Nhiều năm gần đây, nhu cầu thị trường ngày càng cao nên làng nghề làm miến Dương Liễu (huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội) ngày càng phát triển. Tại đây, mỗi ngày có hàng trăm tấn miến, mỳ các loại được xuất bán khắp mọi miền, đem lại thu nhập cao cho người dân làm nghề. Tuy nhiên, vấn đề an toàn vệ sinh lại rất đáng lo ngại.
Các sản phẩm miến ở Dương Liễu phơi tràn lan khắp mọi nơi làm mất vệ sinh an toàn thực phẩm
Ô nhiễm... toàn tập
Hiện nay cả xã Dương Liễu có khoảng 2000 hộ sản xuất miến. Tới Dương Liễu, chúng tôi nhận thấy khắp các đường làng, ngõ xóm bốc lên một thứ mùi hôi thối nồng nặc. Các mương nước đen ngòm, đặc sệt của nước thải và các chất cặn bã từ nguyên liệu làm miến. Những nong miến được phơi ven đường, thậm chí phơi cạnh bãi rác, trên các kênh mương có dòng nước thải. Nhiều chỗ bụi bặm, ruồi nhặng bâu trông gai người. Chúng tôi vào xưởng của một hộ sản xuất miến ở xã Dương Liễu. Một mái nhà thấp lè tè, giữa xưởng là chiếc máy tráng miến hoen gỉ. Các công nhân hì hục xúc cả đống củ dong giềng bám đầy đất đưa vào máy nghiền. Sau đó toàn bộ bột được đưa sang bồn xi măng để lọc, chiếc nào cũng cáu bẩn bốc mùi chua khó chịu. Các công nhân thản nhiên nhào nặn bột bằng chân, tay trần. Dưới nền nhà dòng nước thải chảy lênh láng. Bên ngoài sân các bó miến thành phẩm vứt ngổn ngang lẫn đất cát. Nhiều cơ sở sản xuất khác có chung trình trạng ô nhiễm như vậy.
Dùng hóa chất độc hại để làm miến?
Khi nhu cầu tiêu thụ của thị trường tăng mạnh, những người sản xuất ở Dương Liễu thay đổi hình thức sản xuất từ thủ công sang sản xuất bằng máy móc. Điều đáng lo ngại, đa số các xưởng sản xuất miến chạy theo lợi nhuận, bất chấp sức khỏe của người tiêu dùng. Hiện nay các sản phẩm miến sản xuất ở Dương Liễu rất đa dạng, nhiều màu sắc hấp dẫn như: trắng, xanh đục, xanh ngà, vàng ruộm… Theo một hộ kinh doanh miến tiết lộ để có những sản phẩm miến bắt mắt như vậy người sản xuất phải dùng hóa chất, phẩm màu để tạo màu cho miến. Tại một xưởng sản xuất ở Đội 8, chúng tôi thấy các công nhân đang pha một thứ bột màu vàng mà chủ xưởng gọi là bột nghệ. Các chất tạo màu cho miến được lấy ra từ trong bao tải không rõ nguồn gốc xuất xứ, không địa chỉ nơi sản xuất. Theo một người làm công tại xưởng này chia sẻ, nhu cầu khách hàng rất đa dạng nên màu miến tùy theo yêu cầu của khách. Họ thích màu gì thì người sản xuất sẽ pha chế màu đúng theo yêu cầu. Người này cho biết, để tạo màu cho miến rất đơn giản. Bột dong giềng ngâm nước từ khoảng 5 giờ đồng hồ rồi lọc lấy tinh bột. Nếu muốn miến có màu trắng phau thì sau khi ngâm bột sẽ tẩy trắng bằng một loại thuốc màu tím. Còn nếu muốn miến có màu khác thì pha trộn các loại hóa chất khác nhau. "Pha hóa chất khi làm miến thì miến sẽ dai hơn, người tiêu dùng ăn có cảm giác ngon hơn không bị nhũn, bở…”- chị làm công giải thích. Cũng theo tìm hiểu, hiện nay, nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất miến rất hạn chế nên nhiều hộ sản xuất đã nhập một thứ bột không rõ nguồn gốc. Khi làm miến thì pha trộn với bột dong giềng sẽ sản xuất được nhiều miến hơn. Ai dám đảm bảo rằng những hóa chất đó không có hại cho sức khỏe?
Mới nhắc nhở là chính
Hàng ngày tại đây có đến hàng trăm tấn miến được đưa đi tiêu thụ. Tuy nhiên, chính người làm nghề lại không dám ăn những sản phẩm do chính tay mình làm ra. Khi được hỏi, tại sao không làm sạch để đảm bảo sức khỏe khách hàng, một người sản xuất miến ở Đội 2 (xã Dương Liễu) trả lời qua quýt : "Mỗi ngày, mỗi nhà làm hàng tấn thì lấy đâu ra chỗ phơi sạch sẽ. Mình làm để bán chứ có ăn đâu mà quan tâm. Có bẩn một chút nhưng khi nấu chín thì vi khuẩn sẽ chết hết lo gì. Còn những hóa chất ở đây ai chả dùng. Bao nhiêu khách hàng đã ai kêu ca bệnh tật gì đâu..(?!)
Về vấn đề này, lãnh đạo UBND xã Dương Liễu thừa nhận, việc sản xuất miến có nhiều hộ chưa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Chính quyền xã đã thành lập ban chỉ đạo hàng tháng hàng quý kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng chủ yếu nhắc nhở là chính. Trước những nghi vấn về mức độ an toàn các sản phẩm của làng nghề Dương Liễu, Sở y tế Hà Nội cũng đã lập đoàn kiểm tra và yêu cầu các cơ sở sản xuất chấm dứt việc phơi mỳ miến trên đường đi, gần nơi ô nhiễm như cống rãnh, đường giao thông. Tuy nhiên tình trạng này vẫn tiếp tục tái diễn.