Theo phản ánh của người dân thị xã Hoàng Mai (Nghệ An), trong đợt mưa lũ vừa qua, khi tình hình mưa vẫn trong giai đoạn cao điểm, từ ngày 23/9-30/9, hồ Vực Mấu đồng thời xả lũ ồ ạt tới 3 cửa xả.
Đặc biệt, hồ Vực Mấu mở cửa xả lũ thứ 3 vào lúc giữa đêm khiến người dân trở tay không kịp. Chỉ trong thời gian ngắn, nước ngập sâu vào nhà kéo theo đồ đạc, vật dụng của người dân trôi lũ nổi lềnh bềnh. Rau màu thì bị mất trắng, gia cầm chết nhiều, thiệt hại nặng.
Đây không phải lần đầu hồ Vực Mấu bị người dân phản ánh vì chỉ vào một năm trước (9/2021), người dân khu vực Hoàng Mai, Quỳnh Lưu cũng chìm trong “biển nước” do ảnh hưởng từ việc xả lũ của hồ Vực Mấu.
Trao đổi với Báo , ông Nguyễn Đăng Hà, Vụ trưởng Vụ An toàn đập (Tổng cục Thuỷ lợi) cho biết ngay sau khi có thông tin phản ánh của người dân, Bộ NN&PTNT cũng đã yêu cầu phía đơn vị quản lý hồ Vực Mấu báo cáo, giải trình xem việc xả lũ như thế có đúng quy trình vận hành hay không, có ảnh hưởng đến người dân.
Theo ông Hà, quy định vận hành, xả lũ của hồ Vực Mấu, hiện do UBND tỉnh Nghệ An ban hành.
“Đến nay, việc xả lũ như thế nào, mở bao nhiêu cửa đã có quy định rõ, đơn vị vận hành phải tuân thủ và chịu trách nhiệm. Trường hợp quy trình không còn phù hợp, đơn vị vận hành phải đề xuất điều chỉnh, tránh việc xả lũ trong cao điểm khiến lũ chồng lũ”, ông Hà nói.
Thông tin về quy trình vận hành hồ chứa Vực Mấu, ông Võ Sĩ Thắng, Phó giám đốc Công ty TNHH-MTV Thủy lợi Bắc Nghệ An (công ty quản lý Xí nghiệp Thủy lợi Hoàng Mai, đơn vị vận hành hồ) cho biết vào đầu tháng 9, đơn vị nhận được dự báo mưa lớn và tình hình thời tiết trên địa bàn từ cơ quan dự báo. Do đó, từ 23/9, đơn vị đã tăng dần lưu lượng xả lũ.
Từ 23/9 đến ngày 30/9, công ty tiếp tục nhận công điện về tình hình mưa lớn kéo dài và hồ nằm trong vùng mưa.
“Tại thời điểm đó, nước hồ đã dâng lên quá mực nước cho phép nên buộc đơn vị phải xả đi. Vào sáng 30/9, công ty thông báo cho các xã lân cận việc mở cửa xả thứ 3, đồng thời trong buổi sáng này, nhận thấy mưa lũ có nguy cơ lên cao nên công ty cũng đã quyết định xin mở thêm cửa xã tràn thứ 4”, ông Thắng nói và cho biết dù vậy trên thực tế đơn vị chỉ điều tiết xả đến cửa tràn thứ 3.
Khi được hỏi về việc người dân tố đơn vị xã lũ bất ngờ khiến họ trở tay không kịp, gây thiệt hại, ông Thắng khẳng định “việc vận hành được thực hiện đúng quy trình”.
“Trước thời điểm xả lũ, chúng tôi thông báo tới người dân và chính quyền địa phương theo đúng quy định. Chúng tôi cũng đang báo cáo về quy trình với các cơ quan chức năng”, ông Thắng nói.
Theo tìm hiểu của Báo , vào lúc 23h23h ngày 29/9, mực nước hồ của Hồ Vực Mấu đạt +21.01 m. Sau khi đi kiểm tra tại hồ, vào 0h40 phút ngày 30/9 đại diện Xí nghiệp Thủy lợi Hoàng Mai đã gọi điện cho Chủ tịch UBND các xã Tân Thắng, Quỳnh Thắng, Quỳnh Tân, Quỳnh Trang, Quỳnh Vinh để thông báo cho địa phương chuẩn bị mở cửa xã thứ 3. Chỉ 16 phút sau đó, công ty mở thêm cửa xả, với tổng lưu lượng 3 cửa là 494,9 m3/s.
Trao đổi với Báo , Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết thêm hồ thủy lợi Vực Mấu nằm trong vùng trũng nên năm nào cứ mưa lớn khu vực này đều bị ngập lụt. Theo quy định, trách nhiệm vận hành hồ thuộc về UBND tỉnh Nghệ An. Tuy nhiên, để giải quyết tình trạng cứ mưa to là ngập, Bộ NN&PTNT cũng đang phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An nghiên cứu phương án thoát lũ vùng hạ du Hoàng Mai, Quỳnh Lưu. Nếu có kết quả nghiên cứu khả thi, Bộ sẽ đề xuất đưa vào danh mục đầu tư trung hạn trong giai đoạn 2026-2030.