Y sĩ Võ Xuân Tỵ (trái) và y sĩ Dương Công Thuần là 2 trong số 30 thầy thuốc trẻ bám bản tiêu biểu vinh dự được tuyên dương tại Đại hội Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam lần thứ 3 nhiệm kỳ 2015 - 2020. Ảnh: Võ Thu
Bám bản, bám dân
Năm 1999, tốt nghiệp Trường Trung cấp Y tế Lạng Sơn, y sĩ đa khoa Dương Công Thuần (lúc đó mới 24 tuổi) đã xung phong đến làm việc tại Trạm Y tế xã Nhất Tiến (huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn). Đây là xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn nằm cách trung tâm huyện gần 50km. Là y sĩ đa khoa, anh Thuần đảm nhiệm tất cả nhiệm vụ từ tuyên truyền về các chính sách y tế, DS - KHHGĐ đến thuyết phục người dân thay đổi thói quen chữa bệnh, đẻ tại nhà, cúng bái mê tín dị đoan. Một kỷ niệm ngay một năm sau khi ra trường mà y sĩ Thuần nhớ mãi.
Hôm đó, trời vừa xẩm tối, một gia đình người Dao hớt hải nhờ anh đến tận nhà xem bệnh cho cậu con trai 2 tuổi ốm nặng, khó thở, sốt cao. Họ đã cúng “con ma rừng” mãi mà bé chưa khỏi. Y sĩ Thuần ngay lập tức đi bộ cùng vào nhà bệnh nhân, khám lâm sàng thì biết bé bị viêm phổi nặng. “Gia đình nhất định không chịu lên trạm xá, không cho con ra khỏi nhà, tôi chỉ còn cách ở lại đó, thức trắng đêm để theo dõi, chăm sóc bé, sáng sớm hôm sau lại trở ra trạm lấy thêm thuốc cho bé uống, tiêm. Suốt mấy ngày phải đến khi bé hạ sốt, khỏe lại, hướng dẫn người nhà cho uống thuốc rồi, tôi mới yên tâm rời đi”, anh Thuần nhớ lại.
Chữa bệnh cho đồng bào miệt mài hơn 16 năm qua, nhưng anh Thuần cho biết, anh sống xa gia đình tới 43km, khi con cái đau ốm, không phải lúc nào cũng có mặt kịp thời được. Y sĩ Thuần tâm sự, điều quan trọng nhất trong suốt thời gian qua là anh và các đồng nghiêp đã tạo cho người dân niềm tin, thói quen đến trạm y tế, gọi thầy thuốc, chứ không chỉ trông chờ “con ma rừng” chui ra khỏi người. Hiện nay mỗi năm, trạm xá, nơi anh Thuần làm Trưởng trạm thường xuyên tiếp đón khoảng 4.700 lượt người tới khám, điều trị.
Cũng đương đầu với cuộc chiến chống “con ma rừng”, y sĩ đa khoa Võ Xuân Tỵ (SN 1977), Trạm trưởng Trạm Y tế xã Đắk Blô – xã trọng điểm đặc biệt khó khăn của huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum chia sẻ, người dân tộc Dẻ Triêng, nơi anh sống từng tồn tại nặng nề hủ tục mổ lợn cúng ma khi có người ốm trong nhà. Là người dân tộc Kinh, lại từ tỉnh ngoài đến (anh Tỵ nguyên gốc Quảng Bình), anh bảo vừa phải tôn trọng tập tục của người dân, vừa từng bước vận động.
Anh Tỵ tâm sự: “Nếu có người ốm đau, con lợn mổ ra để cúng ma, cúng làng kia có thể bán được 2 triệu đồng, tiền đó nên để dành chữa trị cho người bệnh. Vì lợn mổ ra chỉ có làng ăn chứ người ốm làm sao ăn được, bệnh cũng không “tự nhiên chui ra khỏi người đâu”. Tôi cứ cần mẫn tuyên truyền như thế, kết hợp chữa bệnh nhiệt tình cho người dân, giờ đồng bào ốm không cúng ma nữa mà chủ động lên trạm hoặc gọi thầy thuốc đến nhà”.
Phải rèn luyện ứng xử chuẩn mực ngay từ trạm y tế xã
Là người dân tộc Kinh, anh Tỵ đã tự mày mò học tiếng Dẻ Triêng để lắng nghe nhu cầu của đồng bào. Với anh, đó là yêu cầu đầu tiên để cán bộ đi tuyên truyền vận động. Sát cánh cùng dân từ khi còn là nhân viên Trạm Y tế, không ít lần anh đã phải thức xuyên đêm cùng người dân theo dõi bệnh tật của họ. Anh Tỵ nói: “Tôi phải đi từng nhà vận động thăm hỏi, xem bệnh tật, cách sống, đảm bảo vệ sinh ra sao. Việc quản lý trạm cũng phải sát sao vì đây là "bộ mặt" ngành Y, là nơi khám chữa bệnh thì vấn đề vệ sinh phải sạch sẽ, khang trang. Ngoài ra, cách ứng xử giữa cán bộ y tế với người dân cũng phải hòa nhã, thân thiện. Tôi nghĩ đó là điều rất quan trọng”.
Anh Tỵ cũng là một trong những người góp sức đẩy lùi hủ tục thách cưới nặng nề của người dân tộc Dẻ Triêng. Người dân tộc Dẻ Triêng theo chế độ mẫu hệ, hai đứa trẻ lấy nhau là do cha mẹ hai bên bắt cưới. Người Dẻ Triêng cũng có phong tục khi thách cưới, nhà trai yêu cầu nhà gái phải mang đến từ 500 - 1.000 bó củi khô để đun nấu. “Lúc đầu tôi cũng bất ngờ. Nhưng sau đó, tôi nghĩ phải vận động thôi, không thể thế được. Một là, tảo hôn không đảm bảo vấn đề sức khỏe sinh sản, rất có hại cho cả mẹ lẫn con. Thứ nữa, phong tục cõng củi đó theo tôi là phá rừng, vì phải vào rừng chặt cây lấy củi mới được 1.000 bó. Như vậy là không được. Đến nay, nhờ kiên trì vận động, nhà trai chỉ còn thách cưới cho có “lệ”, cô dâu chỉ cõng khoảng 5 - 10 bó thôi”, anh Tỵ phấn khởi nói. Anh Tỵ cũng chia sẻ, mùa mưa này, đường sá đi lại từ xã anh lên huyện (khoảng 35km) rất khó khăn, không thể đi lại nổi bằng xe máy. Có những trường hợp, thầy thuốc phải cáng bộ bệnh nhân bằng cách buộc võng lên cành cây to để đưa lên trạm xá, hay cuốc bộ lên huyện.
Anh Thuần, anh Tỵ là 2 trong số 30 thầy thuốc trẻ bám bản tiêu biểu đã vinh dự được tuyên dương tại Đại hội Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam lần thứ này.
Những người trẻ năng động, sáng tạo
Trong hai ngày 6 - 7/1, Đại hội Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam lần thứ 3 nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã diễn ra tại Hà Nội. Tại phiên chính thức ngày 7/1, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng nhiều lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể đã tới tham dự. Trước đó, chiều 6/1, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã có cuộc gặp mặt 30 thầy thuốc trẻ bám bản tiêu biểu.
Phát biểu tại Đại hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Chủ tịch danh dự Trung ương hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam đánh giá cao hướng đi mà Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam đã lựa chọn trong công tác đảm bảo, chăm sóc sức khỏe người dân, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa, khó khăn. Sự năng động, sáng tạo trong hình thức thực hiện các phong trào của Hội đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Có thể kể đến phong trào khám, chữa bệnh miễn phí, chỉ trong thời gian ngắn, đã khám lượng lớn hơn 1 triệu người, lập kỷ lục trong việc khám, chữa bệnh cho nhân dân.
Võ Thu/Báo Gia đình & Xã hội
Nguồn gidinh.net.vn
http://giadinh.net.vn/y-te/nhung-thay-thuoc-tre-tuyen-chien-voi-con-ma-rung-20160108105355975.htm