Theo các chuyên gia sức khỏe nói chung thì bệnh ung thư bàng quang có khả năng phát triển ở một số đối tượng được xem là có nguy cơ cao.
Bàng quang là một cơ quan rỗng nằm ở vùng bụng dưới chứa nước tiểu do thận thải ra. Lớp niêm mạc phía trong của thành bàng quang được tạo thành từ các tế bào chuyển tiếp và tế bào vảy. Trên 90% trường hợp ung thư bàng quang xuất phát từ tế bào chuyển tiếp còn gọi là ung thư biểu mô chuyển tiếp. Còn lại có khoảng 8 % là ung thư biểu mô vảy. Những ung thư còn khư trú ở niêm mạc bàng quang thì được gọi là ung thư bề mặt bàng quang hay còn gọi là ung thư tại chỗ.
Các nguyên nhân gây ra bệnh ung thư bàng quang chưa được xác định cụ thể. Tuy nhiên, theo các chuyên gia sức khỏe nói chung thì bệnh ung thư này có khả năng phát triển ở một số đối tượng được xem là có nguy cơ cao.
Ung thư bàng quang có thể gặp ở cả nam giới hoặc phụ nữ, ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, những người cao tuổi thường có nguy cơ bị ung thư bàng quang cao hơn so với những người trẻ tuổi và bệnh có thể có những ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sức khỏe của bạn. Khi bàng quang bị bệnh sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các chức năng của hệ tiết niệu, trong đó viêm ngược dòng từ bàng quang lên thận là một nguyên nhân gây nên viêm thận, suy thận.
Theo đánh giá chung của giới y học thì những yếu tố dưới đây được coi là nguyên nhân có thể gây ra ung thư bàng quang ở người phụ nữ.
1. Hút thuốc lá
Đây được coi là yếu tố có nguy cơ gây ra ung thư bàng quang cao nhất. Những chị em hút thuốc lá có khả năng phát triển ung thư bàng quang cao gấp 2 lần so với những chị em không hút thuốc.
Trong thuốc lá có tới 7.000 chất hóa học trong đó có 70 chất là tác nhân gây ung thư. Khi hút hoặc hít phải khói thuốc, các chất hóa học sẽ đi vào cơ thể và gây ra nhiều bệnh nguy hiểm, trong đó có cả bệnh ung thư.
2. Tiếp xúc với hóa chất
Ung thư bàng quang ở người phụ nữ cũng có thể do tiếp xúc với các loại hóa chất gây ra. Nếu bạn làm việc với các hóa chất hoặc trong ngành công nghiệp, bạn có thể có cơ hội bị ảnh hưởng cao hơn so với những phụ nữ khác. Một số phụ nữ có nguy cơ cao bị ung thư bàng quang vì tiếp xúc với các yếu tố sinh ung thư như cao su, chất hóa học, da thuộc, sản phẩm sơn móng tay - chân, nhuộm tóc...
Hóa chất hữu cơ được coi là nguyên nhân gây ung thư bàng quang chủ yếu là các amin thơm. Hóa chất được sử dụng trong ngành công nghiệp nhuộm.
Những hóa chất này khi vào trong cơ thể sẽ được tích tụ lại ở bàng quang cùng nước tiểu nhưng lại khó đào thải ra ngoài mà bám vào các màng trong bàng quang, dẫn đến ung thư bàng quang.
Vì vậy, hãy biết cách tự bảo vệ mình khi làm trong môi trường này nhé.
Ung thư bàng quang vô cùng nguy hiểm. Ảnh minh họa
3. Nhiễm trùng
Những người bị nhiễm kí sinh trùng gây viêm nhiễm hoặc nhiễm trùng đường tiểu thường có nguy cơ bị viêm bàng quang và tăng khả năng phát triển thành ung thư bàng quang.
Vì vậy, nếu có dấu hiệu viêm nhiễm (viêm nhiễm "vùng kín" hoặc nhiễm trùng đường tiểu), hãy điều trị kịp thời, tránh để vi trùng ảnh hưởng sâu vào cơ quan sinh sản và bàng quang.
4. Tiền sử gia đình có người bị ung thư bàng quang
Mặc dù đây là bệnh không lây từ người này sang người khác nhưng nó lại có tính di truyền. Nếu trong gia đình bạn có người bị ung thư bàng quang thì khả năng bạn bị ung thư bàng quang cunngx cao hơn những người khác không có tiền sử bệnh này trong gia đình. Nguy cơ này cũng tăng lên đáng kể ở những người có những thay đổi về gen.
Những triệu chứng có thể gặp khi bị ung thư bàng quang bao gồm:
- Nước tiểu có màu từ hồng nhạt đến đỏ thẫm
- Tiểu rắt, muốn đi tiểu nhưng không được
- Đau khi đi tiểu
Những dấu hiệu trên không phải là dấu hiệu chắc chắn của ung thư bàng quang vì các triệu chứng này có thể gặp trong một số bệnh khác như u lành tính bàng quang, sỏi bàng quang. Tuy nhiên, nếu bạn thuộc một hoặc nhiều nhóm có nguy cơ nói trên và thấy xuất hiện các triệu chứng trên thì nên đi khám càng sớm càng tốt.
Biến chứng của bệnh ung thư bàng quang
Ung thư bàng quang có thể dẫn tới thiếu máu, đi tiểu không kiểm soát được và tắc niệu quản gây chặn dòng tiểu bình thường xuống bàng quang (ứ nước thận). Nhưng biến chứng nghiêm trọng nhất là di căn của ung thư tới các cơ quan khác.