 10 phút và tiết ra chất dịch nhầy tăng độ ẩm cho da, chống nhăn và chống mụn, khách phải trả cả trăm đôla. Còn nếu dùng kem được chiết xuất từ dịch ốc thì phải trả gấp đôi số tiền ấy".
M. cho biết, lúc đầu chỉ nuôi chơi nhưng nay đang có ý định nuôi với số lượng lớn vì nhận thấy thị trường của loài ốc này quá tiềm năng. Theo lời Hương, vợ M., không chỉ bó gọn ở lĩnh vực massage, trên thị trường người ta rao bán loại kem Senkaku được chiết xuất từ dịch ốc sên rất hiệu quả, nhiều người sử dụng đã rất toại nguyện vì tác dụng đúng như mình mong đợi.
"Kem từ dịch ốc sên trị nám và mụn rất hiệu quả, nó giúp xử lý các vết thâm mụn, cung cấp cho da lượng vitamin A, C, E giúp nhanh chóng sản sinh tế bào mới, làm phai mờ các vết tàn nhang, giúp da tăng độ đàn hồi và săn chắc cơ mặt" - cô vợ vui tính của M. nói.
Trước khi xoáy sâu vào những nguy hại quanh con ốc ma, cần nói rõ rằng loài ốc này được các danh y ghi nhận có những tác dụng tích cực đối với sức khỏe con người trên một số phương diện: "Từ năm 1991, nhân dân một số vùng ở Kiến An (Hải Phòng), Thái Bình và Hải Hưng bắt về nấu ăn chữa hen suyễn... Còn dùng chữa đau bụng kinh niên, thấp khớp".
Trong “Từ điển động vật - khoáng vật làm thuốc”, TS sinh học Võ Văn Chi ghi rõ tính vị và nhiều tác dụng của ốc sên. Theo đó, thịt ốc sên vị mặn, tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi niệu, tiêu thủng: "Sách thế giới động vật ghi con sốc sên nó như vậy mà nhà bác học La Mã Plinut trong thế kỷ I cho biết là đem nó đắp lên trán là có thể cầm được máu cam đang chảy nhiều. Người ta cũng cho rằng ốc sên có thể chữa được lao phổi, phù thũng... Còn các cụ xưa, đã nêu tên ốc sên. Lương y Tuệ Tĩnh đã viết trong Nam dược thần hiệu: Oa ngưu - con sên, vị mặn, tính hàn, hơi độc, trơn mềm, trị trúng phong méo miệng, kinh giản giật rút, bị rết cắn".