Các nhà nghiên cứu mới đây cho biết, sự bùng phát của dịch bệnh Ebola được nghi ngờ là bắt nguồn từ một cậu bé 2 tuổi, người đã tử vong vào ngày 6/12 năm ngoái, sau vài ngày bị ốm tại một ngôi làng ở Guéckédou, phía đông nam Guinea.
Một tuần sau đó, mẹ của bé trai này và người chị 3 tuổi cùng bà ngoại cũng tử vong. Tất cả những người này đều bị sốt, nôn mửa và đi ngoài, tuy nhiên không ai biết nguyên nhân gì khiến họ đổ bệnh.
Trong khi đó, 2 người tham dự lễ tang của bà ngoại cậu bé đã mang loại virus này về ngôi làng của mình và lây nhiễm cho những người họ hàng tại những thị trấn khác. Vào thời điểm dịch Ebola được phát hiện vào tháng 3, hàng chục người đã chết trong 8 ngôi làng ở Guinea, và các trường hợp nghi nhiễm Ebola đã bất ngờ xuất hiện ở Liberia và Sierra Leone, 3 trong số các nước nghèo nhất trên thế giới, đang trong giai đoạn phục hồi từ những năm chìm trong nội chiến và bất ổn chính trị.
Tại Guéckédou, nơi dịch bệnh bắt đầu, Tiến sĩ Kalissa N’fansoumane, giám đốc bệnh viện tại đây cho biết: “Cảm giác thật đáng sợ”. Ông đã phải thuyết phục nhân viên của mình để họ đi làm.
Các nhân viên của Tổ chức Bác sĩ Không biên giới tại một trung tâm điều trị Ebola tại Guinea
Vào ngày 31/3, các bác sĩ của Tổ chức Bác sĩ Không biên giới đã tới Guinea. Ban đầu, các chuyên gia nghi ngờ bệnh nhân bị sốt do virus Lassa, một loại virus đặc trưng tại Tây Phi. Tuy nhiên diễn biến của căn bệnh trở nên tồi tệ hơn, và các kết quả xét nghiệm cho thấy đây là virus Ebola. Những chuyên gia của Tổ chức Bác sĩ Không biên giới đã gọi đây là điều “chưa từng có tiền lệ”, đồng thời cảnh báo dịch bệnh đã bùng phát tại nhiều khu vực vì vậy việc đối phó với nó là vô cùng khó khăn.
Tính tới thời điểm hiện tại đã có 1.779 trường hợp nhiễm bệnh, 961 người tử vong, trong đó có một nhóm nhỏ tại Nigeria, nơi dịch bệnh đã ngoài tầm kiểm soát và đang tiếp tục diễn biến xấu hơn. Các nhà dịch tễ học dự đoán sẽ phải mất vài tháng để có thể kiểm soát dịch bệnh nguy hiểm này, trong khi đó người phát ngôn của Tổ chức Y tế Thế giới cho biết phải cần tới hàng ngàn nhân viên y tế trong nỗ lực chống lại Ebola.
Một số chuyên gia cảnh báo, sự bùng nổ virus Ebola có thể gây bất ổn cho các chính phủ trong khu vực. Vào ngày 9/8, Guinea đã tuyên bố đóng cửa đường biên giới với Sierra Leone và Liberia trong nỗ lực nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus.
Ngoài châu Phi, dịch bệnh Ebola chưa từng được phát hiện ở khu vực nào khác trước đây. Các nhân viên y tế tại đây cũng không hề nhận biết ra nó, họ thậm chí còn không được đào tạo để tránh sự lây nhiễm cho bản thân và người bệnh. Các bệnh viện trong khu vực thì thường xuyên thiếu nước sạch và găng tay, điều này khiến đây là mảnh đất màu mỡ cho virus Ebola.
Tại một số khu vực, mọi người bắt đầu cảm thấy sợ hãi và tức giận, họ đã tấn công các nhân viên y tế, thậm chí cáo buộc họ mang bệnh tật đến.
Ông Gregory Hartl, Phát ngôn viên Tổ chức Y tế Thế giới cho biết: “Trong những ngày đầu dịch bệnh bùng phát, có khoảng 26 ngôi làng và một vài thị trấn nhỏ không chịu hợp tác, thậm chí là không để nhân viên y tế vào trong làng.”
Trong khi đó, Tổ chức Bác sĩ Không biên giới cho biết hiện công việc của họ tại đây là quá tải khi họ phải đảm nhiệm quá nhiều công việc.
Một y tá đang quét dọn bên ngoài Bệnh viện St. Joseph’s Catholic. Hiện bệnh viện này đã phải đóng cửa do dịch bệnh Ebola bùng phát tại Monrovia, Liberia.
Truy tìm nguồn gốc dịch bệnh
Sẽ không ai biết người phát bệnh đầu tiên là ai cho tới khi một nhóm nghiên cứu lần ra dấu vết liên quan tới cái chết của em bé 2 tuổi tại Guéckédou, ở Guinea. Em và những người thân của mình không bao giờ được xét nghiệm để xác nhận là nhiễm virus Ebola hay không, nhưng các triệu chứng của họ cho thấy phù hợp với dịch bệnh.
Tuy nhiên không ai có thể giải thích làm thế nào để một đứa trẻ nhỏ như vậy có thể trở thành người đầu tiên bị nhiễm bệnh. Giả thuyết có thể em đã ăn trái cây ô nhiễm, có chứa phân dơi bị nhiễm virus Ebola, hoặc được tiêm bởi một kim tiêm đã nhiễm bệnh. Bác sĩ Sylvain Baize, từ viện Pasteur tại Lyon, Pháp cho biết có thể đã có trường hợp nhiễm bệnh trước em bé này nhưng không được phát hiện. Cô cho biết: “Chúng tôi cho rằng trường hợp đầu tiên bị nhiễm là do tiếp xúc với dơi. Tuy nhiên, chúng tôi cũng không chắc lắm.”
Sự kêu cứu tuyệt vọng
Sierra Leone đã trở thành trung tâm của dịch bệnh vào tháng 6 và tháng 7 vừa qua. Tại bệnh viện của chính phủ ở Kenema, Tiến sĩ Sheik Umar Khan, người đi đầu trong nỗ lực hết mình để chữa trị cho bệnh nhân và kiểm soát dịch bệnh, đã rơi vào tuyệt vọng khi tìm nguồn cung cấp những thứ như: khăn tay khử trùng, găng tay, kính và quần áo bảo hộ, đường thô và dung dịch muối để chống mất nước trong nỗ lực mang lại sự sống cho bệnh nhân. Vào đầu tháng 7, ông đã gửi thư cho những người bạn cùng ngành y của mình tại Mỹ để yêu cầu được giúp đỡ bằng việc gửi một danh sách gồm những thứ mình đã có và đang thiếu, trong đó những thứ đang thiếu dường như rất nhiều.
Tuy nhiên, trước khi bạn bè của Tiến sĩ Khan có thể trợ giúp được ông, thì vị bác sĩ này đã vĩnh viễn ra đi vào ngày 29/7 vừa qua vì nhiễm virus Ebola.
Theo Khám phá
|