› Lạ kỳ bài thuốc nối gân, xương hiệu nghiệm của lương y ẩn mình chốn thâm sơn›› Bài thuốc chữa dạ dày đặc biệt từ cây Dạ cẩm của lương y suốt 50 năm dày công nghiên cứu các vị thuốc Nam
GiadinhNet - Đã từ lâu, ở vùng núi cao thuộc thôn Cao Đường, xã Cao Dương, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, người dân đã quen thuộc với hình ảnh người phụ nữ tuổi ngoại tứ tuần sáng đi dạy học, chiều ở nhà bốc thuốc chữa bệnh.
Cô tên Dương Thị Hải Yến, 42 tuổi, dù chỉ là con dâu nhưng cô Yến lại trở thành truyền nhân duy nhất được bố mẹ chồng truyền lại bài thuốc Nam có lịch sử 4 đời của gia đình. Mang thiện tâm giúp đời làm phúc, ngoài giờ giảng dạy, cô miệt mài tìm các vị thuốc Nam phối hợp thành những bài thuốc điều trị. Trong đó, nổi tiếng nhất chính là bài thuốc hỗ trợ điều trị bệnh Gút hiệu quả.
|
Bài thuốc chữa bệnh gut của gia đình cô bao gồm rất nhiều loại cây thảo dược quý kết hợp lại với nhau.
|
Truyền nghề cho con dâu
Dọc theo quốc lộ 6, chúng tôi tìm về nhà cô Yến tại thôn tại thôn Cao Đường trong một chiều xuân mưa phùn, gió rét. Ngôi nhà của cô Yến nằm ngay gần đường mòn Hồ Chí Minh, xung quanh vườn toàn những cây thuốc Nam xanh tốt, trong đó có nhiều cây thuốc quý cực kỳ quý hiếm. Khi phóng viên gõ cửa, cô Yến đang soạn giáo án, chuẩn bị bài vở cho buổi dạy học hôm sau. Nghĩ chúng tôi đến nhờ lấy thuốc chữa bệnh, cô tận tình hỏi thăm. Khi được biết chúng tôi không phải là bệnh nhân mà là phóng viên biết thông tin đến tìm hiểu về những bài thuốc quý, cô từ tốn mời trà nước và kể về cơ duyên được cha chồng truyền lại bài thuốc gia truyền.
“Từ đời cụ, đời ông nội, đời bố mẹ chồng rồi bây giờ tới lượt tôi, đã trải qua 4 đời làm nghề thuốc Nam. Tôi luôn tâm niệm một điều là chữa bệnh, cứu người để tu nhân, tích đức cho con, cho cháu chứ không phải vì mục đích kinh doanh lợi nhuận”, cô Yến cho biết. 20 năm lăn lộn với nghề bốc thuốc, cô Yến vẫn luôn cảm thấy mình là một nguời may mắn: “Tôi lấy chồng về một gia đình đã 3 đời làm nghề bốc thuốc Nam cứu người. Mặc dù, gia đình chồng tôi có tất cả 8 anh chị em, bản thân tôi, dù là con dâu, lại được bố mẹ chồng truyền lại cho bài thuốc Nam chữa bệnh gút”.
Kể về duyên đến với nghề bốc thuốc của mình cô Yến vui vẻ cho biết: “Khi về nhà chồng, tôi đang là giáo viên dạy học, những lúc rảnh rỗi tôi thường phụ giúp mọi người trong gia đình bào chế cây dược liệu. Lúc đó, bố chồng tôi làm “thầy cãi” trong tỉnh, lại hay chữ Nho nên bận rất nhiều việc nên đã truyền lại nghề cho mẹ chồng tôi. Tôi lại hay theo mẹ chồng lên núi hái thuốc. Làm nhiều thành quen, chẳng bao lâu sau, tôi đã nhớ được hết tên các cây thuốc và công dụng của nó. Không dừng lại, tôi còn tìm hiểu nhiều tài liệu, sách vở để trau dồi thêm kiến thức về cây dược liệu, kịp thời bổ sung những khiếm khuyết trong bài thuốc gia truyền của gia đình. Chính đó là cơ duyên khiến cho bố mẹ chồng tôi tin tưởng truyền nghề lại cho con dâu”.
Từ bài thuốc ông bà truyền lại - chủ yếu vẫn dùng phương pháp truyền thống sắc uống nước, cô đã cùng các anh em trong gia đình chồng nghiên cứu và bào chế thành công nhiều bài thuốc bằng cách chiết xuất rồi nén thành dạng viên, vừa dễ sử dụng cho người bệnh, vừa tiết kiệm thời gian, đặc biệt hiệu quả mang lại cũng hơn hẳn. Dù có nhiều đổi mới trong cách chữa trị, nhưng trước sau, cô Yến và gia đình vẫn tâm niệm một điều: Làm thuốc Nam chính là cứu người làm phúc và theo lời dặn của cha ông là không được đặt nặng vấn đề tiền bạc.
Theo lời cô Yến: “Những cây thuốc Nam trước kia mọc tự nhiên trong rừng rất nhiều, nhưng thời gian gần đây càng ngày càng trở lên khan hiếm. Để thu gom cây thuốc, mọi người trong gia đình cô phải vào sâu trong rừng, đồng thời thuê người dân trên bản đi lùng tìm bán lại. Đặc biệt, gia đình cô còn tiến hành đầu tư vườn chuyên trồng những cây thuốc quý này. Tuy nhiên, đa phần những cây thuốc Nam trồng khó sống và chi phí đầu tư khá tốn kém”.
Phương thuốc đặc trị chữa bệnh gút
Bài thuốc gia truyền của gia đình cô Yến mang lại hiệu quả đặc biệt trong việc hỗ trợ điều trị bệnh Gút. “Không phải ai uống cũng khỏi hoàn toàn, các cụ vẫn hay bảo “phúc chủ lộc thầy”, bởi thuốc còn tùy thuộc vào cơ địa của từng người có hợp hay không. Nhưng gia đình tôi có thể chữa được từ 60-70%, giúp người bệnh gút thuyên giảm. Người mới chớm bị gút kiên trì sử dụng thuốc có hy vọng khỏi hẳn”, cô Yến cho hay.
Cô Yến lý giải: “Bệnh gút là bệnh lý rối loạn chuyển hoá chất purin làm tăng lượng acid uric trong máu, dẫn đến ứ đọng tinh thể muối urát tại khớp gây viêm khớp. Biểu hiện lâm sàng đặc trưng của người bị mắc gút là sưng tấy, nóng, đỏ, đau dữ dội tại một hay nhiều khớp”. Cô cùng gia đình nghiên cứu nhiều loại thảo dược, rồi kết hợp chúng lại với nhau. Thành phần chính của bài thuốc là cây đơm mít, củ bối hạt, cùn ní, vỏ bưởi, hạt chuối sứ, củ ráy tía, củ sơn thục, củ khúc khắc, lá lốt, dây tơ hồng, cà gai leo, củ tỏi đỏ và cây bồ công anh. Tác dụng chung của những vị thuốc này là chống viêm và bài trừ thấp khớp. Ngoài ra, thuốc còn có chức năng bồi bổ khí huyết, từ đó sản sinh ra hoạt chất bôi trơn các khớp xương, giúp cơ thể vận động thoải mái, dễ dàng. Người bị gút biểu hiện rõ nhất ở việc đau các khớp chân, tay. Chính vì vậy, công dụng cơ bản của bài thuốc chính là kháng viêm khớp, giúp lợi gân cốt.
Thuốc của gia đình cô Yến được chia làm hai loại, đó là thuốc sắc uống và thuốc viên. Cách thức sử dụng bài thuốc rất đơn giản: “Cây thuốc đã được rửa sạch, phơi khô, chế biến sau đó đóng gói cẩn thận. Người bệnh chỉ việc mang thuốc về sao vàng và sắc uống thay nước. Mỗi ấm thuốc thuốc có giá 50 nghìn đồng. Thông thường mỗi người bệnh nhẹ chỉ cần dùng chỉ cần dùng tới 3 tháng thuốc, người bị bệnh nặng thì thì phải kiên trì hơn dùng thuốc từ 3 đến 6 tháng là bệnh tình đã thuyên giảm và có chuyển biến rõ rệt. Bệnh có thể khỏi hoàn toàn nếu phát hiện sớm”, cô Yến chia sẻ.
Mong sớm có công trình nghiên cứu
Bà Vũ Mai Hương, 46 tuổi - Trạm trưởng Trạm y tế xã Cao Dương - cho biết: “Ở vùng cao của huyện Lương Sơn, trong dân gian vẫn còn lưu giữ những bài thuốc quý, nhất là việc dùng các loại cây dược liệu trên rừng để điều trị những bệnh thông thường. Trường hợp cô Dương Thị Hải Yến với bài thuốc của mình đã chữa được nhiều người khỏi bệnh mà hiệu quả nhất là bệnh gút. Rất mong có những công trình nghiên cứu về các bài thuốc quý dân gian ở xứ Mường nói chung và bài thuốc gia truyền của cô Yến nói riêng, để giúp nhiều người có cơ hội được chữa khỏi bệnh mà ít tốn kém về kinh tế”
|
Minh Khuê - Giadinh.net.vn
|