›› Trứng có phải nguyên nhân gây bệnh tiểu đường và ung thư?›› Thu nhỏ dạ dày ngừa ung thư tử cung›› Đau vú có phải dấu hiệu ung thư?›› Ung thư cổ tử cung: Khỏi bệnh nếu điều trị sớm›› Những dấu hiệu cảnh báo ung thư
GiadinhNet - Xã Thành Vinh (huyện Thạch Thành) vốn dĩ đất rộng, người thưa. Khoảng vài chục năm trở lại đây, cư dân càng thưa thớt hơn bởi mỗi năm có gần chục người chết do ung thư.
|
Ám ảnh bởi ung thư vì nguồn nước có độc, nhiều hộ dân thôn Mỹ Lợi đã tự xây bể chứa nước dẫn nguồn từ đỉnh núi. Ảnh: Thiên Ân
|
Ám ảnh những cái chết trẻ
Ông Nguyễn Xuân Trường, Trưởng thôn Mỹ Lợi (xã Thành Vinh) cho biết, số người chết vì ung thư tại địa phương tăng dần theo từng năm, từ 1 người chết năm 1972 lên 2- 3 trường hợp (năm 1985 – 1986) và đỉnh điểm năm 2005 có 10 trường hợp tử vong. Hiện nay, mỗi năm thôn Mỹ Lợi có khoảng 4 trường hợp chết vì ung thư.
Ông Bùi Văn Minh, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Thành Vinh trong văn bản báo cáo lên Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa tháng 12/2013 thống kê: Trong giai đoạn 2008 - 2014, toàn xã Thành Vinh có 188 người chết, trong đó có 46 trường hợp chết vì ung thư, chủ yếu là ung thư vú, gan, phổi và vòm họng. Phần lớn bệnh nhân bị ung thư là lao động chính, tuổi từ 30 – 45. Bình quân mỗi năm số người chết vì ung thư trong toàn xã là 7 người, riêng thôn Mỹ Lợi những năm trở lại đây có gần 10 người tử vong vì ung thư.
Người dân trong thôn cho rằng, nguyên nhân chính gây bệnh là do nguồn nước bị nhiễm độc. Ông Bùi Đăng Kỳ - Bí thư Chi bộ thôn Mỹ Lợi kể lại: Toàn bộ khu vực của thôn nằm trong địa phận của Lâm trường Thạch Thành cũ (hay còn gọi là Nông trường Vườn ươm). Cách đây 40 năm, Lâm trường đã sử dụng một loại thuốc diệt trừ châu chấu dạng bột (có tên là DT66) để phun cho luồng trên diện tích 4 cây số vuông. Số lượng hóa chất dùng để xử lý giống ươm và loại thuốc DT66 còn lại được chôn xuống lòng đất, rất có thể nó đã ngấm vào nước sinh hoạt của người dân.
Theo tìm hiểu của phóng viên, đa số những người đã chết vì mắc bệnh ung thư thường sống ở khu vực gần chân đồi mà trước đây nông trường đã chôn cất thuốc. Số gia đình sinh sống ở đó chiếm khoảng một nửa tổng số hộ của thôn Mỹ Lợi.
Chờ nguồn nước sạch
Những gia đình có người mắc bệnh ung thư phần lớn thuộc diện đặc biệt khó khăn của xã. Theo chân ông Nguyễn Xuân Trường, chúng tôi tới thăm ông Bùi Đức Toàn, 52 tuổi, là hộ gia đình đầu tiên có người mất vì ung thư. Người cha của ông Toàn là ông Bùi Đức Nhuận, mất ở tuổi 53 do bị ung thư gan năm 1972. Ông Toàn kể lại: Ngày đó, ông Nhuận sức khỏe được ví như con trâu rừng, mình ông kéo được cả một cây gỗ to từ trong núi về. Nhưng chỉ sau một trận ốm, đột nhiên ông Nhuận kêu than trong người mệt mỏi triền miên, nước da xanh nhợt, khắp người co quắp. Gia đình đưa ông Nhuận xuống bệnh viện tỉnh thì được kết luận bị ung thư gan. Thời gian kết luận bệnh cho tới lúc qua đời chỉ vỏn vẹn 3 tuần.
Tại thôn Mỹ Lợi còn có gia đình tới 2 - 3 người chết vì ung thư. Đó là hoàn cảnh của gia đình chị Trương Thị Huấn, 30 tuổi. Bố - mẹ chồng và người chồng đã chết vì căn bệnh ung thư. Theo lời chị Huấn, anh Nguyễn Văn Hùng (chồng chị) trước đây rất khỏe mạnh, nhưng chỉ sau 20 ngày phát hiện bệnh, anh Hùng đã mất vì ung thư gan. Những người trụ cột trong gia đình đã mất, nhà cửa, con cái và gánh nợ hành trăm triệu giao phó lại cho 3 mẹ con chị Huấn. Hiện chị Huấn nuôi hai con trai, đứa lớn 11 tuổi, đứa nhỏ 9 tuổi. Do hoàn cảnh gia đình túng thiếu nên cả hai cháu đã nghỉ học, hàng ngày lên nương giúp mẹ làm việc kiếm tiền trả nợ.
Kể về gia đình, chị Huấn nói trong nước mắt: "Chẳng biết kiếp này rồi đến kiếp sau có trả được hết nợ không nữa. Gia đình đã bán 2 con trâu rồi, giờ chẳng còn gì để bán được nữa ngoài mấy sào mía. Điều mà 3 mẹ con tôi sợ nhất là đến một ngày nào đó căn bệnh ung thư lại kéo đến thì chúng tôi chẳng thiết sống nữa. Mấy năm trước nhà tôi toàn sử dụng nước giếng khơi, giờ sợ nguồn nước nhiễm độc nên phải vào tận trong núi chở nước về dùng".
Được biết, những người dân trực tiếp sống trên đất Lâm trường cũ do sợ nguồn nước nhiễm độc nên hiện nay họ chủ yếu dẫn nước từ đỉnh núi về dùng. Bà con còn chủ động xây bể để dự trữ nước mưa cho những mùa hạn hán.
Ông Nguyễn Hữu Thọ, Phó Chủ tịch UBND xã Thành Vinh cho biết: "Thôn Mỹ Lợi đã có văn bản báo cáo lên xã về việc rất nhiều trường hợp trong làng tử vong vì mắc ung thư. Cách đây không lâu, xã đã hỗ trợ 300 triệu đồng cho dự án nước sạch ở thôn Mỹ Lợi, cụ thể đã đầu tư đường ống dẫn nước từ hồ Vĩnh Sú (Thành Minh) về thôn. Tuy nhiên, mật độ dân cư trong thôn Mỹ Lợi thưa thớt nên rất khó phủ ống dẫn. Công trình xây dựng đã lâu nên hệ thống đường ống liên tục bị rò rỉ, nhiều hộ dân vẫn bị thiếu nước. Trong thời gian tới, chính quyền xã sẽ kết hợp với thôn sửa chữa đường ống dẫn nước, cải thiện vấn đề nước sạch cho bà con.
Tháng 12/2013, đoàn cán bộ của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa đã về lấy 4 mẫu đất, 2 mẫu nước trong thôn Mỹ Lợi để xét nghiệm độc tố. Hiện chính quyền xã và người dân thôn Mỹ Lợi đang mong ngóng từng ngày về bản kết luận này để xua đi nỗi ám ảnh vì ung thư.
|
Thiên Ân - Giadinh.net.vn
|