QĐND - Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam (WHO) vừa khuyến cáo, mỗi năm Việt Nam có hơn 350.000 ca tử vong do các bệnh không lây nhiễm (BKLN), trong đó tử vong do bệnh tim mạch chiếm 70.000 ca, ung thư 66.000 ca, đái tháo đường 13.000 ca...
Theo xếp loại của WHO thì các bệnh tim mạch, tai biến mạch máu não, ung thư, phổi tắc nghẽn mạn tính và đái tháo đường... đứng vị trí đầu về thứ hạng có tỷ lệ tử vong. Riêng bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính từ vị trí thứ tư với tỷ lệ tử vong là 5,1% năm 2004 sẽ lên vị trí thứ ba vào năm 2030, với tỷ lệ tử vong là 3,8%; Đái tháo đường từ vị trí thứ 12, sẽ tiến đến vị trí thứ bảy.... 80% các ca tử vong ở những người có thu nhập vừa và thấp do điều kiện sống chưa tốt, thuốc men khi mắc bệnh và tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe còn hạn chế, kiến thức tự chăm sóc bản thân thiếu... Vì đây là một loại bệnh dịch vô hình, không có tác nhân gây bệnh rõ rệt, thường xuất hiện do các yếu tố nguy cơ khác các bệnh dịch thông thường... nên nhiều người dân, kể cả nhân viên y tế không biết hoặc không quan tâm. Do phải sống chung lâu dài với BKLN, nhiều người lâm vào tình trạng khi bệnh bột phát thì đã vào giai đoạn nghiêm trọng, điều trị khó, tốn kém mà vẫn không thoát khỏi tử vong.
|
Người cao tuổi rất hay bị mắc những bệnh về tim mạch.
|
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), các BKLN đang gây gánh nặng ngày càng gia tăng trên thế giới. Nhận thức được tầm quan trọng của phòng, chống BKLN, các quốc gia đã có những chính sách nhằm bảo vệ người dân trước nguy cơ này. Những ví dụ thành công trên thế giới có thể cung cấp những ý tưởng cũng như bài học kinh nghiệm quý báu đối với Việt Nam.
Cũng tương tự như Việt Nam, Nhật Bản đang phải đối mặt với gánh nặng rất lớn của các BKLN, đặc biệt khi tốc độ già hóa dân số tăng nhanh (tuổi thọ trung bình ở nam giới và nữ giới tương ứng là 80 và 87). Trong năm 2012, tử vong do BKLN chiếm tới 79% tổng số tử vong, chủ yếu là các bệnh ung thư, tim mạch, bệnh phổi mạn tính và đái tháo đường. Chính vì thế, Chính phủ Nhật Bản luôn coi việc nâng cao sức khỏe, dự phòng và kiểm soát BKLN là nội dung quan trọng trong mọi kế hoạch chăm sóc sức khỏe của quốc gia. Việc lập kế hoạch triển khai được thực hiện từ chính quyền trung ương đến các địa phương. Trên cơ sở kế hoạch của chính quyền trung ương, chính quyền các cấp xây dựng và triển khai kế hoạch phù hợp với đặc điểm của địa phương. Cách tiếp cận tập trung vào 4 nhóm giải pháp: Vận động tăng nhận thức và sự ủng hộ; thiết lập mạng lưới triển khai và hỗ trợ kế hoạch các cấp; tăng cường phối hợp, điều phối các hoạt động nâng cao sức khỏe để bảo đảm tính hiệu quả; thúc đẩy nghiên cứu, giám sát, xây dựng chính sách dựa vào bằng chứng. Sự vào cuộc của chính quyền các cấp, từ trung ương tới các địa phương chính là điểm nhấn cơ bản và là mấu chốt cho sự bền vững cũng như những thành công của các kế hoạch nâng cao sức khỏe của Nhật Bản.
Từ bài học kinh nghiệm này cho thấy, để triển khai các hoạt động phòng, chống BKLN thì vai trò của một mình Bộ Y tế là không đủ, mà cần có sự cam kết mạnh mẽ từ Chính phủ cũng như sự tham gia phối hợp của các bộ, ban, ngành, đoàn thể để xây dựng một xã hội Việt Nam khỏe mạnh.
Để thực hiện việc phòng, chống BKLN, Bộ Y tế đã xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống từng nhóm BKLN từ nay đến năm 2015. Tổng kinh phí khoảng 700 tỷ đồng. Chương trình được thực hiện dựa trên nguyên tắc lồng ghép, dựa vào cộng đồng. Hệ thống giám sát và điều trị được nâng cấp tại các bệnh viện chuyên ngành ở cả tuyến trung ương, tuyến tỉnh. Đặc biệt kiện toàn hoạt động y tế dự phòng tuyến huyện, xã. Bộ đặt ra mục tiêu đến năm 2015, sẽ có 50% người bệnh tăng huyết áp được điều trị đúng, giảm 15% - 20% số người bị tai biến mạch máu não, giảm 5-10% trường hợp bị bệnh van tim do thấp khớp, tăng số người bệnh đái tháo đường được phát hiện từ 36% - 50%, giảm tỷ lệ người bị ung thư ở giai đoạn muộn đến cơ sở chuyên khoa từ 80% xuống 40%, giảm tỷ lệ người bệnh trầm cảm tự sát xuống còn 15%, tiêm phòng viêm gan B cho 100% trẻ sơ sinh.
Bài, ảnh: HÀ VŨ
Nguồn QDND.VN
|