NHỮNG BỨC TRANH GỬI TẶNG TRƯỜNG SA
Những ngày cuối tháng 2, cuộc triển lãm tranh hưởng ứng Cuộc vận động “Tự hào một dải non sông” diễn ra tại Khu Di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn đã chạm đến cảm xúc của nhiều người dân tham dự. Hơn 100 bức tranh được trưng bày là những tác phẩm xuất sắc nhất được chọn lựa từ hơn 400 tác phẩm dự thi đến từ các đơn vị cơ sở.
Nổi bật trong những bức tranh được triển lãm, tác phẩm mang chủ đề “Việt Nam ngàn năm gấm vóc” đã tạo được dấu ấn đặc biệt trong lòng người yêu tranh khi đã có nhiều sáng tạo trong cách thức thể hiện. Xuyên suốt bức tranh là hình ảnh vẹn toàn lãnh thổ đất nước Việt Nam với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa vững vàng giữa biển khơi. Và còn nhiều điểm chấm phá là các di tích lịch sử, công trình văn hóa đã trở thành biểu tượng của 3 miền như: Chùa Một Cột ở Hà Nội, tượng đài Xô viết Nghệ Tĩnh ở Nghệ An, chợ Bến Thành ở TP Hồ Chí Minh.
Cuối cùng, hình ảnh chú bộ đội Hải quân và bộ đội Biên phòng là lời tri ân sâu sắc của các tác giả gửi đến những người đang ngày đêm canh giữ, bảo vệ biên cương, hải đảo Tổ quốc.
Chất liệu làm nên bức tranh là những cây sen đá, vỏ sò và các loại hạt gần gũi với nền nông nghiệp của đất nước Việt Nam. Tất cả được sắp xếp hài hòa, logic.
Được biết, tác phẩm này được thực hiện bởi chị Đinh Thị Nhàn (SN 1981) - giáo viên Mỹ thuật Trường Thực hành sư phạm Đại học Vinh; chị Nguyễn Thị Vân (SN 1988) - giáo viên Trường Tiểu học Nghi Đức và chị Nguyễn Như Hậu (SN 1997) - Ủy viên Ủy ban Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh Nghệ An, bác sĩ sản phụ khoa, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An.
Dành nhiều tâm huyết để thực hiện bức tranh, cô giáo Đinh Thị Nhàn cho biết, Cuộc vận động “Tự hào một dải non sông” là một cơ hội đặc biệt với chị và những người đam mê nghệ thuật được tiếp thêm tinh thần sáng tạo, trách nhiệm trong nghề, góp phần thắp sáng tình yêu quê hương, đất nước. Khi biết đến thông tin của cuộc thi, chị cùng 2 tác giả còn lại đã cùng nhau bàn luận và thống nhất ý tưởng, cách thức triển khai. Các tác giả dành hơn 10 ngày để phác thảo, tìm mua nguyên liệu và tiến hành hoàn thiện bức tranh. May mắn là tác phẩm đã được đón nhận sự ủng hộ của những người yêu tranh và được lan tỏa sâu rộng trong cuộc triển lãm.
Cuộc thi vẽ tranh đã nhận hơn 400 tác phẩm đẹp, sáng tạo, được làm bằng nhiều chất liệu khác nhau đến từ mọi độ tuổi của khối tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, sinh viên, những cán bộ, công chức, viên chức… trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tác phẩm “Việt Nam ngàn năm gấm vóc” đã được Trung ương Đoàn lựa chọn để trao tặng cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa.
Bên cạnh tác phẩm này, Trung ương Đoàn sẽ tiếp tục chọn lựa thêm một số tác phẩm xuất sắc khác của tỉnh Nghệ An để trao tặng Trường Sa trong thời gian tới.
TÔ THẮM TÌNH YÊU TỔ QUỐC
Bước vào tháng Ba, tháng của Thanh niên, tuổi trẻ Nghệ An đã về với mảnh đất Điện Biên - nơi chứng kiến 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non…” của Chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Những mệt mỏi tan biến khi đoàn tổ chức lễ dâng hương tại Nghĩa trang Điện Biên Phủ nằm ngay dưới chân đồi A1, nơi nằm lại của hàng nghìn chiến sĩ đã dành cả tuổi thanh xuân để chiến đấu cho độc lập, tự do của dân tộc.
Hành trình về nguồn chan chứa niềm tự hào xen lẫn xúc động khi đoàn tiếp tục được đến thăm Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ; đồi A1, đồi D1, Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ; thăm Trung tâm Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ tại bản Phăng, xã Mường Phăng, thành phố Điện Biên; hầm chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp; hầm chỉ huy của tướng De Castries – chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của quân Pháp…
Dù sinh ra trong thời bình nhưng những người trẻ khi đứng trước quần thể di tích chiến trường Điện Biên Phủ, nghe những câu thơ trong bài thơ “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” của nhà thơ Tố Hữu cất lên như cuốn phim quay chậm về quá khứ, đã khiến các thành viên trong đoàn dâng trào cảm xúc. Chúng tôi hiểu rõ hơn về cuộc chiến đầy cam go và ác liệt, tự hào về tinh thần chiến đấu quả cảm của quân và dân ta, sự hy sinh anh dũng của những chiến sĩ vì độc lập dân tộc. Từ đó, bản thân tự nhủ sẽ cố gắng thi đua rèn đức, luyện tài, cống hiến sức trẻ bằng những công trình, phần việc thiết thực, ý nghĩa xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước trong thời bình để xứng đáng với sự hy sinh của ông cha.
Trong hành trình về với Điện Biên, Tỉnh đoàn Nghệ An mang theo những món quà đầy ý nghĩa, trao tặng nhà “Đại đoàn kết” trị giá 50 triệu đồng cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn; trao 10 suất quà cho 10 em học sinh nghèo vươn lên học giỏi và trao tặng 50 bản đồ Tổ quốc.
Rời Điện Biên, tuổi trẻ Nghệ An mang theo niềm tự hào về truyền thống cách mạng của dân tộc Việt Nam, tự hào về một Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Kỷ niệm trong hành trình về với Điện Biên sẽ luôn là lời nhắc nhở mỗi bạn đoàn viên, thanh niên ra sức học tập, cống hiến vì tương lai giàu đẹp của quê hương, đất nước.
Phó Bí thư Tỉnh đoàn Trần Linh chia sẻ: “Tự hào một dải non sông” là cuộc vận động của Trung ương Đoàn được triển khai rộng khắp trên toàn quốc, ở tất cả các cấp bộ Đoàn, Hội, Đội trong và ngoài nước. Đây là hoạt động thiết thực nhằm giáo dục lòng yêu nước tự hào về toàn vẹn lãnh thổ trong mỗi người dân Việt Nam nói chung, đoàn viên, thanh thiếu nhi nói riêng.
Tại Nghệ An, đã có nhiều hoạt động ý nghĩa hưởng ứng cuộc vận động này để trở thành một trong những địa phương được Trung ương Đoàn đánh giá đứng tốp đầu cả nước.
Các cấp bộ Đoàn trong toàn tỉnh đã có nhiều cách làm sáng tạo, như phát động tuần lễ sinh hoạt chi đoàn, chi đội “Tự hào một dải non sông”, đồng diễn xếp hình bản đồ Việt Nam, xây dựng clip giới thiệu các địa danh trong cả nước thu hút đông đảo thanh thiếu nhi tham gia, Hội thi rung chuông vàng “Tự hào một dải non sông”, Hội thi thuyết trình về các vùng miền, địa chỉ đỏ…
Sau gần 6 tháng triển khai, toàn tỉnh đã có hơn 11.000 bản đồ được trao tặng và treo tại các vị trí trang trọng trong phòng làm việc, phòng học, phòng sinh hoạt cộng đồng. Đã có hơn 500 clip hưởng ứng “Tự hào một dải non sông” giới thiệu các địa danh trên cả nước; hơn 2.000 cơ sở Đoàn và các trường học tham gia hưởng ứng với sự tham gia của gần 34.000 lượt thanh thiếu nhi toàn tỉnh tham gia xếp bản đồ Việt Nam.
Cuộc vận động thực sự đã lay động và thức tỉnh hàng triệu trái tim về ý nghĩa to lớn của tinh thần yêu nước, sự nhiệt huyết, tận hiến của tuổi trẻ Việt Nam trong quá khứ, hiện tại và tương lai.
https://baonghean.vn/nghe-an-lan-toa-manh-me-thong-diep-tu-hao-mot-dai-non-song-post286307.html