Ung thư trở thành 1 trong số các bệnh phổ biến nhất và gây ra nhiều hậu quả nặng nề, gánh nặng cho cộng đồng và xã hội.
Tại hội nghị, các đại biểu khẳng định: trong những năm gần đây ở nước ta, số bệnh nhân bị ung thư ngày càng tăng, mỗi năm có 75.000 bệnh nhân chết. Ung thư trở thành 1 trong số các bệnh phổ biến nhất và gây ra nhiều hậu quả nặng nề, gánh nặng cho cộng đồng và xã hội. Tuy nhiên, 40% các ca ung thư có thể điều trị được nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng phác đồ. Thậm chí những ca phát triển muộn cũng có thể kiểm soát được.
Giáo sư, bác sỹ Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam cho rằng: "Hơn 40% ung thư có thể điều trị được. Vì sao? - vì không ai chịu phòng ngừa. Do đó, để góp phần giảm nhẹ đi thì việc phòng ngừa rất quan trọng. Ở đây khói thuốc lá gây ra 1/3 chất ung thư, tưởng là dễ giải quyết nhưng lại khó giải quyết. Thứ hai là cách ăn uống chưa phù hợp như: ăn mặn quá, cay quá hay ngọt quá...Những cái đó có thể trong tầm tay mỗi người, phát hiện được, có thuốc điều trị, một số có vaccine phòng bệnh. Nếu tận dụng những điều đó và mọi người có khái niệm về cách phòng bệnh có thể phòng ngừa được".
Tại hội nghị, nhiều tiến bộ mới trong chuẩn đoán và điều trị ung thư được giới thiệu như: xét nghiệm đếm tế bào khối u trong máu; Xạ trị đích trong mổ cho bệnh nhân ung thư vú giai đoạn sớm; Điện quang can thiệp trong điều trị bệnh ung thư. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên khẳng định: Thời gian tới Bộ Y tế sẽ xây dựng mạng lưới phòng chống ung thư trong toàn quốc, đẩy mạnh tuyên truyền phòng chống, sàng lọc ung thư nhằm giảm bệnh nhân mắc mới. Các bệnh viên chuyên khoa đầu ngành về ung thư sẽ tăng cường tư vấn và đầu tư cho các bệnh viện tuyến tỉnh, các khoa ung bướu về cơ sở trang thiết bị và đào tạo nguồn nhân lực để phát hiện, điều trị chống ung thư