Nước sông Nậm Huống tại xã Châu Thành, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An chuyển màu đục vàng kèm theo hiện tượng cá chết hàng loạt khiến người dân lo lắng. Ảnh: Văn Tý/TTXVN |
Những ám ảnh về sự kiện vỡ đập bãi thải khai thác thiếc 7 năm trước lại quay về. Người dân càng bức xúc hơn bởi sự coi thường pháp luật của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thiếc Hà An, đơn vị liên tục bị cơ quan chức năng từ huyện đến Trung ương xử phạt vì vi phạm các quy định pháp luật trong quá trình khai thác khoáng sản. Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thiếc Hà An cũng chính là đơn vị xả thải trái phép khiến nước sông Nậm Huống đổi màu, cá chết hàng loạt được phóng viên Thông tấn xã Việt Nam phản ánh trong bài "Xác định đơn vị xả thải khiến nước sông đổi màu, cá chết ở Quỳ Hợp, Nghệ An".
Sai phạm nối tiếp sai phạm
Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thiếc Hà An được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép khai thác quặng thiếc bằng phương pháp hầm lò trên diện tích 17,12ha thuộc địa bàn 2 xã Châu Hồng, Châu Thành, huyện Quỳ Hợp từ năm 2013. Tuy nhiên, nhìn vào lịch sử quá trình khai thác tại núi Lan Toong, Suối Bắc của đơn vị này chúng tôi không khỏi bất ngờ. Bởi lẽ, trong những năm gần đây, năm nào đơn vị này cũng bị cơ quan chức năng xử phạt, có những năm phạt đến 2 lần do vi phạm các quy định pháp luật trong quá trình hoạt động.
Tháng 7/2022, dựa trên biên bản vi phạm hành chính của đoàn kiểm tra theo Quyết định 1505/QĐ-UBND tỉnh Nghệ An, UBND huyện Quỳ Hợp ra Quyết định số 1452/QĐ-UBND xử phạt Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thiếc Hà An 68 triệu đồng vì không thực hiện đăng ký đất đai lần đầu; không gửi cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định thiết kế xây dựng theo quy định; không đăng ký nội quy theo quy định của pháp luật.
Đầu năm 2023, sau khi kiểm tra phát hiện Công ty này đã đổ bùn, đất thải sau quá trình tuyển quặng, vượt ra ngoài ranh giới khu vực được thuê đất làm bãi thải với diện tích 1,1 ha mà chưa được cơ quan nhà nước giao đất, cho thuê đất theo quy định, UBND huyện Quỳ Hợp đã lập biên bản vi phạm hành chính và ban hành Quyết định số 639/QĐ-UBND xử phạt Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thiếc Hà An 111 triệu đồng; đồng thời, buộc Công ty khôi phục lại hiện trạng trong thời hạn 30 ngày. Thời điểm đơn vị này đổ thải được UBND huyện Quỳ Hợp xác định thực hiện từ 4/2022-4/2023. Đáng chú ý, trong khoảng thời gian trên, Đoàn kiểm tra theo Quyết định 1505/QĐ-UBND tỉnh Nghệ An dù đã kiểm tra nhưng không phát hiện sai phạm.
Chưa dừng lại ở đó, đoàn kiểm tra còn phát hiện, đất và bùn thải (thải quặng đuôi) sau quá trình sản xuất được đổ tại bãi thải của công ty chất đống cao, chênh cao so với phía taluy âm lên tới khoảng 5-6 m, có nguy cơ sạt lở vào mùa mưa lớn. Quá trình hoạt động, đơn vị có phát sinh nước thải sinh hoạt ra môi trường… Ngoài ra, trong quá trình kiểm tra và làm việc, UBND huyện nhận thấy Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án “Điều chỉnh xưởng tuy quặng thiếc công suất 20.000 tấn quặng nguyên khai/năm của dự án Khai thác hầm lò và chế biến phần đông mỏ thiếc suối Bắc xã Châu Hồng và Châu Thành, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An” không nêu rõ quy cách bãi thải và thiết kế bãi thải để xác định bãi thải quặng đuôi có đảm bảo việc đổ thải đảm bảo vệ sinh môi trường hay không?
Do không đủ chuyên môn để đánh giá được đầy đủ công tác bảo vệ môi trường của công ty, UBND huyện đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nghệ An thành lập đoàn kiểm tra để đánh giá toàn diện công tác bảo vệ môi trường của đơn vị này. Tuy nhiên, Sở Tài nguyên và Môi trường có văn bản trả lời rằng nội dung này đã được Đoàn kiểm tra liên ngành theo Quyết định số 1505/QĐ-UBND ngày 02/6/2022 do Chủ tịch UBND tỉnh ban hành, kiểm tra năm 2022. Hiện nay, UBND tỉnh chưa ban hành kết luận về các nội dung có liên quan.
Tháng 6/2024, dựa trên biên bản vi phạm hành chính do Đoàn kiểm tra theo Quyết định số 901/QĐ-BTNMT ngày 5/4/2024 của Bộ Tài nguyên và Môi trường lập ngày 28/5/2024, UBND huyện Quỳ Hợp tiếp tục ra Quyết định xử phạt hành chính đơn vị này 250 triệu đồng do sử dụng khoáng sản không đúng mục đích quy định trong giấy phép khai thác khoáng sản khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép cho phép theo quy định. Cụ thể, từ năm 2022-2023, đơn vị này không đưa tinh quặng về xưởng luyện của công ty tại huyện Quỳ Hợp để chế biến ra thiếc thỏi mà xuất bán cho các đơn vị khác hoặc thuê đơn vị khác gia công tuyển, luyện thiếc không đúng với giấy phép. Cũng trong khoảng thời gian này, đơn vị cũng lập không đầy đủ sổ sách, chứng từ, văn bản, tài liệu có liên quan để xác định sản lượng khai thác thực tế hàng năm. Không nộp thiết kế mỏ điều chỉnh cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định.
Ngoài ra, trước thời điểm xảy ra sự cố làm nước sông Nậm Huống đổi màu, cá chết hàng loạt, Đoàn kiểm tra của Công an huyện Quỳ Hợp cũng phát hiện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thiếc Hà An thực hiện không đúng, không đầy đủ một trong các nội dung quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường. Ngày 17/6/2024, Công an huyện Quỳ Hợp có văn bản chuyển UBND huyện Quỳ Hợp đề nghị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường đối với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thiếc Hà An với số tiền 70 triệu đồng.
Ám ảnh hệ lụy cho môi trường
Sự cố nước sông Nậm Huống đổi màu, cá chết ngày 30/6-1/7/2024 một lần nữa khiến người dân ám ảnh về những hệ lụy cho môi trường từ việc khai thác thiếc trên địa bàn. Bởi lẽ, đây không phải là lần đầu tiên họ phải trải qua.
Cách đây hơn 7 năm, rạng sáng ngày 9/3/2017, người dân xã Châu Thành, Châu Hồng huyện Quỳ Hợp bàng hoàng khi đập chứa bùn thải khai thác thiếc trên đỉnh núi Lan Toong, của Công ty Cổ phần kim loại màu Nghệ Tĩnh bất ngờ vỡ. Một lượng lớn bùn thải xả thẳng ra môi trường và chảy vào các ao hồ của một số hộ dân xã Châu Hồng, Châu Thành. Suối Nậm Huống đổi màu, cá chết hàng loạt loạt kéo dài đến xã Châu Cường, Châu Quang cách vị trí đập chứa thải hơn 10km. Ngay sau khi sự cố xảy ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công thương, các cơ quan chức năng của Nghệ An đã nhanh chóng vào cuộc điều tra nguyên nhân và phát hiện Công ty chưa được cấp giấy xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường dù đã hoạt động 4 năm, thiết kế kỹ thuật của đập thải do chủ doanh nghiệp tự thiết kế và chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt...
Những tác động về môi trường mới tạm lắng xuống thì từ cuối năm 2020 đến năm 2022, hàng loạt “hố tử thần” xuất hiện ở xã Châu Hồng với xu hướng ngày càng lan rộng. Hơn 200 giếng nước của người dân bị cạn trơ đáy, hàng trăm nhà dân cùng nhiều trụ sở cơ quan, trường học, nhiều công trình công cộng bị sụt lún, nứt nẻ. Thiệt hại ước tính lên đến 57 tỷ đồng. Sự việc gây xôn xao dư luận, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, sản xuất của người dân.
Ngay sau đó, cơ quan chức năng vào cuộc nhưng chỉ xác định được nguyên nhân chung chung là do sự sụt giảm nguồn nước ngầm. Tuy nhiên, theo người dân địa phương thì nguyên nhân sâu xa là do hoạt động khai thác khoáng sản của một số doanh nghiệp khai thác thiếc trên địa bàn. Bởi ngay sau khi UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu các doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn không bơm hút, khai thác nước ngầm thì tình trạng sụt lún chấm dứt, nước sông Nậm Tôn đục ngầu đã xanh trong trở lại.
Nước sông Nậm Huống tại xã Châu Thành, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An chuyển màu đục vàng kèm theo hiện tượng cá chết hàng loạt khiến người dân lo lắng. Ảnh: Văn Tý/TTXVN |
Trở lại sự việc Công ty trách nhiệm hữu hạn Thiếc Hà An xả thải nước ra môi trường khiến nước sông Nậm Huống đổi màu, cá chết hàng loại kéo dài đến xã Châu Cường. Cơ quan chức năng còn chỉ ra rằng Công ty đã điều chỉnh mặt bằng tổng thể dự án khai thác mỏ thiếc như xây dựng thêm bãi thải quặng đuôi, khu xử lý nước thải sau tuyển, xưởng tuyển… nhưng chưa được cơ quan chức năng phê duyệt. Các bãi thải quặng đuôi từ hoạt động chế biến quặng thiếc của Công ty chưa được lót đáy. Các công trình, thu gom xử lý nước thải và bùn thải tại khu vực lò số 6 có nguy cơ tràn bờ, thoát ra ngoài môi trường, nhất là trong trường hợp có mưa lớn dài ngày.
Hiện nay khu vực núi Lan Toong, Suối Bắc có 2 đơn vị được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép khai thác thiếc là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thiếc Hà An và Công ty Cổ phần kim loại màu Nghệ Tĩnh. Đây là khu vực núi cao, tuy nhiên các cơ quan chức năng vẫn chấp thuận để các đơn vị này đặt các xưởng tuyển ngay trên đỉnh núi.
Trước những nguy cơ về môi trường, ông Lê Sỹ Hào, Quyền Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện Quỳ Hợp chia sẻ: “Mỏ thiếc của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thiếc Hà An nằm trên đỉnh núi cao nếu công ty không làm đúng báo cáo đánh giá tác động môi trường thì sẽ ảnh hưởng không chỉ xã Châu Hồng, Châu Thành mà còn nhiều địa phương của huyện Quỳ Hợp. Vì vậy, đợt này đơn vị sẽ tham mưu UBND huyện báo cáo với UBND tỉnh đánh giá lại bản Báo cáo đánh giá tác động môi trường”.
Tác giả: Bích Huệ - Văn Tý
Nguồn tin: baotintuc.vn
Ám ảnh sự cố môi trường từ các dự án khai thác quặng thiếc (nghean24h.vn)