Bơ là loài cây của miền nhiệt đới châu Mỹ, cũng được trồng ở các xứ nhiệt đới khác, bắt đầu nhập trồng ở nước ta từ thế kỷ 20, có nhiều nhất ở Lâm Đồng và các tỉnh Tây Nguyên.
Quả bơ bổ dưỡng, dễ tiêu hóa.
Trong 100g thịt trái bơ chín có 60g nước, 2,08g protid, 20,10g lipid, 7,4g gluxit, tro 1,26g, các chất khoáng: Ca 12mg, P 26, Fe 0,6mg, vitamin A 205mg, B 0,05mg, C 20mg, các aminaxit: cystin, tryptophan, ngoài ra còn có nhiều chất kháng khuẩn. Trong sách Guiness ghi: bơ là trái cây chứa nhiều chất dinh dưỡng nhất. Ngoài ra, trong lá và vỏ cây chứa nhiều chất dầu dễ bay hơi (methyl - chavicol, alpha pinen) flavonoid, lanin.
Quả bơ 200g, hoa nhài 50g, mật ong 30g, thịt quả bơ hấp chín, sấy khô, hoa nhài phơi khô, cả hai thứ tán thành bột mịn, trộn mật ong viên thành từng viên khoảng bằng hạt ngô. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 5 viên, uống với nước sôi để nguội. Tác dụng ổn định thần kinh.
Hoặc quả bơ 300g, nghệ vàng 150g, mật ong 50ml. Lấy thịt quả bơ hấp chín, sấy khô, nghệ vàng phơi khô, tán thành bột mịn, dùng mật ong luyện thành viên bằng hạt ngô, phơi khô. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 5 viên, uống với nước sôi để nguội. Tác dụng chữa đau dạ dày.
Vỏ trái bơ có tác dụng chống giun sán.
Lá, vỏ, cành non cây bơ trị tiêu chảy, lỵ, trừ ngộ độc thức ăn, giảm ho: lấy 20-40g lá hoặc vỏ cành bơ sắc với 750ml, 300ml nước thuốc chia làm 3 lần uống trong ngày trước bữa ăn. Lưu ý, bài thuốc này có tác dụng kích thích kinh nguyệt và có thể gây sẩy thai nên phụ nữ trong thời kỳ mang thai không nên dùng.
Hạt bơ: dầu chiết từ hạt bơ có tác dụng nuôi dưỡng, bảo vệ da tươi tắn, làm mềm dịu các loại da khô, sần sùi, bong vảy, ngoài ra còn dùng làm dầu xoa mát xa vùng đầu, kích thích da đầu, giúp tóc mau mọc.