Nằm ở phía tây của tỉnh Nghệ An, là huyện miền núi có diện tích tự nhiên trên 60 nghìn ha, huyện Anh Sơn có đường biên giới Việt - Lào với 5,66 Km tiếp giáp với tỉnh Polykhamxay. Tổng số dân toàn huyện theo thống kê mới nhất là 119.828 người, trong đó có người dân tộc Thái có 2.069 hộ với 8.607 khẩu, chiếm 7,2% dân số toàn huyện, sinh sống trên 19 thôn, bản thuộc 8 xã, còn lại là người kinh.
Do địa hình miền núi, giao thông đi lại còn khó khăn, còn có những xã, bản biên giới, vùng sâu vùng xa nên huyện Anh Sơn lâu nay vẫn đang thuộc diện huyện khó khăn, cuộc sống người dân địa phương khá vất vả.
Nằm trong nguồn ngân sách chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo 2021-2025, năm nay huyện Anh Sơn đã tổ chức thực hiện cấp phát 92 con bê giống cho 92 hộ gia đình là đối tượng thuộc hoàn cảnh khó khăn, người dân tộc thiểu số, hộ nghèo trên địa bàn.
Từ ngày được cấp bê giống, gia đình chị Lữ Thị Thảo, bản Vĩnh Kim có thêm niềm vui lớn, có thêm việc làm để ổn định cuộc sống, với mong mỏi sớm thoát nghèo. |
Đây là năm đầu tiên, địa phương này thực hiện việc cấp bê giống cho người nghèo nhằm tạo động lực, “cần câu cơm” cho hộ nghèo để họ có thêm nguồn lực nhằm phát triển kinh tế gia đình, “đòn bẩy” giúp họ sớm bước qua đói, nghèo.
Bản nghèo Vĩnh Kim, xã Hoa Sơn, với gần 100% dân cư là người dân tộc Thái, trong chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo đợt này, bản nghèo Vĩnh Kim được nhà nước hỗ trợ 10 con bê giống cho 10 hộ gia đình trong bản có hoàn cảnh hết sức khó khăn, nghèo đói.
Từ ngày được cấp phát giống bê, cả bản như vui hơn, đặc biệt những hộ gia đình được nhận bê giống, họ hết sức phấn khởi, bận rộn hơn với việc ngày ngày thêm chuyện chăm sóc bê giống được nhà nước hỗ trợ.
Chị Lữ Thị Thảo (SN 1998, bản Vĩnh Kim, xã Hoa Sơn) bộc bạch rằng: “ gia đình biết ơn Đảng, biết ơn chính quyền các cấp, các ngành đã cấp cho một con bê giống to và khỏe mạnh. Do hoàn cảnh nghèo chồng phải đi làm công nhân nhà máy sắn tận bên Lào, không có công ăn việc làm ngoài việc chăm hai con nhỏ, nay tôi ở nhà đã có thêm việc làm, chăm bê giống để bê nhanh lớn, cho bê con, bán kiếm tiền, phụ giúp thêm chồng...”.
Cũng như gia đình chị Thảo, gia đình ông Lương Văn Hà, gia đình ông Lưu Xuân Trang, Lương Văn Tình...ở bản Vĩnh Kim dịp này cũng hết sức phấn khởi khi được cấp bê giống từ nguồn ngân sách mục tiêu quốc gia giảm nghèo. Họ đều là những đối tượng có hoàn cảnh hết sức khó khăn, ốm đau, bệnh tật quanh năm, đời sống thiếu thốn trăm bề.
Ngoài các chính sách hỗ trợ, họ vẫn luôn được chính quyền, cấp cơ sở dành sự quan tâm đặc biệt, với mong mỏi vượt lên số phận, vượt qua khó khăn, có một cuộc sống không còn chạy ăn từng bữa.
Việc cấp giống bê vừa tạo thêm công ăn việc làm cho các hộ dân, vừa giúp họ có thêm "đòn bẩy" để bước qua khó khăn. |
Chủ tịch UBND xã Hoa Sơn Nguyễn Hữu Thọ bày tỏ, nằm trong nguồn ngân sách dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, vừa qua xã Hoa Sơn được huyện phân bổ 16 con bê giống. Đây là một chủ trương lớn, người dân địa phương hết sức phấn khởi, đặc biệt với những gia đình dân tộc thiểu số, hộ nghèo thuộc đối tượng được cấp bê.
Với người dân địa phương, chăn nuôi hiện nay vẫn đang giữ thế chủ lực, vùng đổi núi, tư liệu sản xuất về đất đai ít, chủ yếu rừng, vườn, do đó chăn nuôi vẫn luôn được chú trọng trong mục tiêu phát triển kinh tế hộ gia đình. Sau khi nhận bê, trao bê cho các đối tượng được chọn theo quy định, địa phương cũng sát sao trong việc hướng dẫn cách chăm sóc, làm chuồng trại cũng như đề phòng bệnh tật cho gia súc.
“Sự hỗ trợ hết sức ý nghĩa với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nghèo, người dân tộc thiểu số. Chắc chắn về lâu dài bên giống này sẽ sinh lợi và tạo ra hiệu quả giúp các hộ có thêm thu nhập trong chăn nuôi. Người dân phấn khởi, địa phương cũng mừng, không chỉ là câu chuyện trao “cần câu cơm” cho người nghèo vượt lên số phận, mà còn đó là sự khích lệ, chính sách nhân văn không để ai đói nghèo, ở lại phía sau...”, ông Thọ nhấn mạnh.
Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Anh Sơn Nguyễn Trần Chương thông tin, dự án cấp bê giống nhằm tạo công ăn việc làm, sinh kế phát triển kinh tế cho người nghèo năm nay địa phương mới bắt đầu thực hiện, việc này sẽ phần nào tạo ra “đòn bẩy” để hộ nghèo thêm động lực, nguồn lực nhằm xây dựng kinh tế gia đình tốt hơn.
Ngoài ra dự án còn giúp tăng đàn gia súc trên địa bàn huyện, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng – vật nuôi phù hợp với địa hình, điều kiện tự nhiên địa phương.
Tác giả: Hoàng Phạm
Nguồn tin: kinhtedothi.vn
Nghệ An: “Đòn bẩy” từ chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo (nghean24h.vn)