GiadinhNet – Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) khu vực Cam Ranh cùng BVĐK tỉnh Khánh Hòa sẽ tổ chức hội chẩn cho bà cụ mang thai đá vào chiều thứ Hai (31/3) để quyết định hướng điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.
Không biết mình mang thai đá
Cụ bà Nguyễn Thị S. (76 tuổi) được các con đưa vào BVĐK khu vực Cam Ranh do đau dữ dội vùng bụng gần cột sống thắt lưng và vùng hạ vị. Qua thăm khám và chụp X quang, các bác sĩ phát hiện vùng tiểu khung có khung xương thai nhi (gồm hộp sọ, cột sống, các xương sườn và xương đùi) và chẩn đoán: có thai hết lưu trong ổ bụng.
Ngày 26/3, trao đổi với phóng viên báo Gia đình và Xã hội, BS Nguyễn Hồng Quang – Giám đốc Bệnh viện ĐKKV Cam Ranh cho hay: "Qua khám lâm sàng, dùng tay sờ nắn ở ngoài có thể thấy rõ khối u này, nhưng bà S. và các con cháu không hề hay biết ".
Hình ảnh khối thai đá trong cơ thể bà Sáu
Qua chụp chiếu, các BS xác định khối u có chiều dài khoảng 15-20cm, chưa rõ cân nặng là bao nhiêu. “Khi sờ nắn, thăm khám thì bà thấy đau tại khu vực có khối u này, còn để bình thường thì không” – BS Quang cho biết thêm.
Bà S. 4 người con, đang sinh sống với người con út khoảng gần 50 tuổi. Bà đã có một lần mổ lấy thai. Hiện bà đang điều trị tại Khoa Sản của BVĐK khu vực Cam Ranh, tiếp tục điều trị bệnh đau lưng.
Khối u cũng chưa xác định được nằm trong hay ngoài tử cung hay tuổi thai là bao nhiêu.
|
Bà Nguyễn Thị S. đang được điều trị tại BVĐK khu vực Cam Ranh (Khánh Hòa)
|
Cần chẩn đoán hết sức cẩn thận
“Theo kế hoạch, chiều thứ 2 tuần tới (31/3), chúng tôi sẽ cùng đoàn bác sĩ từ Sở Y tế, BVĐK tỉnh Khánh Hòa hội chẩn để tìm ra hướng điều trị tốt nhất cho bà cụ. Đồng thời, phải tham khảo và tôn trọng ý kiến của bà cụ và con cháu, để xem có nên mổ hay không mổ lấy khối u này” – BS Nguyễn Hồng Quang nói.
BS Nguyễn Văn Xáng – Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Khánh Hòa cho hay: Đoàn công tác xuống làm việc với BVĐK khu vực Cam Ranh sẽ gồm lãnh đạo và cán bộ Phòng Nghiệp vụ Y (Sở Y tế tỉnh), các bác sĩ sản khoa, ngoại khoa, gây mê hồi sức, lão khoa, tim mạch, huyết học, chẩn đoán hình ảnh…
“Nếu ở địa phương có điều kiện để có thể thực hiện điều trị theo hướng tốt nhất, chúng tôi sẽ để bệnh nhân ở đó, đồng thời, chuyển giao một số kỹ thuật. Còn nếu không, chúng tôi sẽ chuyển bà cụ lên BVĐK tỉnh” – BS Xáng nói.
BS Quang cũng cho biết, trong tuần, các bác sĩ sẽ tiến hành một số xét nghiệm cần thiết để phục vụ cho cuộc hội chẩn này.
“Việc mổ hay không mổ còn phụ thuộc vào ý kiến của người nhà và bệnh nhân. Bởi bấy lâu nay, bà cụ vẫn cho rằng khối u ở trong người không sao. Còn nếu khối u thực sự không gây đau đớn nhiều cho bà cụ thì cũng không ảnh hưởng gì nhiều tới sức khỏe” – BS Quang cho hay.
Giám đốc BVĐK khu vực Cam Ranh cũng thông tin thêm, qua một số phương pháp cận lâm sàng cho thấy: Cụ bà đã già, đã qua tuổi sinh sản từ rất lâu, nên khối u có khả năng dính bàng quang, trực tràng, một số cơ quan vùng hạ vị, mạch máu sau phúc mạch, niệu quản… Việc mổ sẽ có thể tốn nhiều thời gian và khó khăn. Do đó, cần tổ chức hội chẩn rất cẩn thận.
“Tôi đã tham khảo ý kiến các chuyên gia sản khoa hàng đầu Việt Nam từ BV Phụ sản Trung ương, BV Từ Dũ (TP HCM) thì được biết, đây gần như là lần đầu tiên tại Việt Nam xảy ra trường hợp mang thai đá. Bởi thông thường, thai chết lưu là một vật lạ trong cơ thể, sẽ phải tìm cách để tống ra ngoài” – BS Quang chia sẻ.
Thai đá là hiện tượng canxi hóa
Trao đổi với phóng viên báo Gia đình và Xã hội sáng 26/3, BS Vũ Bá Quyết – Giám đốc BV Phụ sản Trung ương khẳng định: "Trường hợp mang thai đá trong Khánh Hòa thực chất là hiện tượng canxi hóa".
Khi thai chết lưu, xương bị canxi hóa. Thông thường, sau khi thai chết, 99% thai sẽ phải tống ra khỏi cơ thể nhưng nếu không được tống ra thì nó cộng sinh rồi thành thai đá.
Thai lưu thường gây rối loạn đông máu, bệnh nhân sẽ thấy chảy máu, có thể gây nhiễm khuẩn. Nhưng cũng có thể một phần rất rất nhỏ bệnh nhân không thấy chảy máu, cũng có thể họ không đi khám bệnh nên không biết.
Một bác sĩ sản khoa (xin được giấu tên) cho biết: Về trường hợp thai đá tại Khánh Hòa, phải qua thăm khám, xét nghiệm, hội chẩn thì mới tìm ra nguyên nhân. Nhưng có thể dự trù rất nhiều tình huống xảy ra: Khi thai không còn phát triển, chết lưu trong tử cung, trong ổ bụng bệnh nhân, vì lý do gì đó không đi khám nên không phát hiện ra.
Nguyên nhân nào gây ra thai lưu?
Có rất nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng này, có thể do di truyền, do nhiễm trùng, nhiễm độc thai nghén, bất đồng nhiễm sắc thể, gene giữa cha – mẹ…
“Thường trong 100 người có thai, chỉ có khoảng 35-40% người sinh được em bé khỏe mạnh, bình thường, đủ tháng; số còn lại chiếm tỷ lệ lớn có thể là thai bất thường, thai ngoài tử cung, thai tự tiêu (có thai nhưng lại được khoảng mấy tuần đầu lại không phát triển, tự chết, thậm chí có người còn không biết là có thai, coi như là chậm kinh mấy tuần đơn thuần do không đi khám), thai lưu” – vị bác sĩ sản khoa này cho biết.
Theo các chuyên gia sản khoa, ở Việt Nam rất hiếm có trường hợp như thế này, dù y văn có đề cập đến vấn đề này. Có chăng thì có trường hợp thai trong thai (trong những trường hợp song sinh, có một thai nằm trong thai còn lại).
Các trường hợp thai phụ chửa trong ổ bụng, chửa trong tử cung ngừng phát triển mà không phát hiện được là hiếm vì hiện nay, thai phụ rất chăm chỉ đi khám thai; có những phương pháp thăm dò sản phụ khoa cũng có thể phát hiện ra bất thường.
Những trường hợp mang thai đá nổi tiếng thế giới
Cuối năm 2013, một cụ bà với cơn đau ở dạ dày được phát hiện là mang trong mình một bào thai 40 năm tuổi, phát triển bên ngoài tử cung.
Cụ bà là người Colombia, 82 tuổi, phải chịu đựng cơn đau dạ dày, được phát hiện thấy mang trong cơ thể bào thai 40 năm tuổi. Tuy nhiên, các chụp chiếu phát hiện thấy một thai hóa đá (lithopedion), tại nơi mà bào thai bị vôi hóa.
Tiến sĩ Kemer Ramirez thuộc bệnh viện Tunjuelito của Bogota cho biết “Điều này xảy ra vì bào thai không phát triển trong tử cung do nó đã di chuyển tới một chỗ khác”. Đây là hiện tượng vôi hóa thai nhi khi thai nhi phát triển ngoài tử cung.
"Trong trường hợp này, phần bụng của bệnh nhân này không phải là một nơi phù hợp cho bào thai và đây là những gì đã xảy ra, một bào thai bị vôi hóa do cơ thể có cơ chế bảo vệ và vôi hóa bào thai cho tới khi bao kín nó”.
Trong năm 2009, một trường hợp cụ bà 92 tuổi người Trung Quốc được phát hiện có một bào thai 60 tuổi trong khoang bụng.
Trường hợp đầu tiên có bào thai bị vôi hóa được biết đến là bà Colombe Chatri, một người Pháp 68 tuổi. Khám nghiệm tử thi vào năm 1582 tiết lộ, bà Colombe Chatri đã mang trong mình một bào thai vôi hóa đã phát triển đầy đủ trong khoang bụng trong suốt 28 năm.
Tạp chí của Hiệp hội Y học Hoàng gia trích dẫn 280 trường hợp được ghi nhận của lithopedion kể từ năm 1582. Hầu hết các “thai đá” có tuổi thọ kéo dài khoảng 22 năm, trong đó đặc biệt có một người phụ nữ mang một bào thai bị vôi hóa trong hơn 60 năm.
|
Võ Thu - Giadinh.net.vn
|