Sự việc bỗng nhiên có nhiều người mắc bệnh nhiễm HIV ở một vùng quê tỉnh Bến Tre đã khiến cho nhiều người dân hoang mang lo sợ.
Một nạn nhân nhiễm HIV ở ấp Phú Đăng, xã Ngãi Đăng.
Mắc bệnh truyền nhiễm mà không biết từ đâu?
Dọc theo hơn gần 100km đường bộ và đường thủy, băng qua bạt ngàn những hàng dừa xanh ngút, chúng tôi tìm về ấp Phú Đăng (xã Ngãi Đăng, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre). Thế nhưng, phía sau sự bình yên ấy, họ đang phải gánh chịu những nỗi đau về việc mắc phải căn bệnh lây nhiễm HIV mà không biết vì đâu. Nhiều người trong số những nạn nhân ấy trở nên bất cần, buồn rầu, né tránh trước những lời đồn thổi của dư luận.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc phát hiện bệnh của những người dân ở nơi đây rất tình cờ. Đầu năm 2012, ông N.V.C (ngụ ở ấp Phú Đăng, xã Ngãi Đăng) bị bệnh thận nên tính đi khám để tiến hành phẫu thuật thì phát hiện trong máu có nhiễm vi rút HIV. Sau đó không lâu, hàng loạt nạn nhân cũng phải gánh chịu nỗi đau bệnh tật giống như ông C.. Sự việc đã trở thành một bí ẩn, chưa có lời giải thích không chỉ đối với những bệnh nhân mà còn là bất hạnh đối với những người thân trong gia đình họ.
Trong nét mặt buồn rười rượi, ông C. cho biết: "Quá hoảng loạn, tôi mang chuyện của mình về kể cho bà con trong xóm nghe với hy vọng được chia sẻ. Không ít người đã rơi vào trạng thái hoang mang, lo sợ về trường hợp bệnh của tôi. Bởi từ trước tới giờ, tôi chỉ biết cặm cụi với công việc đồng áng, thân thiện và hòa đồng với xóm làng, chứ có làm gì đâu mà phải gánh chịu tai hoạ bỗng nhiên giáng xuống ấy.
Chính vì thế nhiều người dân trong ấp đã tìm lên bệnh viện TP.HCM để khám và xét nghiệm, kiểm tra tình hình sức khỏe. Điều đáng buồn nhất là kết quả kiểm tra ấy đã phát hiện với tổng số 11 người dân ấp Phú Đăng nhiễm HIV. Nhiều người gần như chết lặng đi khi cầm trên tay tờ kết quả bất ngờ ấy".
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tin đồn về những người bệnh nhiễm HIV của ấp Phú Đăng ngày càng lan ra khắp xã Ngãi Đăng khiến cho nhiều người dân bất an nên cũng đi kiểm tra. Cho đến giữa tháng 9/2012, theo thông tin từ UBND xã cho biết, đã có thêm ba người trong xã có kết quả dương tính với HIV được phát hiện. Kết quả ấy đã nâng số người nhiễm HIV ở xã này lên con số 17.Trong đó có tám trường hợp chuyển sang AIDS và đã có hai người tử vong.
Theo nhiều người dân nghi ngờ, căn bệnh lây nhiễm cho nhiều người một cách bí ẩn này là do những người này trước đó cùng được tiêm chung một ống thuốc của một bác sĩ tại địa phương.
Anh Bùi Văn Hồng, trưởng ấp Phú Đăng chia sẻ: "Vùng đất này lúc trước là căn cứ cách mạng, bạt ngàn là rừng dừa. Sau hòa bình, người dân đã trở về khai hoang, lập ấp để làm ăn sinh sống. Cuộc sống vất vả, quanh năm cặm cụi với vài công đất, làm mướn để kiếm bát cơm, bát cháo.
Cho đến đầu năm nay, đột ngột phát hiện ra có nhiều người nhiễm bệnh khiến ban quản lý của ấp cũng không thể ngờ tới và không hiểu nguyên nhân vì sao. Sau khi phát hiện nhiều người trong ấp nhiễm bệnh, ban quản lí của ấp đã đề nghị lên cấp trên để hỗ trợ, đưa các gia đình này vào diện hộ nghèo. Đồng thời, chúng tôi cũng kiến nghị để họ được cấp bảo hiểm đi điều trị đều đặn hơn".
Nỗi lòng của những người phụ nữ
Theo sự giới thiệu của chính quyền địa phương, chúng tôi tìm đến gia đình ông N.V.C trong chập choạng tối. Gọi mãi, không thấy ai trả lời cho đến khi chúng tôi nhìn thấy một cháu bé chừng bốn tuổi. Theo sự chỉ dẫn của cháu bé, chúng tôi vào sâu bên trong nhà thì gặp bà P.T.S. (vợ của ông C.).
Vừa kịp nhìn thấy chúng tôi, bà S. đã liên tiếp nói những lời khó ưa và không muốn hợp tác. Bà trả lời chúng tôi, ông C. ra đồng chưa về. Tuy nhiên, chúng tôi cố nán lại gặng hỏi thì mới biết sau những lời đồn thổi sai sự thật về căn bệnh của chồng nên kể từ đó bà trở nên ác cảm với người lạ khi đến hỏi thăm.
Không mấy thiện cảm, bà S. cho biết: "Nói thiệt, bây giờ cứ hễ nói đến dư luận là tôi không ưa nổi. Mọi người đã không giúp chúng tôi tìm ra nguyên nhân thì thôi lại còn nói bậy bạ. Có người còn nói ông nhà tôi vì đi lăng nhăng, chơi gái nên mới như vậy trong khi ổng đã bị suy thận nặng trước đó mấy năm.
Từ trước đến giờ, chồng tôi là người chịu thương, chịu khó, lại khỏe mạnh, sống có tình có nghĩa nên người dân ở đây ai chẳng biết. Từ khi phát ra bệnh, ổng trở nên ốm yếu, không làm được gì nổi. Thậm chí, nhiều lúc ổng chẳng dám ra đường, không dám gặp ai bởi không ít người né tránh mỗi khi có đám tiệc vì sợ bị lây bệnh.
Chính vì thế, tôi cảm thấy chán nản, chỉ mong sao ổng có thể gạt đi những mặc cảm của bệnh tật và sống vui vẻ với gia đình". Nói về việc sinh hoạt của hai vợ chồng, bà nói: "Vợ chồng cũng có tuổi rồi nên chuyện vợ chồng từ lâu đã không qua lại nữa chứ không phải sau khi ổng bị bệnh chúng tôi mới trở nên như thế".
Chúng tôi đang trò chuyện với bà S. thì ông C. về và nhìn chúng tôi một lúc như dò xét. Bần thần trong buổi chiều chập choạng tối, ông tâm sự: "Kể từ sau khi bị bệnh sức khỏe trở nên giảm sút nghiêm trọng và không thể làm được những việc nặng giúp đỡ gia đình. Có nhiều người đang ở độ tuổi lao động 20, 30 nhưng khi bị bệnh họ cũng trở nên mất sức và không thể lao động nổi. Chi bộ của ấp cũng đã cho tôi miễn công tác để yên tâm chữa trị. Là một người bệnh, tôi chỉ mong sao Nhà nước, chính quyền địa phương và các ngành chức năng phải tìm cho ra nguyên nhân của căn bệnh này từ đâu mà có. Điều đó sẽ giúp cho những người bệnh như tôi an tâm mà biết bệnh của mình".
Chúng tôi tìm đến gia đình có cùng lúc hai cha con bị bệnh HIV. Đó chính là gia đình ông P.V.O và người con trai là P.V.D. Trong căn nhà tềnh toàng, con gái anh D. cho hay, gia đình nghèo lắm, từ khi biết ba bị bệnh, không biết ba có chết không nhưng không khí gia đình rất buồn buồn lắm. "Ba mẹ con đi lên thành phố mấy ngày rồi vẫn chưa về", nói rồi bé khóc. Sau đó con anh D. dẫn chúng tôi qua nhà ông O.
Nhà ông P.V.O cách đó vài chục mét, cũng với không khí im lìm, vắng lặng. Bà vợ của ông cự tuyệt tiếp đón sự có mặt của chúng tôi và không muốn trả lời về căn bệnh của chồng mình với người lạ nữa. Bà cho biết: "Cách đây không lâu, một vài người không biết lấy thông tin từ đâu mà nói ổng nhà tôi làm ăn bể nợ, không còn tiền chữa trị nên giờ bị bệnh phải đi xin thuốc Nhà nước để uống. Tôi không hiểu mọi người đang nghĩ gì mà lại khống tin cho người khác như vậy".
Thuyết phục mãi, chúng tôi mới có thể ngồi trò chuyện với ông bà trong giây lát. Ông O. đang nằm trên giường, có vẻ rất yêu ớt, lâu lâu ông mới thì thào được vài câu. Vợ ông O. cho biết: "Từ ngày bị bệnh, ông ấy trở nên sa sút và tiều tụy đi rất nhiều. Không chỉ căn bệnh này, ông còn phải chiến đấu từng hơi thở với các căn bệnh thoái hóa đốt sống cổ, sống lưng, bệnh tim, bao tử. Đó là hậu quả của bao nhiêu năm vất vả, lăn lộn với cuộc sống vì gia đình, vợ con.
Về phía gia đình, khi biết ổng bị nhiễm bệnh HIV, tôi vẫn cố gắng vui vẻ hòa đồng như lúc trước để an ủi ổng sống vui sống khỏe với gia đình, con cái lâu hơn. Là một người vợ, tôi không muốn để cho ổng nghĩ ngợi mà buồn phiền về căn bệnh của mình. Tôi cũng không dám trách móc ai, chỉ nghĩ đó là tai nạn mình không may mắc phải. Nhưng tôi cũng mong Nhà nước có thể trả lời cho người dân chúng tôi biết nguyên nhân của sự việc để không có ai tránh né hay dị nghị bàn tán khiến người bệnh trở nên mặc cảm".