Bác sĩ Trần Thị Kim Ngọc, Bệnh viện Đa Khoa Medlatec cho biết, virus Adeno là một trong những nguyên nhân gây nên các bệnh liên quan đến đường hô hấp, đặc biệt là viêm phổi nặng, với các triệu chứng đa dạng, dễ lây lan nhanh thành dịch và có thể để lại di chứng lâu dài tại phổi nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Thời gian ủ bệnh của các bệnh do virus Adeno gây ra có thể kéo dài 8-12 ngày. Phát hiện sớm và điều trị kịp thời cho người bệnh sẽ giảm được nguy cơ các biến chứng nguy hiểm như suy hô hấp, nhiễm khuẩn huyết, suy đa tạng. Bên cạnh đó chúng ta cần cẩn trọng với biến chứng lâu dài gây ảnh hưởng đến sức khỏe như viêm tiểu phế quản bít tắc sau nhiễm trùng, giãn phế quản, xơ phổi...
Một số trường hợp viêm đường hô hấp cấp điển hình cha mẹ cần phải chú ý:
Viêm đường hô hấp cấp: Thường xảy ra ở trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh, để lại những hậu quả về sức khỏe nếu không được điều trị dứt điểm và kịp thời. Bệnh có biểu hiện đau họng, sưng họng, hạch cổ sưng đau, sốt có thể cao đến 39 độ C, ho, diễn biến cấp tính, khỏi nhanh sau 3 - 4 ngày.
Viêm họng cấp: Với các biểu hiện như sốt, đau đầu, sưng họng, ho, chảy nước mũi kéo dài 7-14 ngày. Tình trạng này dễ lây lan nhanh và rộng, dễ trở thành dịch, đặc biệt ở môi trường công cộng.
Viêm họng kết mạc: Có triệu chứng gần giống viêm họng nhưng dễ nhận biết hơn với biểu hiện đi kèm là kết mạc mắt đỏ, thường không đau, chảy dịch trong. Bệnh có thể lây qua đường hô hấp, trẻ tiếp xúc với nguồn lây bệnh khi đi bơi hoặc tham gia các hoạt động sinh hoạt hàng ngày.
Viêm phổi cấp: Ở trẻ nhỏ do virus Adeno các type 1, 2, 3, 4, 7, 14, 21, 35 gây viêm phổi, trong đó các type gây viêm phổi nặng và phức tạp là type 3, 7, 14 và 21, chiếm đến 10% tổng số trường hợp.
Trẻ bị viêm phổi cấp do virus Adeno thường sốt cao 39 độ C, ho, chảy nước mũi, dấu hiệu tổn thương tại phổi, nguy cơ lan rộng và để lại di chứng ở phổi. Tỷ lệ trẻ tử vong khi mắc viêm phổi cấp do Adeno có thể chiếm 8-10% số ca mắc. Con số thống kê này thể hiện mức độ nguy hiểm nếu trẻ không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời đúng cách.
Ngoài bệnh viêm phổi cấp, virus Adeno còn là nguyên nhân gây ra các bệnh thường gặp khác ở trẻ như viêm kết mạc mắt, viêm dạ dày, ruột, viêm bàng quang.
Bác sĩ Trần Thị Kim Ngọc cho biết, do virus Adeno có thể là một trong nhiều loại virus khác như Enterovirus, Parainfluenza virus, Metapneumovirus - nguyên nhân gây ra các biểu hiện bất thường ở con trẻ. Việc phát hiện sớm, chính xác nguyên nhân gây bệnh, trẻ sẽ được điều trị phù hợp và kịp thời, với tình trạng, mang lại hiệu quả tối đa.
Bác sĩ Trần Thị Kim Ngọc chia sẻ 5 bí quyết cha mẹ cần nắm trong lòng bàn tay để chủ động bảo vệ con khỏi các yếu tố gây bệnh:
- Cho trẻ bú mẹ ngay sau sinh, và nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, kéo dài đến 2 tuổi. Đây là bước đầu tiên cha mẹ có thể làm để xây dựng “bức tường đề kháng” vững chãi trước các yếu tố gây bệnh về sau.
- Có chế độ ăn dặm hợp lý đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ trong hành trình phát triển những năm đầu đời.
- Giữ môi trường sống sạch sẽ, thoáng mát, không khói bụi bẩn, khói thuốc lá. Vì môi trường có vai trò quan trọng trong phòng ngừa khả năng nguy cơ mắc bệnh lý về hô hấp ở trẻ.
- Vệ sinh mũi họng, rửa tay thường xuyên sạch sẽ, đặc biệt trước khi cho trẻ ăn, sau khi con tham gia các hoạt động vui chơi. Cha mẹ, người chăm sóc cũng cần vệ sinh sạch sẽ tay trước khi chế biến đồ ăn, hoặc tiếp xúc gần với trẻ.
- Luôn cố gắng đeo khẩu trang, che chắn cho trẻ khi ra ngoài, ở môi trường công cộng, hạn chế đối đa tiếp xúc với người bị ốm, bệnh.
Ngoài ra, cha mẹ lưu ý khi trẻ có dấu hiệu bất thường về sức khỏe, xét nghiệm là bước đầu tiên đơn giản nhất giúp bạn biết chính xác nguyên nhân gây ra các triệu chứng.
Từ tháng 8/2022 đến nay, số ca bệnh Adeno virus dương tính phát hiện tại Bệnh viện Nhi Trung ương tăng cao. Tổng số ca nhiễm Adeno virus ghi nhận trong toàn bệnh viện từ đầu năm 2022 là 1.406 ca bệnh, số ca bệnh nội trú 811 (chiếm gần 58%) với 7 ca tử vong.
Chỉ tính riêng từ tháng 8 đến ngày 21/9, tổng số ca bệnh Adeno virus phát hiện là 1.316 trường hợp với 738 bệnh nhân nội trú. Tỷ lệ chung trẻ mắc Adeno virus nhập viện chiếm khoảng 4% so với tổng số người bệnh điều trị nội trú.