Tình trạng thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt ở nông thôn, đặc biệt là tại các xã thuộc huyện Thanh Chương (Nghệ An) gây ô nhiễm môi trường do không được vận chuyển đi đúng quy chuẩn cũng như việc xử lý rác thủ công đang khiến nhiều người dân lo lắng.
Ngày 6/6, ghi nhận tại điểm tập kết rác thải của xã Thanh Phong, rất nhiều rác thải sinh hoạt được chất thànhđống trong một khuôn viên có tường rào bao quanh hơn 1ha. Mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, khó chịu, nhiều vũng nước xuất hiện trong bãi, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm nguồn nước ngầm và đất.
Khu tập kết rác thải của xã Thanh Phong, Thanh Chương |
Bà Nguyễn Thị Thắng, người dân trú xóm 5, xã Thanh Phong, huyện Thanh Chương bức xúc cho biết, mùi hôi thối bốc ra từ bãi rác của xã nồng nặc, ruồi muỗi cũng nhiều. Thậm chí, có những lúc họ đốt rác khói đen bốc mùi bay ra không khí hôi thối, ảnh hưởng đến sinh hoạt đời sống của người dân.
"Tôi đóng phí vệ sinh môi trường đầy đủ nhưng rác vẫn không được xử lý triệt để. Mỗi lần đốt rác, khói đen và mùi hôi lại bay khắp nơi, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của chúng tôi. Năm ngoái khi có dịch tả lợn Châu Phi, nhiều người mang lợn chết vào lấy máy ủi chôn gây nên mùi hôi thối rất đáng sợ, lợn nhà tôi nuôi cũng chết hết”, bà Thắng nói.
Rác thải chất đống, bốc mùi, ứ đọng nước trong bãi rác xã Thanh Phong |
Trao đổi với PV, ông Trịnh Xuân Thị, Chủ tịch UBND xã Thanh Phong thừa nhận, việc ô nhiễm môi trường từ bãi rác là hoàn toàn có. Xã cũng đang xây dựng kế hoạch, lên phương án để thuê các đơn vị xử lý môi trường vận chuyển rác đến nơi xử lý.
"Chúng tôi đang chuẩn bị tổ chức họp dân để lấy ý kiến về phương án thuê công ty môi trường vận chuyển rác từ chỗ tập kết đến khu xử lý. Tuy nhiên, việc tăng phí vệ sinh môi trường từ 5.000 đồng/người/tháng lên 7.000 đồng/người/tháng để trang trải chi phí này không phải người dân nào cũng đồng tình”, ông Thị nói.
Rác thải được xử lý bằng phương pháp đốt gây ô nhiễm môi trường |
Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại xã Đại Đồng, huyện Thanh Chương, nơi bãi rác nằm ngay cạnh cánh đồng lớn, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp và sức khỏe người dân.
Theo ông Lưu Văn Hòa, Chủ tịch UBND xã Đại Đồng, bãi rác được xây dựng từ năm 2003, hiện nay việc xử lý rác gặp nhiều khó khăn do lượng rác ngày càng tăng, vượt quá sứcchứa. Chính quyền địa phương đang nỗ lực hoàn thiện đề án thuê công ty môi trường để giải quyết vấn đề này.
“Xã cũng đang làm đề án để thuê các đơn vị môi trường thu gom mang đi xử lý đảm bảo môi trường. Phát triển kinh tế nhưng môi trường cần được chú trọng”, ông Hoà nói.
Bãi rác tại xã Đại Đồng, Thanh Chương |
Được biết, trên địa bàn huyện Thanh Chương có các xã: Thanh Phong, Đại Đồng, Thanh Thịnh, Hạnh Lâm, Thanh Nho, Thanh Hoà, Cát Văn cũng đang thực hiện việc thu gom, tập kết rác thải trên địa bàn thủ công chưa thực hiện việc thuê công ty môi trường xử lý rác thải.
Việc ký hợp đồng với đơn vị thu gom vận chuyển đăng ký hoạt động, có chuyên môn, phương tiện và công nghệ phù hợp sẽ giúp giải quyết triệt để tình trạng ùn ứ rác thải, bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Rác thải lâu ngàu không được vận chuyển đi bốc mùi, nơi xuất phát của các nguồn bệnh gây ảnh hưởng sức khoẻ |
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV, ông Nguyễn Đình Thanh, Phó chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho biết, huyện cũng đã chỉ đạo các xã tuyên truyền, vận động người dân phân loại rác từ nhà để tận dụng rác hữu cơ làm phân bón còn rác thải rắn gom ra bãi tập kết. Bên cạnh đó, các bãi tập kết của các xã cũng quá tải trước mắt ký kết với các đơn vị xử lý môi trường để vận chuyển đi tránh ô nhiễm.
"Huyện cũng đã có dự án bãi rác của huyện nhưng do thiếu nguồn kinh phí chưa có nhà đầu tư nên chưa thực hiện được. Nên khuyến khích các xã làm việc với các đơn vị xử lý để vận chuyển đi", ông Thanh nói.
Tác giả: Văn Bình – Phan Huy
Nguồn tin: doisongphapluat.nguoiduatin.vn
Nghệ An: Nỗi lo ô nhiễm môi trường từ những bãi tập kết rác thải (nghean24h.vn)