Bệnh gì thầy cũng cho uống cùng loại thuốc giống nhau, thậm chí không cần khám, chỉ khai bệnh, thầy cũng cho bán thuốc luôn!
Người bệnh ngồi đợi thầy Bảy
Đọc bệnh bốc thuốc
Hành nghề không phép
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Trường, Trưởng phòng Y tế H.Hóc Môn, cho biết: “Thầy Bảy mặc dù có học qua lương y, nhưng hành nghề khám chữa bệnh không phép nên trước đây đã từng bị lập biên bản vi phạm. Sau khi bị xử lý, ông Cồ nghỉ một thời gian. Gần đây lại tiếp tục hành nghề, nên tuần trước chúng tôi có đi kiểm tra, lập biên bản và đã trình cho UBND huyện để có biện pháp xử lý”.
T.Tùng
Từ rất sớm chúng tôi đã có mặt tại căn biệt thự Quỳnh Nga - nhà thầy Bảy Cồ (tức Tô Văn Cồ, ngụ ấp 4, xã Xuân Thới Thượng, H.Hóc Môn, TP.HCM), vậy mà tại đây đã có rất đông người bệnh từ nhiều nơi tìm đến chờ được bắt mạch bốc thuốc “gia truyền”.
Ngồi cạnh chúng tôi là một phụ nữ tên Hoa (ngụ Tây Ninh) bị bệnh thấp khớp, cơ tay của bà thường bị rút lại không cử động được. Nghe người thân mách bảo, bà Hoa nhờ cháu trai của mình chở lên nhà thầy Bảy để chữa trị. Đang tập trung chờ đợi thì một người tên Thanh (thân nhân của người bệnh) thông báo: “Hôm nay có biến nên thầy không bắt mạch được”. Mới nghe “có biến” chúng tôi không hiểu là gì, sau đó mới biết là thầy Bảy sợ cơ quan chức năng đến kiểm tra. Mọi người định ra về, thì có một người trong nhà thầy Bảy giới thiệu sang căn nhà cấp 4 đối diện để mua thuốc và nói: “Cứ qua bên đó mua đi. Cùng một loại thuốc nhưng nay người nhà bán, thầy Bảy hôm nay không bắt mạch”.
Tại căn nhà đối diện nhà thầy Bảy, tiếp chúng tôi là cặp vợ chồng (khoảng 45 tuổi) tự xưng là em thầy Bảy. Nhiều người dùng đơn thuốc lần trước đưa cho người phụ nữ này và nhận thuốc đã được chuẩn bị sẵn từng gói. Một bệnh nhân bị viêm xoang được bán bao thuốc với 20 bịch thuốc nhỏ trong chứa chất bột màu vàng nhạt, một bịch thuốc dạng viên to bằng đầu ngón tay út, màu xanh đậm, khoảng 70 - 80 viên không nhãn mác, ngoài vài chữ thuốc gia truyền chữa viêm mũi, đau thấp khớp. Một số người bệnh lần đầu đến đây e ngại không dám lấy thuốc vì chưa được thầy Bảy bắt mạch. Nhưng người phụ nữ bán thuốc quả quyết: “Là thuốc gia truyền, chỉ cần kể bệnh rồi lấy vài liều thuốc về uống là hết à” (!?). Người đàn ông tự xưng em ruột của thầy Bảy bồi thêm: “Tôi là em ruột của thầy Bảy, mọi người cứ yên tâm!” (!?).
Phương xa tìm đến, ở gần tránh xa
Bà Hoa (ngụ Tây Ninh) dù chưa được bắt mạch nhưng cũng vội đọc bệnh co rút tay chân của mình để được lấy thuốc. Bà Hoa còn lấy thêm thuốc để chữa cho con gái mình bị bệnh huyết trắng và chồng bị bệnh nhức mỏi và những thuốc mà bà nhận được là cùng một loại với số thuốc của người… bị viêm xoang nói trên. Chỉ có khác là có thêm chai thuốc xoa bóp màu trắng ghi “thuốc xoa bóp gia truyền” và một gói cũng là thuốc “gia truyền” tên Hồi xuân hoàn. Tổng cộng số tiền mà bà Hoa phải trả cho số thuốc này là 480.000 đồng.
Chúng tôi “đọc” bệnh đau cột sống và cũng được người phụ nữ bốc cho hai loại thuốc giống hệt như thuốc của bà Hoa và bệnh nhân bị viêm xoang nói ở trên.
Bệnh gì cũng được cho những loại thuốc như thế này - Ảnh: Lương Ngọc - Đức Tiến
Cùng lúc đó, một nhóm người từ tỉnh Bình Thuận cũng đến nài nỉ người phụ nữ này để được “diện kiến” thầy Bảy, nhưng không được. Một lát sau, vì thương hoàn cảnh những người này xa xôi, nên thầy Bảy đồng ý diện kiến. Không như mọi ngày, hôm nay thầy chọn chỗ bắt mạch là một phòng kín trong nhà, không ánh đèn và kéo rèm.
Từng người một ngồi vào ghế đặt tay phải lên bàn để thầy Bảy bắt mạch và chẩn đoán bệnh. Bà Phạm Thị Cúc (59 tuổi, quê Bình Thuận) được thầy phán: “Đau mỏi khó ngủ, nguyên nhân là do đau khớp”, rồi thầy Bảy cho ra mua thuốc. “Uống với liều mạnh là sẽ khỏi”, thầy nói. Quá trình bắt mạch và chẩn đoán bệnh của thầy Bảy diễn ra vài phút.
Tìm hiểu hàng xóm thầy Bảy, chúng tôi mới biết những người ở khu vực ấp 4 này hễ có đau bệnh gì đều đi bệnh xá, trung tâm y tế để khám và chữa trị chứ không ai đến nhà thầy Bảy. Còn những người đến đây bắt mạch, mua thuốc đều ở các địa phương khác.
Ông Võ Văn Giàu, Trưởng ban Dân vận ấp 4, cho biết: “Từ khi tôi về đây năm 2001 thầy Bảy đã hoạt động, có lúc nhiều người kéo đến rất đông, gây mất trật tự. Vài năm sau ông này bị cơ quan chức năng cấm vì không có bằng cấp, giấy tờ hợp lệ, từ đó hoạt động ít sôi động hơn. Chủ yếu là người ở đâu xa giới thiệu, truyền miệng nhau mà đến”.