Khu công nghiệp Đại Kim rộng khoảng 33ha, sau 17 năm không còn doanh nghiệp nào hoạt động. Ảnh: H.Nguyên. |
Khu công nghiệp Đại Kim nằm cạnh Quốc lộ 8A, được thành lập từ năm 2007 trên diện tích 33ha. Khi thành lập, khu công nghiệp này được kỳ vọng sẽ làm thay đổi bộ mặt huyện miền núi Hương Sơn. Tuy nhiên, hiện nay khu công nghiệp này “sạch bóng” doanh nghiệp (DN).
Để xây dựng Khu công nghiệp Đại Kim, chính quyền địa phương phải thu hồi đất trồng lúa của hơn 300 hộ dân xã Sơn Kim 1. Hạ tầng cũng được đầu tư đồng bộ để thu hút DN. Gần 20 năm trôi qua, khu công nghiệp này chỉ có 4 nhà đầu tư đăng ký kinh doanh. Trong đó, 1 DN hoạt động được 2 năm và 1 DN khác vận hành thử nghiệm rồi để không.
Cụ thể, năm 2005, Công ty CP Xe điện Hà Tĩnh được cấp giấy chứng nhận đầu tư Dự án Nhà máy sản xuất, lắp ráp các loại xe có động cơ, xe không có động cơ, các sản phẩm điện, điện tử dân dụng, các thiết bị điện chiếu sáng, thiết bị điện khác tại Khu công nghiệp Đại Kim. Tổng mức đầu tư dự án hơn 55 tỷ đồng, diện tích sử dụng 3,45ha. 3 năm sau, DN bắt đầu vận hành thử nghiệm, dự án được kỳ vọng thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương vùng biên giới, tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Song, mới đưa vào vận hành thử nghiệm thời gian ngắn, DN này tạm ngừng hoạt động.
Ngày 18/4/2024, Công ty CP Xe điện Hà Tĩnh có Văn bản số 1804 đề xuất chủ trương điều chỉnh Dự án đầu tư Nhà máy sản xuất, lắp ráp các loại xe có động cơ, xe không có động cơ, các sản phẩm điện, điện tử dân dụng, các thiết bị điện chiếu sáng, thiết bị điện khác tại Khu công nghiệp Đại Kim. Ngay sau đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh giao Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương và các cơ quan liên quan kiểm tra, soát xét cụ thể nội dung đề xuất điều chỉnh của Công ty CP Xe điện Hà Tĩnh. Từ đó, báo cáo rõ quá trình thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với Dự án, vướng mắc, tồn tại, nguyên nhân, trách nhiệm; căn cứ quy định của pháp luật, điều kiện thực tế, chủ động thực hiện các nội dung liên quan đối với Dự án theo đúng quy định, đúng thẩm quyền; tổng hợp, tham mưu, đề xuất đúng quy định báo cáo UBND tỉnh Hà Tĩnh.
Thực tế những năm qua, dự án bỏ hoang, máy móc, thiết bị để không, toàn bộ khu vực dự án trở nên nhếch nhác. Theo ông Hoàng Văn Thư - Chủ tịch UBND xã Sơn Kim 1 thì dự án hoạt động không hiệu quả, bỏ hoang nhiều diện tích đất nên rất lãng phí.
Tại Khu kinh tế Đại Kim chỉ có duy nhất Công ty May Thiên Thành Five Star hoạt động. Dự án có vốn đầu tư 150 tỷ đồng. Cuối năm 2021, nhà máy, nhà xưởng của công ty này đi vào hoạt động, tạo công ăn việc làm cho khoảng 300 lao động địa phương. Tuy nhiên, ngày 24/10/2023, DN này có văn bản gửi các cơ quan chức năng và toàn thể công nhân viên về việc tạm dừng hoạt động do gặp nhiều khó khăn về hàng hóa và tài chính. 8 tháng qua, DN này ngừng hoạt động khiến Khu Công nghiệp Đại Kim rơi vào tình trạng để không.
Suốt 17 năm qua, Khu công nghiệp Đại Kim chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư như kỳ vọng ban đầu. Theo lãnh đạo UBND huyện Hương Sơn, 4 DN đăng ký đầu tư trên diện tích khoảng 13ha ở Khu công nghiệp Đại Kim đều đang tạm ngừng hoạt động hoặc đầu tư dang dở, bỏ hoang. Hiện nay Khu công nghiệp Đại Kim không còn DN nào hoạt động. Về việc khu công nghiệp này nhiều năm qua thu hút đầu tư thấp, vị lãnh đạo huyện Hương Sơn cho biết nguyên nhân là chính sách thay đổi nên ưu đãi về thuế và các ưu đãi khác hết hiệu lực. Khu kinh tế cửa khẩu Cầu Treo không còn là khu phi thuế quan theo Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107 năm 2016 nên nhiều nhà đầu tư không còn mặn mà đầu tư, hoàn thiện dự án.
Tác giả: Hạnh Nguyên
Nguồn tin: Báo Đại Đoàn Kết