Bệnh động mạch vành là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới và được ví là “sát thủ” đáng gờm của nhân loại. Tại nước ta mỗi năm có hơn 100.000 người tử vong vì bệnh động mạch vành. Bệnh này được hình thành từ tình trạng lòng mạch bị hẹp do các mảng xơ vữa hoặc do co thắt mạch. Nếu bệnh nhân không được cấp cứu và can thiệp kịp thời sẽ nhanh chóng tử vong do thiếu máu cơ tim.
Trước tình trạng bệnh nhân động mạch vành ngày càng gia tăng, thực tế đòi hỏi người bệnh cần được cấp cứu, can thiệp sớm để tránh suy tim, tử vong, Bộ Y tế đã chỉ đạo các bệnh viện đầu ngành chuyển giao các kỹ thuật can thiệp tim mạch cho bệnh viện tuyến tỉnh để những bệnh nhân động mạch vành có cơ hội được cứu sống kịp thời.
Bà Phạm Thị Thu Nga, năm nay 72 tuổi, ở thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh vừa được các bác sỹ Bệnh viện Bãi Cháy đặt sten can thiệp động mạch vành để điều trị bệnh nhồi máu cơ tim. Bà Nga là một trong những bệnh nhân đầu tiên được thực hiện kỹ thuật này tại bệnh viện Bãi Cháy (quê nhà).
Bà Nga cho biết, năm 2014, bà từng phải lên tận Bệnh viện E Hà Nội để đặt sten động mạch vành trong tình trạng cấp cứu. Khi đó, bà bị đau tim dữ dội do thiếu máu cơ tim. Quãng đường từ Quảng Ninh về Hà Nội lại xa, hàng trăm cây số, chỉ chậm vài phút là lần đó bà đã tử vong.
Rất may, lần này, khi bệnh của bà tái phát cũng là lúc Bệnh viện Bãi Cháy thực hiện được các kỹ thuật can thiệp tim mạch mà Bệnh viện Tim Hà Nội chuyển giao. Bà Nga là một trong những bệnh nhân đầu tiên được đặt sten động mạch vành tại Bệnh viện Bãi Cháy vừa giúp việc cứu chữa được kịp thời, vừa đỡ phải đi lại xa xôi và đỡ tốn kém.
“Hôm trước tôi thấy đau ngực tôi đến khoa tim mạch, bệnh viện Bãi Cháy. Khi tôi tỏ ý muốn chuyển lên Hà Nội vì ở đó có máy móc hiện đại, các bác sỹ ở đây nói cứ ở đây điều trị, không cần lên bệnh viện ở Hà Nội nữa. Các bác sỹ cho biết, ở bệnh viện này cũng có máy móc hiện đại và các bác sỹ ở Hà Nội về đây chuyển giao kỹ thuật. Sau khi được đặt sten ở Bệnh viện Bãi Cháy, được các bác sĩ chăm sóc tận tình, chu đáo tôi và các bệnh nhân cảm thấy yên tâm, lại được ở gần nhà. Lần đặt sten trước tôi tốn 120 triệu đồng, bây giờ chỉ phải nộp khoảng hơn 30 triệu đồng”, bà Nga tâm sự.
(Ảnh: Báo Quảng Ninh)
Bác sỹ Vương Văn Phương, Trưởng khoa Tim mạch, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết, việc chuyển giao kỹ thuật vừa nêu đáp ứng được nhu cầu điều trị bệnh tim mạch đang có xu hướng tăng. Từ năm 2013 đến nay, Khoa Tim mạch, Bệnh viện Bãi Cháy đã tiếp nhận điều trị gần 4.000 lượt bệnh nhân mắc các bệnh lý tim mạch như suy tim, tăng huyết áp và bệnh lý mạch vành. Hiện nay, mỗi ngày, tại khoa có 50 đến 60 bệnh nhân điều trị nội trú, trong đó có 30% trường hợp mắc bệnh mạch vành.
“Về kỹ thuật can thiệp mạch vành, khi bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim nếu được can thiệp sớm sẽ cứu được tính mạng bệnh nhân và tránh cho bệnh nhân suy tim sau này. Nếu chúng ta can thiệp muộn có thể cứu được bệnh nhân nhưng quả tim đã bị suy thì sau này cuộc sống của bệnh nhân rất khó khăn”, Bác sỹ Phương cho biết.
Từ tháng 3/2013, khi Bệnh viện Bãi Cháy bắt đầu hợp tác với Bệnh viện Tim Hà Nội để được chuyển giao các kỹ thuật tim mạch, đến nay đã có hơn 5.400 lượt người được các bác sỹ Bệnh viện Tim Hà Nội khám, tư vấn, chẩn đoán bệnh ngay tại phòng khám của Bệnh viện Bãi Cháy.
Trong đợt chuyển giao các kỹ thuật can thiệp tim mạch lần này, cùng với các chuyên gia của Bệnh viện Tim Hà Nội, các y, bác sỹ của Bệnh viện Bãi Cháy đã chụp động mạch vành cho khoảng 50 bệnh nhân bằng máy chụp mạch kỹ thuật số DSA.
Đây là hệ thống kỹ thuật hiện đại nhất trong chuẩn đoán bệnh tim mạch và các bệnh liên quan đến mạch máu. Kỹ thuật này được sử dụng song hành với hệ thống chiếu chụp tăng sáng trong điện quang can thiệp sẽ quan sát được cả các mạch máu nằm trong các tổ chức xương và mô mềm, cho các kết quả chính xác về quá trình lưu thông máu khi đi qua các bộ phận của cơ thể, đặc biệt là quá trình cung cấp máu cho não và tim.
Qua đó, giúp các bác sỹ phát hiện được những bất thường của mạch máu như mạch máu bị co hẹp, tắc nghẽn, phình mạch, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não. Đến nay, đã có 11 bệnh nhân ở tỉnh Quảng Ninh được điều trị bằng kỹ thuật can thiệp động mạch vành (đặt sten) ngay tại Bệnh viện Bãi Cháy mà không phải chuyển tuyến trên.
Tiến sỹ Nguyễn Quang Tuấn Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội cho biết, ở miền Bắc, Bãi Cháy là bệnh viện đầu tiên được Bệnh viện Tim Hà Nội chuyển giao kỹ thuật can thiệp tim mạch. Bệnh viện đang tiếp tục đào tạo các kỹ thuật mới như can thiệp bệnh ngoại biên, mạch thận, mạch cảnh, mạch đùi, can thiệp các động mạch chủ…đồng thời tiếp tục đào tạo và chuyển giao những bệnh về tim như là bít thông lên nhĩ, bít thông lên nhất, nong van, động mạch phổi, nong van 2 lá, chuyển giao kỹ thuật tim hở và sắp tới chúng tôi chuyển giao cho khoảng 25 bệnh viện tuyến tỉnh dựa trên kinh phí của Ngân hàng thế giới và do địa phương hỗ trợ.
Can thiệp động mạch vành (đặt sten) là kỹ thuật dùng một loại ống thông nhỏ để đưa một bóng nhỏ vào lòng động mạch vành bị tắc rồi nong và đặt giá đỡ giúp tái lưu thông dòng máu. Người bệnh sẽ được gây tê tại vùng chọc (động mạch cổ tay hay đùi) nên nhìn chung thủ thuật này không gây đau đớn.
Quá trình can thiệp động mạch vành thường được thực hiện trong vòng 1 giờ và phần lớn bệnh nhân được xuất viện sau 1 - 2 ngày tính từ khi kết thúc việc can thiệp. Việc tiếp nhận thành công kỹ thuật can thiệp động mạch vành của Bệnh viện Bãi Cháy đánh dấu bước tiến mới trong lĩnh vực điều trị các bệnh lý tim mạch của bệnh viện tuyến tỉnh.
Trong thời gian tới, Bệnh viện Tim Hà Nội sẽ chuyển giao các kỹ thuật tiên tiến khác cho Bệnh viện Bãi Cháy và các bệnh viện tuyến tỉnh khác, trong đó có kỹ thuật khó- mổ tim hở.
Hợp tác chuyển giao kỹ thuật của Viện Tim mạch quốc gia (Bệnh viện Bạch Mai) và Bệnh viện Tim Hà Nội cho các bệnh viện tuyến tỉnh đã tạo điều kiện cho nhân dân được tiếp cận kỹ thuật y tế chất lượng cao ngay tại địa phương; đồng thời giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên và tiết kiệm chi phí, thời gian cho người bệnh./.