QĐND - Các nhà khoa học mới đây đã đưa ra cảnh báo sẽ có thêm nhiều người mang vi-rút Ê-bô-la vào châu Âu mà không biết mình đã bị lây nhiễm và việc hành khách đi máy bay mang theo loại vi-rút này vào châu Âu chỉ còn là vấn đề thời gian...
Nhằm đẩy mạnh nỗ lực toàn cầu chống lại dịch Ê-bô-la đang hoành hành ở Tây Phi và có nguy cơ lây lan rộng hơn, Ủy ban phụ trách các vấn đề hành chính và ngân sách của Liên hợp quốc (Ủy ban 5) ngày 7-10 đã thông qua nghị quyết phân bổ khoản ngân sách gần 50 triệu USD cho Phái bộ Đối phó khẩn cấp với dịch Ê-bô-la của Liên hợp quốc (UNMEER) mới được thành lập và Văn phòng Đặc phái viên về Ê-bô-la.
Việc thành lập UNMEER là bước đi đầu tiên trong nỗ lực toàn cầu nhằm kiểm soát sự bùng phát của dịch Ê-bô-la. Hiện nay, các đơn vị của UNMEER đã được triển khai tới trụ sở chính của Phái bộ tại thủ đô Ác-cra (Ga-na) và tới các văn phòng ở Ghi-nê, Li-bê-ri-a, và Xi-ê-ra Lê-ôn. Ngoài nguồn ngân sách cho UNMEER, Văn phòng Điều phối Các vấn đề Nhân đạo LHQ (UN OCHA) cho rằng, họ cần huy động 988 triệu USD để đối phó với dịch Ê-bô-la. Tới thời điểm này, số tiền huy động được là 257 triệu USD, chiếm 26%.
|
Lối vào khu căn hộ của nữ y tá người Tây Ban Nha bị nhiễm Ê-bô-la tại Ma-đrít được kiểm soát chặt chẽ. Ảnh: AP.
|
Theo số liệu của LHQ, tới thời điểm này đã có hơn 6.500 người được cho là nhiễm vi-rút Ê-bô-la và hơn 3.300 người đã thiệt mạng kể từ khi dịch bùng phát hồi tháng ba vừa qua.
Trong khi đó, ngày càng xuất hiện nhiều mối lo ngại về nguy cơ vi-rút Ê-bô-la từ Tây Phi sẽ lây lan sang các châu lục khác. Mới đây, sau khi Mỹ phát hiện bệnh nhân đầu tiên bị nhiễm Ê-bô-la - trường hợp nhiễm Ê-bô-la đầu tiên ngoài Tây Phi, Tây Ban Nha cũng phát hiện một nữ y tá ở nước này có phản ứng dương tính với vi-rút Ê-bô-la. Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại châu Âu Xu-xan-na Gia-cáp (Zsuzsanna Jakab) nhận định, sự lây lan này là điều khó tránh khỏi trong bối cảnh lưu lượng lớn người di chuyển từ châu Âu tới các nước đang có dịch và ngược lại.
Trong ngày 7-10, tại Tây Ban Nha lại có thêm 4 người được đưa vào bệnh viện vì nghi nhiễm vi-rút Ê-bô-la. Các chuyên gia y tế tại đây cũng tiến hành giám sát 52 người khác, phần lớn là các nhân viên y tế, từng tiếp xúc với nữ y tá nói trên.
Trước đó, ông Đê-rếch Gia-thơ-rơ (Derek Gatherer), chuyên gia về vi-rút thuộc Trường Đại học Lan-cát-xtơ (Anh) đang theo dõi sát diễn biến dịch Ê-bô-la, đã cảnh báo về nguy cơ Ê-bô-la lây lan sang Anh và Pháp. Cảnh báo này được đưa ra sau khi ông cùng các đồng nghiệp nghiên cứu thực trạng lây lan vi-rút Ê-bô-la và các dữ liệu vận chuyển hàng không. Theo chuyên gia này, nếu các hãng hàng không hoạt động hết công suất thì nguy cơ vi-rút Ê-bô-la lan sang Pháp vào cuối tháng 10 này có thể lên đến 75% và ở Anh là 50%. Tuy nhiên, nếu các hãng hàng không này giảm 80% số chuyến bay đến các vùng có dịch bệnh thì nguy cơ chỉ là 25% đối với Pháp và 15% đối với Anh.
Còn tại Mỹ, trước mối lo ngại của người dân về nguy cơ bùng phát dịch bệnh Ê-bô-la, giới chức y tế nước này ngày 7-10 cho biết, sẽ sớm công bố các thủ tục giám sát kiểm dịch mới tại các sân bay của Mỹ. Thượng nghị sĩ Mỹ Sác-li Xchu-mơ (Charles Schumer) cho biết, các biện pháp mới sẽ bao gồm các hoạt động giám sát kỹ lưỡng hơn và đặt ra nhiều câu hỏi chi tiết hơn đối với những hành khách tới từ các vùng dịch Ê-bô-la đang hoành hành như: Xi-ê-ra Lê-ôn, Ghi-nê và Li-bê-ri-a. Nghị sĩ S.Xchu-mơ kêu gọi Bộ An ninh nội địa Mỹ thiết lập một cơ sở dữ liệu hành khách đến và đi từ Tây Phi và cơ sở dữ liệu này sẽ được chia sẻ với các bệnh viện ở Mỹ và các khu vực lân cận. Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ cũng tuyên bố sẽ kiểm tra những đối tượng vào Mỹ bằng đường thủy từ các vùng có dịch.
MAI NGUYÊN
Nguồn QDND.VN
|