Thực trạng này lặp đi, lặp lại đang khiến không ít hộ dân ở bản Kim Đa, xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An hiện đang phải sống trong cảnh “nơm nớp” lo sợ hiểm nguy có thể đe doạ đến tính mạng của họ bất cứ lúc nào.
Sống bất an bên mỏ đá
Công ty TNHH Hồng Trường được cấp phép khai thác đá tại bản Kim Đa, xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn từ năm 2004. Khu vực mỏ đá của Công ty TNHH Hồng Trường cách nhà dân gần nhất khoảng 200 m.
Vào đầu tháng 4/2022, một vụ nổ mìn ở mỏ đá này đã khiến những hòn đá lớn, nhỏ văng xa gần 400 m. Sau khi nhận được tin báo, UBND xã Phà Đánh đã xuống tại hiện trường phối hợp với cán bộ cùng người dân bản Kim Đa để tìm hiểu sự việc. Đồng thời, hỗ trợ đưa người bị thương đi bệnh viện, vận động người dân yên tâm ở tại nhà, không bỏ đi nơi khác. Qua thống kê của xã Phà Đánh, vụ nổ này có 23 nhà dân bị ảnh hưởng, hư hỏng như: bể tấm fibro xi măng, ngói, gãy đường xà, tấm ván… Vụ việc cũng khiến 2 người bị thương.
Một cán bộ xã Phà Đánh cho biết, sau khi xảy ra vụ việc, địa phương đã yêu cầu công ty, trước mắt phải khắc phục những tổn thất của nhà dân bị ảnh hưởng nhẹ. Còn những nhà bị ảnh hưởng nặng thì doanh nghiệp đã tự thương lượng với chủ nhà để khắc phục trong thời gian sớm nhất. Theo ước tính của UBND xã Phà Đánh, tổng thiệt hại tài sản, hoa màu, vật chất lẫn tinh thần của nhân dân bản Kim Đa do Công ty TNHH Hồng Trường nổ mìn gây ra khoảng 120 triệu đồng.
Tuy nhiên, khi người dân bản Kim Đa chưa hết lo sợ thì hoảng 11h, ngày 14/9/2022, người dân bản Kim Đa giật mình vì nghe tiếng nổ lớn từ mỏ đá của Công ty TNHH Hồng Trường. Ngay lập tức, những hòn đá bay lại xuống nhà dân ở bản Kim Đa.
Ông Cụt Văn Thắng, Trưởng bản Kim Đa cho biết, qua kiểm đếm ban đầu, đã có ít nhất 6 nhà dân bị đá bắn thủng mái. Vẫn còn may, khi mìn nổ, có nhiều người ở trong rẫy không về nhà. Vụ nổ mìn làm đá văng lần này khiến 1 bé gái bị thương. nạn nhân sau đó đã được đưa ra bệnh viện ở thị trấn Mường Xén để thăm khám.
Được biết, Không chỉ bị uy hiếp bởi những vụ nổ mìn, người dân ở đây cũng phải hứng chịu bụi bặm, tiếng ồn từ mỏ đá. Chưa kể, những đợt mưa lớn, đá mịn từ khu vực mỏ đá chảy tràn xuống rẫy của người dân bên cạnh, khiến họ không sản xuất được. Từ nhiều năm nay, trong hầu hết các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân đều phản ánh bức xúc về những tình trạng này.
Bao giờ mới được xử lý dứt điểm?
Liên quan đến vụ nổ vào đầu tháng 4/2022, vào ngày 11/5/2022, ông Thò Bá Rê, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn đã cho biết, huyện đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 85 triệu đồng đối với Công ty TNHH Hồng Trường vì có hành vi vi phạm liên quan đến an toàn khai thác mỏ. Cụ thể, chủ mỏ là Công ty TNHH Hồng Trường đã tiến hành nổ mìn làm hàng chục nhà dân bị hư hỏng và 2 người bị thương.
Quyết định xử phạt dựa trên biên bản do Đoàn kiểm tra liên ngành gồm Sở TN&MT, Sở Xây dựng, Sở Công thương và Sở LĐ, TB&XH. Theo đó, huyện Kỳ Sơn đã quyết định xử phạt 85 triệu đồng vì các hành vi: Vi phạm quy định về thiết kế mỏ; không lắp đặt trạm cân tại nơi vận chuyển khoáng sản nguyên khai ra khỏi mỏ để theo dõi, lưu trữ thông tin liên quan đối với khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp; vi phạm quy chuẩn kỹ thuật an toàn về vật liệu nổ công nghiệp trong sử dụng vật liệu nổ công nghiệp.
Người dân xã Phà Đánh lo sợ tập trung cạnh QL 16 sau vụ nổ mìn của mỏ đá Hồng Trường
Về vụ nổ trưa ngày 14/9/2022, đến ngày 1/10/2022, lãnh đạo UBND huyện Kỳ Sơn cho biết, huyện này vừa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản đối với Công ty TNHH Hồng Trường. Do Công ty này là chủ của mỏ đá đã nổ mìn gây hư hỏng nhà cửa, làm bị thương người dân ở bản Kim Đa, xã Phà Đánh. Cơ quan chức năng cũng đã tiến hành kiểm tra, xác định mỏ đá này có 3 lỗi vi phạm: sử dụng vật liệu nổ không đảm bảo an toàn; phương án khai thác không đúng với thiết kế đã được phê duyệt và không có trạm cân theo quy định.
Lần này, cơ quan chức năng xác định, mỏ đá này đã khai thác không đúng trình tự khai thác, hệ thống khai thác đã xác định trong thiết kế mỏ được phê duyệt; hộ chiếu nổ mìn không phù hợp với thiết kế nổ mìn đã được lập, phê duyệt; vi phạm quy chuẩn kỹ thuật an toàn về vật liệu nổ công nghiệp trong sử dụng vật liệu nổ công nghiệp; sử dụng người chưa được huấn luyện, kiểm tra cấp giấy chứng nhận kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ.
Tình tiết tăng nặng là vi phạm hành chính thuộc trường hợp tái phạm. Còn tình tiết giảm nhẹ là công ty đã tự nguyện khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại; Công ty đã tự nguyện khai báo, tích cực giúp đỡ cơ quan chức năng xử lý vi phạm hành chính.
Mỏ đá của Công ty TNHH Hồng Trường đang trở thành nỗi khiếp sợ của nhiều người dân bản Kim Đa, xã Phà Đánh
Tổng số tiền phạt là 200 triệu đồng. Ngoài ra, công ty này còn bị huyện Kỳ Sơn đình chỉ hoạt động khai thác khoáng sản 3 tháng, đình chỉ hoạt động vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ 3 tháng. Đồng thời, buộc phải khai thác đúng phương pháp khai thác quy định trong giấy phép: đúng hệ thống mở vỉa; đúng trình tự khai thác; đúng hệ thống khai thác; đúng các thông số của hệ thống khai thác, gồm: chiều cao tầng, góc dốc sườn tầng; đổ thải đúng vị trí đã xác định trong thiết kế mỏ/báo cáo kinh tế kỹ thuật được phê duyệt. Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi đối với hành vi vi phạm.
Một cán bộ chính quyền huyện Kỳ Sơn cho biết, lần này, huyện Kỳ Sơn còn bổ sung quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động khoáng sản đối với Công ty TNHH Hồng Trường. Theo đó, mức xử phạt vào tháng 5 đối với mỏ đá này từ 85 triệu đồng. Tuy nhiên, mức phạt cho 3 hành vi đó áp dụng với cá nhân vi phạm. Còn đây là tổ chức, nên theo quy định của Pháp Luật hiện hành, cơ quan chức năng đã có quyết định xử lý bổ sung, nâng mức phạt lên 170 triệu đồng.
Dù hình phạt của cơ quan chức năng đưa ra là vậy nhưng người dân ở xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn vẫn chưa hết lo sợ vì khi hết “án”, Công ty TNHH Hồng Trường có tái diễn những hành vi tiền lệ trong tương lai hay không?