Vượt 130km từ Nghệ An sang Hà Tĩnh để săn "tôm bay" béo tròn, cặp vợ chồng thu gần 1 triệu mỗi ngày Vượt 130km từ Nghệ An sang Hà Tĩnh để săn "tôm bay" béo tròn, cặp vợ chồng thu gần 1 triệu mỗi ngày , Người xứ Nghệ Kiev
Tập Thỏa
Những ngày này, vợ chồng anh Bùi Văn Tôn, trú tại Thị xã Hoàng Mai (tỉnh Nghệ An) vượt hơn 130 km đến cánh đồng lúa đã gặt xong ở các huyện của Hà Tĩnh để săn “tôm bay” béo tròn. Mỗi ngày vợ chồng anh Tôn có thể thu về gần 1 triệu đồng.
Vợ chồng anh Bùi Văn Tôn (31 tuổi) cùng vợ Lê Thị Huệ (29 tuổi) trú thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) vượt hơn 130km đến các cánh đồng tại huyện: Lộc Hà, Thạch Hà, Cẩm Xuyên… (tỉnh Hà Tĩnh) để săn châu chấu hay còn gọi là "tôm bay" đem bán, thu gần 1 triệu đồng mỗi ngày.
Khi các cánh đồng lúa của người dân vừa gặt xong, cũng là lúc mùa "tôm bay" xuất hiện nhiều, béo ngậy, người dân từ Nghệ An mang theo đồ bảo hộ, cầm vợt di chuyển hàng trăm km đến các cánh đồng tại huyện Lộc Hà, Thạch Hà, Cẩm Xuyên… (Hà Tĩnh) để săn cào cào, châu chấu.
Đây là nghề thời vụ. Từ tháng 1 đến tháng 5 (âm lịch), người dân sẽ bắt châu chấu nhỏ, mới sinh sản, để làm thức ăn cho các loại chim. Từ tháng 6 đến tháng12 (âm lịch), châu chấu lúc này trưởng thành, kích thước lớn, béo ngậy, “tôm bay” lúc này phục vụ cho các thực khách trong nhà hàng, số ít còn lại để cho chim ăn.
Đang bận rộn bắt “tôm bay”, anh Bùi Văn Tôn, trú tại thị xã Hoàng Mai, Nghệ An, cho biết: “Những ngày gần đây, vợ chồng tôi cùng nhóm người tại địa phương thức dậy từ 3h sáng di chuyển hơn 100 km vào các huyện tại Hà Tĩnh để săn “tôm bay”. Trước khi đi, mọi người ăn cơm, chuẩn bị đồ nghề, nước uống… để sẵn sàng cho cuộc đi săn”.
Đến nơi lúc hơn 6h, các thành viên trong nhóm lần lượt tản ra các thửa ruộng. Dụng cụ săn "tôm bay" là chiếc vợt có đường kính 50cm, sâu 1,5m, được quấn bằng túi nilon, gắn với cán tre dài gần 3m.
Vợ chồng anh Tôn liên tục di chuyển và vợt nhiều vòng giữa bãi cỏ. "Tôm bay" lần lượt rơi vào đáy túi nilon, quẫy mạnh, phát ra tiếng kêu tí tách. Sau khoảng 15 phút, anh đổ châu chấu vào bao lơn để bảo quản.
Sau 2 tiếng vợt bắt "tôm bay", ánh nắng gay gắt khiến mặt anh Tôn đỏ ửng, mồ hôi nhễ nhại. Anh Tôn sau đó vào bóng mát nghỉ ngơi 10 phút để tiếp tục chiến đấu với những chú “tôm bay”.
Chị Lê Thị Huệ (vợ anh Tôn), cho biết: “Thời điểm săn này “tôm bay” hiệu quả nhất là lúc sáng sớm, trời còn sương mù. Người đi săn "tôm bay", thường tận dụng thời gian này để cật lực làm việc hiệu quả tốt nhất. Sau 9h sáng, ánh nắng lên, sương trên lá khô dần thì "tôm bay" ít xuất hiện hơn. Mỗi buổi làm khoảng 5 tiếng, trung bình mỗi người bắt được hơn 2kg “tôm bay”. Những người có sức khỏe tốt sẻ bắt được nhiều hơn”.
Thời điểm này, tại Hà Tĩnh thời tiết nắng nóng kéo dài, sau khi bắt "tôm bay" được người dân bỏ trong túi lưới lớn, để nơi có bóng mát tránh bị nóng chết. Đến khoảng 11h trưa, người săn "tôm bay" thu gom đồ đạc, lái xe máy ra điểm đã hẹn để chờ bạn.
Thời điểm này, "tôm bay" thuộc loại nhỏ. Người dân sau khi khai thác về bỏ vào các túi lớn để bán bán cho thương lái, rồi nhập cho các nhà hàng, quán nhậu hoặc bán lại cho những người nuôi chim tại Hà Nội, Đà Nẵng với giá 180.000-200.000 đồng/kg. Trung bình mỗi buổi "đi săn", mỗi ngày người săn "tôm bay" có thể bỏ túi tiền triệu.
Theo chị Huệ, công việc vất vả, phải dậy sớm đi quãng đường xa. Nhưng công việc này đã giúp gia đình có thu nhập tốt, chăm lo được 2 con ăn học đàng hoàng.
"Tôm bay", là loài côn trùng ăn lá, thuộc bộ cánh thẳng, đầu tròn, thân mập, nhảy giỏi và đặc biệt ăn hại cây xanh; được xem là món ăn đặc sản, nhiều người ưa chuộng.