Giữa dòng sông Lam ở Hà Tĩnh có một "hòn đảo", dân ở đây trồng thứ cây tốt um trông như cỏ dại Giữa dòng sông Lam ở Hà Tĩnh có một "hòn đảo", dân ở đây trồng thứ cây tốt um trông như cỏ dại , Người xứ Nghệ Kiev
Nguyễn Hoàn Thứ năm, ngày 26/09/2024
Cây cói là cây truyền thống đang trồng ở “hòn đảo” Hồng Lam, giữa dòng sông Lam thuộc địa bàn xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Chi phí sản xuất thấp, ít rủi ro, thị trường ổn định, cho thu nhập khá nên nghề trồng cây cói đã được duy trì hàng chục năm nay.
Nghề trồng cây cói trên "hòn đảo" giữa dòng sông Lam
Thôn Hồng Lam, xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh giống như một hòn đảo nhỏ nằm giữa dòng sông Lam, bốn bề bao quanh là nước, đây được ví như một "ốc đảo".
Nghề trồng cây cói ở "hòn đảo", hay như nhiều người gọi là "ốc đảo" thôn Hồng Lam, xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh có hàng chục năm. Ảnh: PV.
Vùng đất này, năm nào cũng sóng gió, ngập lụt, chỉ có cây cói mới trụ vững trước những thách thức của thiên nhiên. Nghề trồng cây cói cũng là nghề thu nhập chính giúp hàng trăm hộ dân thôn Hồng Lam, xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân bám trụ lại với làng.
Dẫu biết khó khăn vất vả nhưng trong điều kiện sản xuất nông nghiệp tại "ốc đảo" độc lập, cây cói đang là loại cây trồng thế mạnh.
Nhiều hộ dân ở thôn Hồng Lam vẫn gắn bó với nghề trồng cây cói không chỉ đảm bảo sinh kế mà còn để bảo vệ duy trì loại cây trồng truyền thống như một tập quán sản xuất riêng của vùng đất sông nước.
Ông Lê Văn Quang, trú ở thôn Hồng Lam, xã Xuân Giang, cho biết: "Mùa thu hoạch người trồng cây cói chúng tôi phải dậy sớm từ 3 - 4 giờ sáng đi cắt cói để tránh nắng, sau đó đưa về chẻ, phơi...".
Theo ông Lê Văn Quang, trú ở "hòn đảo" giữa dòng sông Lam-thôn Hồng Lam, xã Xuân Giang (huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) nghề cói có thu nhập cao hơn so với trồng lúa, không đầu tư nhiều chi phí nhưng rất vất vả, nhất là trong khâu thu hoạch. Ảnh: PV.
"Năm nay, cây cói phát triển tốt, sản lượng tăng, sản phẩm cói thành phẩm cũng đẹp hơn, giá bán cao hơn mọi năm, chúng tôi rất phấn khởi. Với 8 sào cói của gia đình, năng suất mỗi sào 5 - 6 tạ, vụ này gia đình tôi thu về gần 30 triệu đồng", ông Quang bổ sung thêm.
Sinh ra và lớn lên trên "ốc đảo" Hồng Lam, bà Lê Thị Châu có 40 năm gắn bó với nghề làm cây cói. Năm nào cũng vậy, bà vẫn duy trì trồng 5 sào cây cói, sản lượng thu hoạch từ 2,5-3,5 tấn, đem lại thu nhập 15-20 triệu đồng.
Theo bà Châu, cây cói là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, nhưng công đoạn vất vả nhất là chẻ cói để phơi.
"Công việc này cần người khỏe mạnh, kéo cói phải thẳng, để không bị mất gốc hay ngọn. Cây cói sau khi chẻ xong được phơi từ 2 - 3 ngày nắng lên màu đẹp mới chở về nhà chờ thương lái đến mua. Hiện, cây cói được mua với giá 7,5 triệu đồng/tấn. Cây cói thu hoạch đến đâu bán hết đến đó, chúng tôi yên tâm không phải lo đầu ra", bà Châu sẻ.
Đến mùa thu hoạch cây cói, trên cánh đồng, bà con dựng những chòi bạt để tiến hành chẻ cói. Cây cói chỉ cần trồng 1 lần có thể thu hoạch trong nhiều năm.
Theo người dân, mỗi năm cây cói cho thu hoạch 2 vụ, chủ yếu tập trung thu hoạch vào vụ Hè thu. Để tăng năng suất, cây cói được bón phân đạm tập trung từ tháng 5 - 6, đến 7 (al) là bắt đầu thu hoạch, thời gian thu hoạch kéo dài đến tháng 9 (al).
Đặc biệt, những vùng đất thường xuyên ngâm nước lợ, cây cói sẽ cho sợi dài thân óng ả và cứng hơn. Năm nay, bà con phấn khởi cây cói được mùa hơn so với năm trước. Bình quân, mỗi sào cây cói cho năng suất từ 4,5 - 5,5 tạ.
Cây trồng chủ lực cho thu nhập chính của người dân
Toàn thôn Hồng Lam hiện có trên 160 hộ dân, gần 100 hộ làm nghề cây cói với diện tích 50 ha trên tổng 145ha đất sản xuất nông nghiệp của thôn.
Hộ trồng nhiều 7 - 9 sào, hộ còn lại 4 - 5 sào. Sau khi thu hoạch, phơi khô, thương lái sẽ thu mua từ 7.000 – 8.000 đồng/kg (tùy loại), xuất bán ra các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa để dệt chiếu, đan thảm và các vật dụng khác.
Cây cói ở Hồng Lam được nhiều người ưa chuộng, sử dụng nhờ những tính chất đặc thù và làm nên thương hiệu cho vùng "ốc đảo" này.
Mỗi năm, người dân xuất bán 400 - 500 tấn cây cói. Trước đây, cây cói phải được phân loại trước khi bán nhưng hiện nay các thương lái mua ngang, giảm bớt công đoạn cho người dân.
Ông Nguyễn Thế Lục - Trưởng thôn Hồng Lam, cho biết: "Nghề trồng cây cói có thuận lợi chỉ trồng 1 lần, sau đó chăm bón, làm cỏ, bón phân là phát triển thu hoạch trong nhiều năm, cho thu nhập khá ổn định, được người dân ở đây duy trì phát triển. Mùa cây cói năm nay, vừa được mùa lại được giá, nhiều hộ có thu nhập 25 - 35 triệu đồng từ cây cói, tính ra hiệu quả gấp 2 lần so với trồng lúa.
Mặc dù nghề trồng cây cói đã tồn tại hàng chục năm qua, đem lại thu nhập khá cho người dân. Tuy nhiên, nghề làm cói ở thôn Hồng Lam mới chỉ dừng lại ở việc sản xuất nguyên liệu nên chưa phát huy hết giá trị sản phẩm".
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Hồ Văn Tiến - Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Giang, cho biết: "Để giữ được nghề trồng cây cói này, phía địa phương đã trăn trở nhiều để nghề trồng cói không chỉ dừng lại ở việc sản xuất nguyên liệu mà còn chế biến, nhằm phát huy hết giá trị sản phẩm, lúc đó người nông dân mới yêu nghề hơn cũng như bảo tồn nghề cha ông để lại.
Trước mắt, huyện Nghi Xuân và xã Xuân Giang đang liên kết với doanh nghiệp khuyến khích các hộ dân chế biến cây cói. Hiện tại, các hộ dân đã được tập huấn, hướng dẫn cách chế biến cói bằng máy làm nguyên liệu cho các cơ sở sản xuất đồ gia công mỹ nghệ".
"Để giữ được nghề trồng cây cói lâu dài, địa phương sẽ tiếp tục tham mưu, đề xuất đầu tư các cơ sở hạ tầng, từ đường xá, cầu cống đến các thiết bị máy móc, giúp người dân không chỉ dừng lại ở sản xuất mà còn tự tay chế biến nhiều sản phẩm từ cây cói, từ đó mới nâng cao giá trị cây trồng và phát huy nghề truyền thống của địa phương", ông Hồ Văn Tiến - Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân (tỉnh Hà Tĩnh) nói.