Vay vốn ưu đãi "tậu" thêm trâu bò, nông dân Hà Tĩnh có động lực thoát nghèo Vay vốn ưu đãi "tậu" thêm trâu bò, nông dân Hà Tĩnh có động lực thoát nghèo , Người xứ Nghệ Kiev
Thu Hà Chủ nhật, ngày 01/05/2022
"Nguồn vốn ưu đãi Ngân hàng CSXH đã tiếp sức cho gia đình tôi vượt qua khó khăn. Có vốn đầu tư vào chăn nuôi, từ nay tôi chỉ tập trung chăm sóc đàn gia súc để sớm thu hồi vốn và có tiền trả nợ ngân hàng" - ông Thái Văn Hạnh (thôn Hoa Thắng, xã Kỳ Hoa, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) tâm sự.
Hộ nghèo vay vốn ưu đãi làm ăn
Ông Thái Văn Hạnh là một trong những hộ thoát nghèo từ vốn vay ưu đãi. Năm 2019, ông vay Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) 70 triệu đồng để mua 2 con bò về nuôi. Nhờ ông chịu khó chăn nuôi, chăm sóc, đàn bò phát triển tốt.
Cùng với việc đầu tư chăn nuôi, ông Hạnh còn làm thêm nghề thợ xây, vợ ông làm thêm nghề phụ cũng có đồng ra đồng vào. Khi kinh tế gia đình bớt khó khăn, ông đã hoàn trả vốn cho ngân hàng. Năm 2021, gia đình ông thoát khỏi danh sách hộ nghèo, ông lại tiếp tục vay 40 triệu đồng vốn chương trình hộ cận nghèo của Ngân hàng CSXH, đầu tư mua thêm 7 con trâu, bò. Đến nay, đàn bò đang sinh sản, phát triển tốt. "Tôi tin gia đình tôi sẽ có của ăn của để từ đàn bò này" - ông Hạnh nói.
Nhờ quản lý vốn vay ưu đãi Ngân hàng CSXH chặt chẽ, nợ quá hạn chiếm khoảng 0,05%/tổng dư nợ. Toàn tỉnh Hà Tĩnh có 124/216 xã, phường, thị trấn không có nợ quá hạn, riêng huyện Đức Thọ, thị xã Kỳ Anh không có địa phương nào có nợ quá hạn.
Không chỉ riêng ông Thái Văn Hạnh, hàng trăm nghìn hộ dân, đặc biệt là hộ nghèo, cận nghèo ở Hà Tĩnh đã được Ngân hàng CSXH "tiếp sức", tạo cơ hội phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo… Điển hình như gia đình chị Phan Thị Lý (xã Thạch Bằng, huyện Lộc Hà) từ hộ khó khăn nay đã có kinh tế ổn định. Chị Lý cho biết: "Trước đây, gia đình gặp nhiều khó khăn, thông qua tổ vay vốn - tiết kiệm, vợ chồng tôi đã được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng CSXH. Nhờ vậy, chúng tôi đầu tư chăn nuôi bò và buôn bán gạo, cho nguồn thu khá mỗi năm".
Hay anh Nguyễn Văn Kiên (SN 1988, ở thôn Mỹ Hà, xã Cẩm Mỹ, Cẩm Xuyên), từ 5 năm trước tiếp quản mô hình trang trại mà bố mẹ anh đã gây dựng. Trên cơ sở quy hoạch lại mô hình trồng trọt, chăn nuôi bài bản, anh Kiên "tậu" thêm trâu, bò, lợn, gà, cá kết hợp trồng rừng keo tràm bán nguyên liệu trên diện tích hơn 9ha.
Anh Kiên cho hay: "Vào tháng 11/2021, tôi được Ngân hàng CSXH cho vay 50 triệu đồng với lãi suất ưu đãi theo chương trình giải quyết việc làm. Có thêm nguồn lực, tôi mạnh dạn xây mới chuồng trại để nuôi thêm trâu, bò. Tính ra, doanh thu mỗi năm từ vườn, ao, chuồng được khoảng 300 triệu đồng. Ngoài lợi nhuận về kinh tế, điều tôi phấn khởi là được ngân hàng CSXH tiếp vốn lúc khó khăn nhất để phát triển kinh tế, vững vàng trên chính mảnh đất quê hương".
Thủ tục linh hoạt...
Theo đánh giá của nhiều nông dân ở Hà Tĩnh, vốn vay của Ngân hàng CSXH có lãi suất thấp, thủ tục đơn giản, giải quyết nhanh chóng, nhiều trường hợp có thể thực hiện vay vốn mà không cần thế chấp. Người dân cũng thực hiện trả lãi thông qua Tổ Tiết kiệm và vay vốn (TKVV), góp phần giảm thiểu về thời gian, chi phí đi lại.
Bên cạnh ưu tiên nguồn vốn cho vay, Ngân hàng CSXH luôn cùng với chính quyền cấp xã, đoàn thể thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn hộ vay sử dụng vốn ưu đãi hiệu quả.
Theo báo cáo Ngân hàng CSXH tỉnh Hà Tĩnh, hiện đơn vị có tổng dư nợ đạt 5.395 tỷ đồng, tăng 197,5 tỷ đồng so với đầu năm, với trên 103.000 khách hàng đang thụ hưởng chính sách. Trong đó, vốn vay Ngân hàng CSXH Hà Tĩnh chủ yếu thực hiện theo phương thức ủy thác thông qua các tổ chức chính trị, xã hội với 3.133 Tổ TKVV với 216 điểm giao dịch/216 xã, phường, thị trấn. Ngân hàng CSXH tỉnh Hà Tĩnh đang thực hiện cho vay 16 chương trình như: Cho vay hộ nghèo; hộ cận nghèo; học sinh, sinh viên; cho vay nhà ở xã hội; cho vay giải quyết việc làm; xuất khẩu lao động...