Khoảng 10 ngày nay, bất chấp mưa lớn, hàng trăm người vẫn miệt mài lật tung từng ngọn cỏ trên đồi Liệt (xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An) để tìm đá đỏ. Ngọn đồi sau hàng chục năm yên ắng, nay lại tấp nập người ra kẻ vào. Tất cả cũng chỉ vì giấc mộng đổi đời nhờ đá đỏ.
Những người "mò kim đáy bể"
6h sáng ngày đầu tháng 10, dưới cơn mưa tầm tã, Lang Văn Học (25 tuổi, trú xã Châu Bình, Quỳ Châu) đã có mặt trên đồi Liệt để đi tìm đá đỏ. Trời vẫn chưa sáng hẳn, chưa đủ để nhìn thấy những viên đá quý nằm dưới mặt đất nhưng dọc đường lên đồi Liệt đã rất đông người.
Lên đến chân đồi, từng nhóm người này bắt đầu tách ra, mỗi người một hướng để tìm vận may cho mình. Mưa mỗi lúc càng thêm nặng hạt, nhưng vẫn không ngăn nổi những đoàn người tiếp tục kéo lên đồi. "Trời càng mưa lớn thì càng đông người. Vì mưa càng nặng hạt thì làm xói đất, lộ ra đá đỏ", Học lý giải.
Người mặc áo mưa kín mít, kẻ thì cầm ô, cúi gập người xuống sát mặt đất để dễ quan sát. Họ dùng tay lật từng ngọn cỏ, lá cây. Lầm lũi giữa những cơn mưa xối xả. Trời mưa nhiều ngày, đất đá trên đồi ướt nhão, thi thoảng chúng tôi lại nghe thấy tiếng kêu thất thanh của những người không may bị trơn trượt, ngã nhào.
Ngọn đồi khá thấp, rộng chưa đến 2ha, nhưng có đến hàng trăm người kéo lên để tìm đá đỏ. Tất cả đều là người dân địa phương đổ xô lên đồi từ khoảng 10 ngày nay, kể từ sau khi đợt mưa lớn bắt đầu.
Đoàn người đi tìm đá đỏ có đủ mọi lứa tuổi. Từ những đứa trẻ mới lên 10 cho đến những cụ già đã hơn 80. Những người này cho hay rừng keo đồi Liệt vừa khai thác năm ngoái. Chủ rừng sau khi chặt keo đã đào luôn cả gốc, rồi xới lại đất để trồng tiếp lứa keo mới. Vì thế, họ cho rằng nhiều khả năng sẽ có đá đỏ cũng bị xới từ dưới đất lên, kèm theo mưa lớn sẽ được lộ ra.
Tuy nhiên, động lực lớn nhất để thôi thúc người dân đổ xô lên đồi là tin đồn nhiều người đã nhặt được đá đỏ trong mấy ngày qua.
"Có người bán được tiền tỉ rồi" - Lang Văn Học nói, đồng thời khoe tấm ảnh những viên đá đỏ còn lưu trong điện thoại. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi chính xác những viên đá này là ai nhặt được, nhặt được khi nào thì Học nói không biết. Học cũng không rõ tấm ảnh này được chụp từ khi nào, ở đâu, chỉ thấy người này gửi cho người kia qua mạng xã hội kèm thông tin "trúng đá đỏ tiền tỉ".
Đi cạnh Học, ông Nguyễn Văn Hải (67 tuổi) cũng gia nhập đoàn quân tìm đá đỏ trên đồi Liệt. Ông Hải quyết định lên đồi tìm vận may sau khi nghe thông tin nhiều người nhặt được đá quý. "Có người bán được 100 triệu, người thì bán được 80 triệu. Ngày nào cũng được cả" - ông Hải nói, mặc dù ông cũng thừa nhận không biết những người đó là ai.
Hình ảnh "đá đỏ tiền tỉ" vừa tìm thấy ở đồi Liệt được lan truyền dù chẳng ai biết thực hư cũng như giá trị viên đá trong hình - Ảnh: NGHI XUÂN
Do họ đào đất trên đồi mang xuống suối để đãi mệt la liệt nhưng vẫn không thấy đá đỏ đâu, nên họ đặt tên đồi là đồi Liệt. Cạnh đó, còn có đồi Triệu, đồi Tỉ là những đồi có nhiều đá đỏ nhất. Đồi nhiều hơn thì gọi đồi Tỉ, ít hơn thì gọi là đồi Triệu.
Ông Kim Văn Duyên
"Không có đâu, tin đồn vậy thôi"
Gặp chúng tôi ngay dưới chân đồi Liệt sau một buổi đi tìm đá đỏ, bà Lang Thị Toán (77 tuổi) cho biết đây đã là ngày thứ bảy bà lên đồi với hy vọng tìm được đá đỏ. Tuy nhiên, cũng như những ngày trước, hôm nay bà Toán vẫn phải về tay không. Xắn quần, chỉ tay vào những vết bầm tím trên đầu gối đã nhăn nheo, bà Toán nói rằng đây là những vết thương do bị trượt ngã sau những ngày đội mưa đi tìm đá đỏ.
Hơn một tuần trước, bà Toán nghe hàng xóm kháo nhau nhiều người nhặt được đá đỏ bán tiền tỉ trên đồi Liệt. Những viên đá đỏ lộ ra sau những trận mưa lớn trút xuống. Thế là bà quyết định lên đồi tìm vận may nhờ đá đỏ. Mỗi ngày sau khi thức giấc, bà Toán ăn vội bát cơm rồi lại mặc áo mưa, chống gậy leo lên đồi Liệt. Đến trưa, bà về nấu cơm, nghỉ ngơi chừng nửa tiếng rồi lại tiếp tục lên đồi, miệt mài tìm kiếm đến tối mịt.
"Cũng mệt lắm. Dầm mưa, cúi gằm mặt cả ngày cũng mỏi lưng. Nhiều hôm không muốn đi nữa, nhưng cứ ngồi ở nhà nhìn lên đồi thấy họ kéo nhau đi mình cũng sốt ruột. Nhỡ đâu họ nhặt được thì sao. Thế là lại đi", bà Toán cười nói. Dù nhiều lần vấp ngã, con cháu cũng can ngăn nhưng bà vẫn không bỏ cuộc.
Mang theo tin đồn nhiều người nhặt được đá đỏ bán tiền tỉ đang thôi thúc người dân đổ xô lên đồi Liệt, chúng tôi đã tìm gặp những nhà buôn đá quý ở Châu Bình. Tuy nhiên những người này đều phủ nhận.
"Không có chuyện đó đâu. Vài năm nay chẳng có ai trúng được viên nào trị giá vài chục triệu, chứ đừng nói đến tiền tỉ. Tin đồn vậy thôi. Ít hôm trước, tôi thấy đông người tôi cũng lên xem. Họ thi thoảng cũng nhặt được, nhưng chỉ là đá không có giá trị hoặc giá trị rất thấp. Hàng trăm người nhặt cả ngày chắc chỉ được vài trăm nghìn đồng", người buôn đá quý tên Đ. nói.
Những người già trẻ đổ xô lên đồi Liệt tìm cơ hội đổi đời - Ảnh: NGHI XUÂN
Ký ức kinh hoàng
Ông Kim Văn Duyên - bí thư Đảng ủy xã Châu Bình - cho biết thông tin người dân trúng đá quý tiền tỉ hay hàng trăm triệu chỉ là tin đồn không có thật.
"Có thể tin đồn do thương lái cố tình tung ra để người dân đổ xô lên đồi tìm, nhỡ có nhặt được thì để thương lái mua. Cũng có thể là cố tình tung tin để lừa bán đá đỏ mua về từ nước ngoài. Đã rất lâu rồi ở đây không còn ai trúng đá quý giá trị lớn", ông Duyên nói và cho rằng trên thực tế đồi Liệt đã bị đào xới rất kỹ trong giai đoạn cơn sốt đá đỏ năm 1991. Cái tên đồi Liệt cũng do dân đi đào đá đỏ đặt.
Cơn sốt đá đỏ ở Châu Bình từng gây rúng động cả nước những năm đầu thập niên 1990. Ngày đó một nhóm kỹ sư từ Hà Nội về đây khoan thăm dò, vô tình phát hiện đá đỏ. Lúc này, người dân Châu Bình mới biết loại đá mà họ vẫn thường bắt gặp lại có giá trị lớn đến như vậy.
Thông tin về loại đá có giá trị cực lớn nhanh chóng lan rộng. Hàng nghìn người tứ xứ, trong đó đa số là giang hồ tứ chiếng đổ xô về Châu Bình, với hy vọng đổi đời. Những ngọn đồi ở Châu Bình chật kín người đào bới, tạo ra khung cảnh hỗn loạn. Đâm chém, cướp bóc xảy ra liên tục. Hàng trăm người đã phải bỏ mạng ở đây.
"Hầu như ngày nào cũng có xe máy chở trong đồi ra, vứt bên quốc lộ 48 chờ người thân lên nhận. Người thì bị đâm chết vì tranh giành lãnh địa, rồi cướp bóc, người thì bị sập hầm. Lần chết nhiều nhất là 76 người do sập hầm ở đồi Tỉ. Còn những lần sập hầm chết vài chục người thì nhiều lắm" - ông Kim Văn Duyên, người thời điểm đó đã là cán bộ xã, nhưng vẫn tranh thủ thời gian lên đồi tìm đá đỏ, kể.
Một nhà buôn đá quý có thâm niên hơn 30 năm nói rằng tin đồn có người vừa trúng đá quý tiền tỉ được kẻ xấu tung ra có chủ đích.
"Họ mua đá đỏ ở châu Phi về với giá rất rẻ. Loại đá này nếu nhìn qua cũng giống với đá đỏ Châu Bình. Những kẻ này mua đá về rồi tung tin đồn người dân trúng đá quý, để họ đổ xô lên đồi tìm kiếm. Chúng sau đó trà trộn vào người dân, giả vờ lên đồi tìm rồi nhặt được đá mang đi lừa những người thu mua đá quý ít kinh nghiệm. Trên thực tế, đá đó là đá mang về từ nước ngoài. Làm nghề này, nếu không tinh thì dễ bị lừa như thế lắm", người đàn ông làm nghề buôn đá quý xin không nêu tên nói.