Năm 2019 trở về trước, xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai, Nghệ An được xác định là một điểm nóng về an ninh trật tự. Đây cũng là một trong 10 địa phương tại Nghệ An thí điểm thực hiện đề án bố trí công an chính quy về xã.
Là xã miền biển, tập quán lao động và sinh hoạt khiến tình trạng sử dụng, lạm dụng rượu bia khá phổ biến. Thời điểm đó không khó bắt gặp cảnh cánh đàn ông nửa tháng đi biển, nửa tháng bù khú say sưa bên chai rượu. Tình hình mất an ninh trật tự, đánh bạc và mâu thuẫn gia đình cũng từ đó mà ra.
"Người dân ở đây về bản chất là tốt nhưng những ngày tháng lênh đênh trên biển, vừa lao động nặng nhọc, vừa buồn nên hay tìm đến rượu, dẫn tới tình trạng lạm dụng rượu bia, ngay cả khi tàu vào bờ. Dẹp vấn nạn rượu, bia sẽ giải quyết được nhiều vấn đề khác", Thiếu tá Nguyễn Đình Châu - Trưởng Công an xã Quỳnh Lập nhận định ngay thời điểm nhận nhiệm vụ.
Bằng công tác tuyên truyền, vận động, huy động sự vào cuộc của cả cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể, đặc biệt là dòng họ, tình trạng rượu, bia bê tha đã từng bước được chấn chỉnh.
"Đặc biệt, chúng tôi kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm, chỉ tính riêng đánh bạc, đã có 60 đối tượng bị khởi tố. Những trường hợp chưa đủ căn cứ xử lý Hình Sự, chúng tôi thông báo trên hệ thống loa truyền thanh, gắn trách nhiệm giáo dục, quản lý của gia đình, dòng họ.
Thông qua trang Fanpage của công an xã, công tác tuyên truyền, phổ biến Pháp Luật được đẩy mạnh và đến được với người dân. Thực tế, nhiều thông tin vụ việc được chúng tôi tiếp nhận từ tin nhắn của người dân qua Fanpage và xử lý kịp thời", Thiếu tá Nguyễn Đình Châu nói.
Câu chuyện công an xã cảm hóa "ma men" vẫn được người dân xã Quỳnh Lập nhắc tới như một sự kiện "chấn động" làng biển này. Sau thời gian dài ngập chìm trong bia rượu, ông Ngô Sơn Hải (SN 1972) bị vợ đuổi ra khỏi nhà, yêu cầu li hôn.
Không công việc, không gia đình, ông Hải lang thang khắp xã, ai cho gì ăn nấy, còn không thì nhịn đói. Một ngày giáp Tết Nguyên đán 2022, thấy người đàn ông này nằm co ro trên ghế đá trong sân ủy ban, Thiếu tá Nguyễn Đình Châu hỏi chuyện. Không giấu giếm, ông Hải kể lại ngọn ngành. "Thế anh có quyết tâm cai rượu không?", Thiếu tá Châu hỏi.
Người đàn ông lưỡng lự một lúc rồi gật đầu. Từ đó, mâm cơm tập thể của công an xã có thêm một chiếc bát, một đôi đũa.
"Thực ra nếu đưa anh Hải vào danh sách đối tượng đưa đi tập trung thì khỏe cho mình và an toàn. Nhưng cái chúng tôi hướng tới là làm thế nào để đưa ông Hải quay về với cuộc sống bình thường, trở về với mái ấm của mình. Cai rượu không phải đơn giản, ngoài quyết tâm của ông Hải còn phải động viên, giám sát từ bên ngoài", Thiếu tá Châu cho biết thêm.
Ngoài nuôi cơm ngày 3 bữa, chính Thiếu tá Châu đi ngoại giao, lo chỗ nghỉ ngơi cho ông Hải. Từ chỗ ngày uống cả chai, dưới sự giám sát của các đồng chí công an, ông Hải giảm dần số lượng rượu, đến nay gần như giảm hẳn, chỉ những lúc vui mới nhấp môi một chút.
Cai rượu rồi, nếu không có việc làm thì khả năng tái nghiện cao, công an xã không thể bao bọc được mãi. Lần này, Ban công an xã lại liên hệ một cơ sở kinh doanh nước đóng chai trên địa bàn để "gửi" ông Hải làm việc. Không có quá nhiều kỳ vọng vào nhân công này nhưng "nể" công an, người chủ đồng ý nhận, trả lương 4,5 triệu đồng/tháng cho ông Hải.
Trung úy Văn Đức Dự - Phó trưởng Công an xã Quỳnh Lập cho biết: "Thực ra, mọi ăn uống, sinh hoạt của ông Hải đang được công an xã "bao". Bởi vậy, sau khi bàn bạc với cơ sở kinh doanh, chúng tôi thống nhất để lại ông Hải một khoản tiền nhỏ đủ để chi tiêu cần thiết cho cá nhân, phần còn lại gửi về cho vợ ông để lo cho con cái.
Cái quan trọng hơn là để "mở" một lối về cho người đàn ông đã từng khiến gia đình thất vọng mà buông tay này".
Trong suốt buổi trò chuyện với tôi, ông Ngô Văn Hải luôn dành lời cảm ơn đến Công an xã Quỳnh Lập, những người mà ông nói "đã tái sinh tôi một lần nữa".
"Trong lúc bất định, buông xuôi, các anh cho tôi ăn, tìm cho tôi chỗ trú mưa, trú nắng, cho tôi hi vọng và quyết tâm để thay đổi chính mình. Tôi vẫn đang cố gắng mỗi ngày để là một người công dân tốt, để trở về với gia đình, làm một người chồng, người cha tốt", ông Hải nói.
Thực ra, hành trình trở về mái ấm của "sâu rượu" Ngô Văn Hải cũng đang khá gian nan khi người vợ không tin ông có thể thay đổi. Các cán bộ, chiến sĩ Ban công an xã ngoài nhiệm vụ chuyên môn bận "tối mắt tối mũi" nhưng vẫn dành thời gian đến nhà vợ ông Hải, tâm tình, khuyên bảo bà cho chồng một cơ hội trở về.
Thượng tá Trần Phúc Tú, trưởng Công an thị xã Hoàng Mai cho biết, là đơn vị đầu tiên thí điểm đưa công an chính quy về xã, lại trên địa bàn tiềm ẩn nhiều phức tạp về an ninh trật tự, tuy nhiên, sau 3 năm, Quỳnh Lập đã trở thành điểm sáng về đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã nội nơi cửa ngõ phía Bắc tỉnh Nghệ An.
"Kết quả này ngoài sự nỗ lực của mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an xã còn là sự phối hợp, tạo điều kiện của Đảng ủy, chính quyền địa phương và sự tin tưởng của quần chúng Nhân dân. Để nhận được sự tin tưởng đó, không thể không gần dân, sát dân, giúp dân mà trường hợp của ông Ngô Văn Hải là một ví dụ sinh động nhất, thực tế nhất. Từ vụ việc này, Công an thị xã cũng đang nhân rộng và phát động xây dựng các mô hình điểm trong toàn công an xã, phường".
Cứ cách một ngày, Trung úy chích Văn Phươn, công an xã Hữu Kiệm, huyện biên giới Kỳ Sơn, Nghệ An lại chạy xe máy, men theo con đường quanh co bám sườn núi, đôi đoạn dốc đứng để vào 3 bản Huồi Thợ, Đỉnh Sơn 1 và Đỉnh Sơn 2. Đây là 3 bản người Khơ Mú - nơi đã từng là điểm nóng của tình trạng mua bán bào thai gây rúng động dư luận vào cuối năm 2018, đầu 2019.
Ngoài nhiệm vụ chuyên môn, Trung úy Phươn được phân công thêm nhiệm vụ phụ trách 3 bản này để nắm bắt thông tin, kịp thời phát hiện và ngăn chặn phụ nữ mang thai rời bản, trốn ra nước ngoài sinh con, bán.
Từ khi rộ lên chuyện bán bào thai, chính quyền, trạm y tế, hội phụ nữ và công an xã đã triển khai nhiều biện pháp tuyên truyền, ngăn chặn. Tuy nhiên, địa bàn rộng, chủ yếu là rừng núi, cốt yếu nhất là nhận thức Pháp Luật còn nhiều hạn chế, tình trạng mua bán bào thai vẫn đang âm ỉ và tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Ngành chức năng ghi nhận có trường hợp cố gắng rời bản để bán đứa con trong bụng lần thứ 2, thậm chí lần thứ 3.
Kiểm soát việc ra, vào bản và những lý do rời bản là biện pháp mang tính hành chính nhưng tỏ ra có hiệu quả, đặc biệt khi được giao cho lực lượng công an chính quy thực hiện. Với sự phối hợp của Trạm y tế và Hội liên hiệp phụ nữ xã, danh sách sản phụ tại 3 bản đã được lập chi tiết, đảm bảo mọi thai phụ đều được theo dõi, quản lý.
Và có lẽ, cũng chẳng có ở đâu như nơi đây, khi mỗi phụ nữ mang thai đều được vận động ký vào bản cam kết "không bán bào thai với bất kỳ lý do gì". Cam kết có cả chữ ký của chồng nhưng cũng không loại trừ vào "một ngày đẹp trời" nào đấy, đặc biệt là thời điểm gần sinh, cả vợ chồng thai phụ lặng lẽ "cắt rừng" rời khỏi bản.
Trung úy Phươn cũng đã từng gặp trường hợp như vậy, khi hai vợ chồng bảo đi vào rẫy và không thấy trở về, dù thai phụ đã quá ngày dự kiến sinh nở.
Trung úy chích Văn Phươn có thể đọc vanh vách bản nào có bao nhiêu người đang mang thai, mang thai ở tháng thứ mấy. "Thời gian tôi vào thăm các chị em còn nhiều hơn thời gian về thăm vợ con. Thậm chí thời gian đầu người ta xì xào, chắc tôi "có gì đó" với các chị em nên mới kỳ công lặn lội ngoài trung tâm xã vào tận đây tuần mấy bận thăm nom", vị Trung úy cười.
Mà có phải vào tay không đâu, mỗi lần vào, đồng lương Trung úy lại hao hụt một chút bởi phải có tấm bánh, gói kẹo, hay chai nước ngọt thì mới dễ bề nói chuyện với người dân. Rồi mỗi lần chị em nào sinh hạ mẹ tròn con vuông, Trung úy Phươn cũng kịp thời có mặt, tay xách nách mang để chúc mừng.
Lúc thai phụ được đưa ra khỏi danh sách theo dõi anh mới có thể thở phào nhẹ nhõm.
"Tuyên truyền nhiều lắm rồi. Vận động, giải thích, thậm chí là cả dọa nữa nhưng phải kiểm tra hàng ngày, rồi phối hợp với ban quản lý bản, công an viên, phụ nữ và các tổ chức đoàn thể khác để giám sát, quản lý thai phụ.
Thực ra, chẳng ai muốn làm việc này đâu, nhưng phải bảo vệ những đứa trẻ ngay cả khi chưa chào đời để các cháu không bị biến thành món hàng, mất đi quê hương bản quán, mất gốc gác tổ tiên chỉ vì lòng tham và sự thiếu hiểu biết của bố mẹ", Trung úy Phươn trải lòng.
Sau hơn 2 năm, tỉnh Nghệ An đã bố trí hơn 2.250 cán bộ, chiến sĩ đảm nhiệm chức danh công an tại 428/428 xã, phường, thị trấn trên địa bàn. Đề án bố trí công an chính quy đảm nhiệm các chức danh công an xã tại Nghệ An đã được cấp ủy, chính quyền và các tầng lớp nhân dân đồng tình, ủng hộ, thống nhất cao và tạo điều kiện trong triển khai. Nhờ gần dân, sát dân, phục vụ Nhân dân, lực lượng công an chính quy ở các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã góp phần làm thay đổi căn bản tình hình an ninh, trật tự ở cơ sở theo hướng ổn định và bình yên hơn.