TIN LIÊN QUAN
Tìm thấy nạn nhân mất tích
Theo báo cáo nhanh, đến sáng 30/9, trên địa bàn huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An đã có thiệt hại về người gồm có 2 nạn nhân tử vong do mưa lũ.
Nạn nhân là ông Nguyễn Hữu H. (SN 1983), trú tại xóm Lam Hồng, xã Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương. Vào lúc 3h30 ngày 29/9, ông đi thả lưới đánh cá bị nước cuốn trôi. Sau nhiều giờ tìm kiếm, các lực lượng chức năng đã trục vớt được thi thể và bàn giao cho gia đình mai táng.
Tiếp đó, vào khoảng 4h30 ngày 29/9, anh Bùi Văn Th. (SN 1964) và anh Nguyễn Cảnh Cao (SN 1970), cùng trú tại xóm Mỹ Sơn, xã Thanh Yên, huyện Thanh Chương sử dụng thuyền đi đánh cá.
Trời mưa to, nước lũ dâng cao, hai người chèo thuyền xuống khu vực đồng ruộng thuộc thị trấn Nam Đàn thì bị lật thuyền. Anh Nguyễn Cảnh Cao bơi được vào bờ còn anh Bùi Văn Th. bị mất tích. Phải đến 6h ngày 30/9, thi thể nạn nhân mới được tìm thấy.
Trường mầm non xã Thanh Nho ngập trong biển nước.
Hiện, toàn huyện có 776 nhà bị ngập, 3 điểm trường ở các xã Thanh Ngọc và Thanh Nho ngập sâu, 8 nhà dân phải sạt lở, 1 nhà bị đổ sập, gần 2.114m bờ rào của nhà dân và cơ quan, đơn vị bị sập, hơn 7.004m đường bê tông và 800m kênh mương bị ngập, sạt lở; 234,5ha ngô và rau màu bị ngập, 33ha cây công nghiệp bị thiệt hại, 384ha ao cá bị trôi, hàng nghìn con gia súc, gia cầm bị cuốn trôi...
Trên địa bàn huyện Thanh Chương hiện có 23 xóm bị cô lập (Phong Thịnh: 02; Thanh Nho: 01; Hạnh Lâm: 04; Thanh Mỹ: 03; Thanh Long: 01; Thanh Hà: 05; Thanh Tùng: 02; Thanh Mai: 01; Thanh Lâm: 03; Thanh Phong: 01). Đê phòng lũ đoạn qua nhà máy may, xã Thanh Liên bị tràn.
Nhiều ngôi nhà nước đã vào sâu.
Ông Phan Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Thanh Tùng cho biết, từ tối hôm qua, một số khu dân cư ở xóm 1, xóm 2 đã bị ngập sâu. Sáng nay đã bị chia cắt hoàn toàn. Lực lượng chức năng của xã đang có mặt ở các điểm ngập sâu, sẵn sàng sơ tán dân chạy lũ.
Tại xã Thanh Hà, ông Đặng Hữu Biền, Chủ tịch UBND xã cho biết, nhiều xóm trong xã đã bị cô lập hoàn toàn, người dân muốn di chuyển ra ngoài phải đi bằng nốc, bằng thuyền.
“Hiện các xóm trên ngập sâu trong nước lũ; nước đang dâng cao, cô lập tất cả các tuyến đường. Để di chuyển ra trung tâm thì phải đi bằng nốc, thuyền. Trong đêm qua, các lực lượng như dân quân, công an... trắng đêm túc trực, dọn dẹp cây cối ngã đổ để đảm bảo an toàn cho người dân”, ông Biền cho biết.
Lực lượng chức năng tới giúp người dân di dời tài sản.
Khắc phục hậu quả mưa lũ
Chiều 29/9, ông Nguyễn Văn Thông, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cùng đoàn công tác của tỉnh đi kiểm tra, đôn đốc công tác ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4 gây ra trên địa bàn huyện Thanh Chương.
Ngay trong mưa lũ, cấp ủy, chính quyền, các lực lượng chức năng cùng người dân đã triển khai các giải pháp ứng phó, di dời người, tài sản cho các hộ dân ở vùng ngập lụt. Huyện cũng thành lập các đoàn chỉ đạo, kiểm tra việc khắc phục hậu quả mưa lũ, tăng cường công tác canh trực ở những điểm xung yếu, tổ chức vận hành các hồ đập an toàn.
Cấp ủy, chính quyền giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu các cấp, ngành ở Thanh Chương tiếp tục bám nắm địa bàn, kịp thời triển khai các phương án ứng trực, giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ. Huyện cần phát huy cao nhất các phương án tại chỗ để giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ.
Ở vùng bị chia cắt, cô lập rút chậm thì UBND huyện đã có phương án đảm bảo lương thực, thực phẩm cho bà con.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu huyện Thanh Chương cần tăng cường phương tiện cứu nạn cứu hộ, nhất là xuồng để sơ tán nhân dân, tài sản đến nơi an toàn, hạn chế thấp nhất thiệt hại; Cắt cử lực lượng trực, cắm các biển báo ở nơi xung yếu, vùng không an toàn.