Tôi gặp chị, một người phụ nữ xinh đẹp, trẻ trung nhưng khuôn mặt buồn rười rượi trong một phiên tòa xét xử đường dây mua bán trái phép ma túy xuyên quốc gia, diễn ra tại Nghệ An cuối năm 2021. Theo cáo buộc của viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An, tháng 8/2020, 5 bị cáo đã thực hiện 2 phi vụ mua bán tổng cộng 7,8kg ma túy từ Lào vào Việt Nam qua cửa khẩu ở Nghệ An, rồi mang đi các tỉnh phía Bắc tiêu thụ.
Người phụ nữ đến tòa một mình. Kể từ thời điểm chồng bị bắt đến khi xử án là hơn một năm trời, chị cũng muốn đưa các con đi để bố con được gặp nhau, nhưng một phần vì đường xa, một phần sợ con ám ảnh cả đời về hình ảnh bố bị còng, áp giải đến tòa, chị lại thôi.
"Cháu vẫn tưởng bố đi làm xa...", chị bật khóc.
Chồng bị bắt, thời điểm đó chị đang mang thai bé thứ hai. Chị vượt cạn mà không có chồng bên cạnh, dù bố mẹ hai bên động viên, giúp đỡ nhiều nhưng làm sao bù nổi những hụt hẫng, đau đớn, chống chếnh trong lòng.
Hồi trước có chồng gánh vác gia đình, chị chỉ chăm con. Chồng bị bắt, một mình chị cáng đáng hai con nhỏ, mất trụ cột kinh tế, thiếu thốn trăm bề, rồi áp lực từ dư luận, nhiều lúc chị nghĩ mình như sắp phát điên. Vượt qua cú sốc, chị gắng gượng làm lụng nuôi con.
Chồng có tội với Pháp Luật nhưng trong mắt chị, anh là một người trách nhiệm với gia đình, thương vợ, chiều con. Chị cũng không thể lý giải nổi vì sao anh phải chọn "con đường chết" ấy, trong khi kinh tế gia đình không đến nỗi quá khó khăn, thiếu thốn.
Có thể đây là lần cuối cùng đứa trẻ này được gặp bố (Ảnh minh họa: Hoàng Lam).
Nhiều khi ôm con nhỏ trong tay, nước mắt chị tuôn như mưa. Thương mình, thương con chưa được bố ẵm một lần. Còn cậu con trai đầu nay 8 tuổi, sống tình cảm và rất quấn bố. Suốt thời gian dài không thấy bố về, thằng bé nhiều lần hỏi mẹ. Mỗi lần con hỏi, chị phải nuốt nước mắt vào trong, nói dối con rằng bố đi kiếm tiền ở xa, con ngoan và học thật giỏi, chờ bố về.
Với số ma túy tham gia mua bán đặc biệt lớn, cả 5 bị cáo bị cáo đều phải nhận hình phạt nghiêm khắc nhất của Pháp Luật - tử hình. tử hình, nghĩa là đường về của chồng chị gần như khép lại. Chị không muốn đưa con đến tòa hay đến trại giam thăm chồng vì muốn các con luôn lưu giữ ký ức đẹp về bố. Nhưng việc đó đồng nghĩa, bọn trẻ sẽ không còn cơ hội được gặp lại bố...
"Thằng bé ngoan lắm, ngoài phụ mẹ trông em, cháu rất chăm chỉ học hành để bố vui. Không thấy bố về, cũng không thấy bố gọi điện thoại như trước kia, cháu bảo con sẽ viết thư gửi bố. Đọc thư con viết mà em chỉ biết khóc", người vợ thổn thức.
"Bao giờ bố về? Em Bống đã biết ăn cháo rồi bố ạ. Hôm trước em bị ho, phải vào viện, rồi em bị bỏng nữa. Nhưng giờ thì em khỏe rồi bố ạ. Tháng trước sinh nhật con, tháng này sinh nhật em Bống tròn một tuổi, hai anh em tổ chức chung. Mẹ bảo hôm nào bố về sẽ đưa quà sinh nhật cho cả hai anh em...
Một đứa trẻ cố gắng nhìn bố rõ hơn qua tấm kính cửa phòng xử án (Ảnh minh họa: Hoàng Lam).
... Bố Đi Làm Có Vất Vả Lắm Không? Bố Không Cần Phải Gửi Tiền Về Đâu Bố Nhé. Nếu Gửi Thì Bố Chỉ Cần Gửi Ít Thôi, Để Mẹ Mua Sữa Cho Em Bống. Nhưng Bố Không Cần Phải Gửi Hết Tiền Về Đâu, Bố Để Lại Mà Dùng. Mùa Đông Rồi, Bố Nhớ Mặc Cho Ấm Nhé, Bố Cũng Nhớ Ăn Uống Cho Đầy Đủ, Nhỡ Ốm Không Có Ai Chăm Đâu Bố Ạ.
Con nhớ bố lắm. Khi nào bố mới về? Bố về bố nhớ mua đồ chơi cho con và em Bống nhé... Con yêu bố nhất trên đời. À, vừa rồi con thi được toàn điểm 10 đấy bố ạ.
Thư chưa dài nhưng con dừng bút đây bố ạ. Con mong thư của bố. Con trai của bố".
"Sắp tới chắc em không thường xuyên vào thăm anh ấy được, em viết thư gửi vào có được không chị nhỉ. Em viết thư, rồi gửi cả thư con vào cho anh ấy, chắc anh sẽ vui và có động lực để sống hơn phải không chị? Còn cách nào để chồng em được sống không chị?. Em thương các con quá!", chị níu lấy một cánh tay bên mình, như cầu cứu.
Bao giờ bố sẽ về? Câu hỏi của con trai người tử tù, là thứ ám ảnh mãi, phía sau bản án...
(*Vì lí do bảo mật và để đảm bảo không gây xáo trộn tâm lý với nhân vật, Dân trí xin phép không đưa tên những người trong cuộc. Một vài chi tiết trong bức thư cũng được giấu đi.)