Các nhà nghiên cứu cho biết, vi khuẩn đường ruột chuyển hóa carnitine thành trimethylamine-N-oxide (TMAO), một chất chuyển hóa mà trước đây được cho rằng có liên quan đến việc thúc đẩy xơ vữa động mạch ở người.
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu nói rằng một chế độ ăn uống giàu carnitine sẽ thúc đẩy sự phát triển của các vi khuẩn chuyển hóa carnitine, khiến vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn bằng việc sản sinh nhiều TMAO gây tắc nghẽn động mạch.
Trưởng nhóm nghiên cứu, Tiến sĩ Stanley Hazen đến từ Bệnh viện Cleveland cho biết: “Việc chuyển hóa carnitine gợi mở một cách mới giúp giải thích tại sao một chế độ ăn uống nhiều thịt đỏ lại thúc đẩy xơ vữa động mạch”.
Nghiên cứu trước đó đã chỉ ra rằng một chế độ ăn uống nhiều thịt đỏ có liên quan tới việc tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Tuy nhiên, cholesterol và chất béo bão hòa trong thịt đỏ có vẻ không đủ để giải thích cho việc tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Các nhà nghiên cứu đã theo dõi 2.595 bệnh nhân tim mạch, đồng thời kiểm tra các tác động của một chế độ ăn uống tăng cường carnitine đối với tim ở những con chuột bình thường so với những con chuột có nồng độ ức chế vi khuẩn đường ruột.
Cuối cùng, họ phát hiện ra một mối liên quan giữa thịt đỏ và bệnh tim mạch.
TS Hazen cho biết: “Carnitine không phải là một chất dinh dưỡng cần thiết, cơ thể chúng ta tự sản sinh tất cả những thứ chúng ta cần”.
Carnitine có trong thịt đỏ như thịt bò, thịt thú rừng, thịt cừu, thịt vịt và thịt lợn. Nó cũng có dưới dạng thuốc viên bổ sung và là một thành phần phổ biến trong các loại nước tăng lực.
TS Hazen cảnh báo rằng cần nghiên cứu thêm để xác định mức độ an toàn của việc bổ xung carnitine thường xuyên.
Theo Dân trí