Nữ sinh dân tộc Thổ Trương Thị Hiền, sinh năm 2004, trú tại xã Hạ Sơn, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An từng được nhiều bạn bè ngưỡng mộ vì thi đại học đạt gần 30 điểm. Cô gái trẻ đăng ký xét tuyển ngành quan hệ công chúng của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn nhưng đã suýt bỏ học vì hoàn cảnh gia đình khó khăn.
Trương Thị Hiền sinh ra trong một gia đình thuần nông nghèo khó. Mẹ ốm đau liên tục, một mình bố phải gánh vác trên vai trách nhiệm gia đình. Vì thế khi biết tin đậu đại học, Hiền đắn đo không dám nhập học vì sợ bố không cáng đáng nổi học phí.
Một thời gian sau khi câu chuyện của nữ sinh dân tộc Thổ được chia sẻ trên mạng xã hội, hiện nay Trương Thị Hiền đã nhập học ngành quan hệ công chúng của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội với mong muốn có tương lai tốt hơn để đỡ đần, phụ giúp gia đình.
Viết tiếp ước mơ vì "học tập là con đường ngắn nhất dẫn đến thành công"
Sợ rằng mình không lo nổi học phí cho con, bố của Hiền từng muốn con gái đi xuất khẩu lao động. Tuy nhiên bạn bè, thầy cô ở Trường THPT Dân tộc nội trú số 2 (Nghệ An) đã động viên Hiền tiếp tục phấn đấu, theo đuổi đam mê nên Hiền mới quyết tâm đi học đại học.
Trương Thị Hiền luôn nhớ đến những lời khích lệ tinh thần của cô Hồ Thị Hợi, giáo viên chủ nhiệm năm lớp 12, rằng: "Mọi khó khăn rồi cũng sẽ qua, con đường học tập và tiếp thu tri thức chính là lựa chọn giúp em trở nên tốt hơn, là con đường ngắn nhất cho em bước tới một tương lai tươi sáng hơn. Cô hy vọng các em đều sẽ trở thành sinh viên của ngôi trường mình mong muốn. Sau này gặp lại, cô muốn nhìn thấy các em đều thành công".
Bản thân nữ sinh cũng rất biết ơn những lời động viên từ cô: "Mình luôn muốn nói lời cảm ơn đến cô vì cô đã luôn bên cạnh và đồng hành cùng mình trong suốt những năm tháng trẻ dại, luôn mỉm cười không muốn học sinh của mình phải lo lắng.
Sự cách biệt thế hệ dù đôi lúc khiến cho sự thấu hiểu trở nên khó khăn một chút nhưng không thể ngăn cách tình yêu thương và tiếng cười, niềm vui của cô trò. Những điều đó đã tiếp thêm động lực cho mình mạnh mẽ mà bước tiếp, khắc sâu những lời cô dạy".
Nhận được nhiều tình yêu thương và sự giúp đỡ
Để viết tiếp ước mơ của mình, Trương Thị Hiền đăng ký hồ sơ cho chính sách miễn giảm học phí của trường.
Về tiền sinh hoạt phí, nữ sinh dân tộc Thổ chia sẻ: "Tiền ăn uống sinh hoạt thì có bố mẹ và các thành viên trong gia đình hỗ trợ mình, một phần khác cũng có hỗ trợ từ bên ngoài, những tấm lòng hảo tâm khi biết về hoàn cảnh của mình. Mình rất biết ơn vì điều đó".
Trương Thị Hiền cảm thấy biết ơn vì đã nhận được sự hỗ trợ từ các nhà hảo tâm (Ảnh: NVCC).
Nữ sinh chia sẻ thêm bản thân sẽ cố gắng phấn đấu giành học bổng để phụ giúp thêm chi phí sinh hoạt cho gia đình.
Trao đổi với Dân trí về việc đi làm để có thêm tiền sinh hoạt, Trương Thị Hiền bộc bạch: "Một thời gian nữa khi việc học vào nề nếp, mình nghĩ là mình sẽ tìm việc làm thêm. Mình sẽ sắp xếp thời gian hợp lý để không ảnh hưởng nhiều đến việc học tập".
Trương Thị Hiền nổi tiếng về việc điểm thi đại học cao "ngất ngưỡng": 29,95 (bao gồm 9,25 điểm ngữ văn, 9,5 điểm lịch sử, 8,75 điểm địa lý và 2,75 điểm ưu tiên) nhưng không thể nhập học vì hoàn cảnh gia đình.
Đối với câu chuyện của Hiền, mạng xã hội cũng đã xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều. Tuy nhiên sau tất cả, em nhận thấy được rằng, trong cuộc sống này còn có rất nhiều người yêu thương mình.
"Câu chuyện của mình nổi tiếng trên mạng cũng không ảnh hưởng gì đến cuộc sống của mình. Với mình, mạng xã hội mang tính hai mặt nên cũng không quá để tâm. Mình rất biết ơn những lời động viên của mọi người nhưng không vì những ý kiến trái chiều mà phiền muộn", Hiền nói.
Trương Thị Hiền (phải) nhận được tình yêu thương, giúp đỡ của nhiều người (Ảnh: NVCC).
Tiếp tục cuộc sống xa gia đình, Trương Thị Hiền bày tỏ: "Đôi lúc mình cũng nhớ nhà nhưng nghĩ đến gia đình mình lại cố gắng nhiều hơn. Mỗi ngày mình đều gọi điện thoại cho gia đình để vơi đi nỗi nhớ".
Hòa nhập với cuộc sống sinh viên
Cuộc sống sau khi nhập học của Hiền có chút thay đổi, Trương Thị Hiền rất thích thú với môi trường đại học mới. Tuy bản thân Hiền cảm thấy không quá khác biệt so với cấp ba nhưng cô cũng cần thời gian để thích nghi hơn.
Trương Thị Hiền nói: "Môi trường học tập có thể nói là thu hút mình, nhiều điều cho bản thân mình khám phá và cảm thấy phải cố gắng hơn nữa. Hiện tại cũng chưa dám nghĩ quá nhiều về tương lai, mình sẽ cố gắng hết sức, hoàn thành tốt chương trình học tập".
Là người dân tộc thiểu số, Hiền chưa bao giờ cảm thấy tự ti và lạc lõng: "Việt Nam vốn dĩ có 54 dân tộc, cũng không có lý do gì khiến mình phải cảm thấy xấu hổ tự ti cả. Mình cũng được giáo dục tốt, đâu thể vì một chút khó khăn mà phải tự ti. Lớp mình cũng khá là đa dạng về dân tộc, mình nghĩ đây là cơ hội tốt để mình được tiếp xúc và giao lưu văn hóa bốn phương".
Nữ sinh dân tộc Thổ không cảm thấy lạc lõng dù là người dân tộc thiểu số (Ảnh: NVCC).
Với tinh thần dũng cảm dám bước ra khỏi vùng an toàn của mình, Trương Thị Hiền mong muốn các em học sinh lứa sau nói riêng và mọi người nói chung sẽ luôn nỗ lực để thành công.
"Hãy dốc toàn lực cho lựa chọn của bản thân, cố gắng để đạt được kết quả tốt nhất có thể trong khả năng của mình. Bản thân mình hy vọng là mình có thể sẽ luôn giữ được niềm tin yêu, hướng về phía trước, không chùn bước", Trương Thị Hiền chia sẻ.