“Đóng thế” dự án 135
Có thể nói rằng, việc lập hồ sơ khống chiếm đoạt tiền nhà nước ngày càng có dấu hiệu gia tăng. Các đối tượng cấu kết nhằm chiếm đoạt tài sản có tổ chức và ngày càng tinh vi, gây khó khăn rất nhiều cho cơ quan chức năng khi tiến hành điều tra. chiêu trò, lập hồ sơ khống nhằm chiếm đoạt tài sản khó phát hiện do tồn tại ở nhiều lĩnh vực, thường có tổ chức và các đối tượng ở đây đều là người có chức vụ, quyền hạn.
Mới đây, nhiều cán bộ xã Nghĩa Xuân, huyện Quỳ Hợp đã bị cáo buộc lập hồ sơ khống xây nhà văn hóa. Để hợp thức hóa các khoản chi trái quy định và che giấu sai phạm, đối tượng đã chỉ đạo cấp dưới lập khống hồ sơ chi hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa của 2 xóm.
Theo đó, Công an huyện Quỳ Hợp vừa ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố 4 bị can về tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo Điều 356, Bộ luật Hình Sự.
Các đối tượng bị khởi tố gồm: Nguyễn Văn Hoạt (SN 1967, trú tại xã Nghĩa Xuân, huyện Quỳ Hợp), Chủ tịch UBND xã Nghĩa Xuân; Trương Văn Chính (SN 1963, trú tại xã Nghĩa Xuân, huyện Quỳ Hợp) nguyên là Chủ tịch UBND xã Nghĩa Xuân giai đoạn 2015 - 2020, nay đã nghỉ hưu; Hoàng Thị Hương Thảo (SN 1975, trú tại xã Nghĩa Xuân, huyện Quỳ Hợp) là Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Phúc Nghệ An, có trụ sở đặt tại nhà riêng ở xã Nghĩa Xuân; Nguyễn Anh Thơ (SN 1953, trú tại thị trấn Quỳ Hợp là thành viên điều hành Công ty CP Tư vấn đầu tư xây dựng Hoàng Phương.
Trước đó, lực lượng Công an phát hiện hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ trong việc triển khai Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa (Chương trình 135) tại xã Nghĩa Xuân.
Kết quả điều tra xác định, vào năm 2018, khi ông Trương Văn Chính (là Chủ tịch UBND xã Nghĩa Xuân), ông Nguyễn Văn Hoạt (là Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Xuân) đã lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình, tiến hành chỉ đạo lập thiết kế, báo cáo kinh tế kỹ thuật đối với 2 dự án thuộc Chương trình 135 gồm: Dự án xây dựng công trình phụ trợ Nhà văn hoá xóm Mó (có tổng mức đầu tư gần 579 triệu đồng) và Dự án xây dựng công trình phụ trợ Nhà văn hoá xóm Đột Tân (có tổng mức đầu tư gần 467 triệu đồng).
Tuy nhiên, trên thực tế, một số hạng mục công trình đã được người dân xóm Mó và xóm Đột Tân đóng góp tiền xây dựng và đưa vào sử dụng từ trước. Vì vậy, các đối tượng đã tiến hành nghiệm thu khống, lập hồ sơ quyết toán khống để rút tiền từ ngân sách Nhà nước đối với 2 dự án trên.
Theo kết quả giám định của cơ quan chức năng thì việc lập khống các hạng mục công trình trong dự án công trình phụ trợ Nhà văn hoá xóm Mó gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền hơn 141 triệu đồng. Còn công trình phụ trợ Nhà văn hoá xóm Đột Tân vẫn đang được cơ quan chức năng giám định thiệt hại.
Cơ quan CSĐT Công an huyện Quỳ Hợp đã thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Văn Hoạt, áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với các bị can Trương Văn Chính, Hoàng Thị Hương Thảo và Nguyễn Anh Thơ; đồng thời tiến hành khám xét nơi ở và nơi làm việc của các bị can trên để thu thập tài liệu, chứng cứ phục vụ điều tra mở rộng chuyên án.
Liên quan đến vụ án này, trước đó, ngày 3/6/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Quỳ Hợp đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam đối với Đinh Hồng Anh (SN 1981, trú tại xã Nghĩa Xuân, huyện Quỳ Hợp), nguyên kế toán UBND xã Nghĩa Xuân, huyện Quỳ Hợp giai đoạn 2013 - 2020 về tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo khoản 2 Điều 356 Bộ luật Hình Sự.
Theo điều tra, từ năm 2014 đến năm 2015, khi triển khai Chương trình 135 tại xã Nghĩa Xuân, Đinh Hồng Anh với vai trò là kế toán, đã tiến hành thu tiền của người dân ở xóm Mó và xóm Đột Tân với lý do là để xây dựng nhà văn hoá xóm. Tuy nhiên, 2 công trình nói trên là dự án được thanh toán từ nguồn vốn 135 của Chính phủ, HĐND xã Nghĩa Tân cũng không có chủ trương thu tiền của người dân. Toàn bộ số tiền 235 triệu đồng thu được của người dân, Đinh Hồng Anh cũng không nộp vào ngân sách Nhà nước mà sử dụng cá nhân.
Xây dựng nhà văn hoá xóm “trên giấy”
Cũng liên quan đến việc lợi dụng làm nhà văn hoá xóm để rút ngân sách, ngày 17/8/2021, Cơ quan Cánh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An đã tống đạt các quyết định và thi hành lệnh bắt, khám xét đối với 4 bị can ở huyện Yên Thành để phục vụ công tác điều tra về tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại khoản 2 Điều 356 Bộ luật Hình Sự.
4 bị can gồm: Nguyễn Mão (SN 1963, trú tại xóm Lý Nhân, xã Hợp Thành), nguyên Chủ tịch UBND xã Hợp Thành; Trương Văn Chung (SN 1973, trú tại xóm Đông Tiến), kế toán trưởng UBND xã Hợp Thành; Nguyễn Công Bằng (SN 1986, trú tại xóm Lý Nhân) là công chức địa chính, xây dựng xã Hợp Thành); Nguyễn Thị Thương (SN 1977, trú tại xóm Phan Xá), là công chức tư pháp kiêm thủ quỹ UBND xã Hợp Thành. Trong số các bị can này, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã thi hành lệnh bắt tạm giam thời hạn 4 tháng đối với bị can Nguyễn Mão và bị can Trương Văn Chung; ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với 2 bị can còn lại.
Theo cơ quan điều tra, vào tháng 6/2021, Công an tỉnh Nghệ An nhận được đơn tố giác từ công dân tố cáo những sai phạm của một số cán bộ UBND xã Hợp Thành trong công tác quản lý tài chính, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước.
Quá trình điều tra, xác minh nội dung tố cáo của công dân, Công an Nghệ An xác định: Trong giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2018, ông Nguyễn Mão (thời điểm đó là Chủ tịch UBND xã Hợp Thành) đã chỉ đạo cấp dưới lấy tiền ngân sách chi trái quy định, số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Để hợp thức hóa các khoản chi trái quy định này và che dấu hành vi sai phạm, cuối năm 2018, ông Nguyễn Mão đã chỉ đạo cấp dưới gồm: Nguyễn Văn Chung, kế toán trưởng UBND xã Hợp Thành; Nguyễn Công Bằng, công chức địa chính, xây dựng xã; Nguyễn Thị Thương, công chức tư pháp kiêm thủ quỹ, lập khống hồ sơ chi hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa xóm Chùa, xã Hợp Thành, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước số tiền 300 triệu đồng. Trên thực tế, nhà văn hóa xóm Chùa đã được UBND xã hỗ trợ xây dựng vào năm 2017, với số tiền 350 triệu đồng.
Sau quá trình điều tra, thu thập tài liệu, chứng cứ, thấy có đủ căn cứ xác định hành vi phạm tội của các đối tượng nên Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can để xử lý theo quy định của Pháp Luật.
Qua các vụ việc trên, khẳng định rằng, hành vi lập hồ sơ khống là hành vi tạo lập hồ sơ giả, hồ sơ không có thật để gây thiệt hại cho Nhà nước, với nhiều mục đích khác nhau. Thực tế cho thấy, các hành vi của cán bộ ở các địa phương trên tuy không gây thiệt hại về vật chất kinh tế cho các đối tượng nhưng ảnh hưởng rất lớn uy tín của ngành, làm ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân với cán bộ, Nhà nước.