(Dân trí) - Những con cá chép vừa rời tay người thả, lập tức rơi vào lưới bát quái được giăng sẵn. Nếu "lọt" qua lưới bát quái, "phương tiện" tiễn Táo quân chầu trời cũng khó lòng thoát khỏi những cái kích điện.
Trưa ngày 25/1, nhằm ngày 23 Tháng Chạp, sau lễ cúng ở nhà, người dân TP Vinh (Nghệ An) đưa cá chép ra sông, hồ để thả. Theo quan niệm dân gian, cá chép là phương tiện đưa ông Táo lên chầu trời báo cáo một năm qua gia chủ đã làm được những gì.
Người dân cẩn thận mang cá chép ra sông để thả.
Cá chép vàng, loại nhỏ cỡ 3 ngón tay được người dân lựa chọn bởi cá bỏ vừa tô để cúng, màu sắc lại đẹp. Người dân chọn cá khỏe, tỉnh táo để cúng rồi thả xuống sông.
Chị Phùng Thị Hồng Nhung (phường Cửa Nam, TP Vinh, Nghệ An) đưa cậu con trai Phan Đình Khánh ra bến sông Cửa Tiền để cháu trực tiếp thả cá chép tiễn ông Công, ông Táo. "Tôi muốn con hiểu rõ hơn về phong tục thả cá chép tiễn Táo quân trong dịp Tết Nguyên đán. Hai mẹ con cẩn thận bê cả bình thủy tinh đi, thả xong cá thì cầm bình về chứ không cho vào túi bóng, để giảm nguy cơ gây ô nhiễm môi trường", chị Nhung chia sẻ.
Phương tiện tiễn ông Táo vừa xuống nước đã rơi vào lưới bát quái, kích điện
Khác với các năm trước, năm nay, Công ty môi trường đô thị Vinh bố trí 3 thùng rác và cắt cử lực lượng hướng dẫn người dân để rác đúng nơi, tránh tình trạng túi ni lông sau khi thả cá bị vứt bừa bãi trên bờ hay thả luôn xuống nước.
Trong khi người dân thả cá thì thuyền và kích điện đã túc trực sẵn...
Những con cá chép vừa thả xuống nước, đang quanh quẩn trong bờ ngay lập tức trúng luồng điện từ các "kích thủ" và bị bắt trở lại. Theo nhiều người dân, luồng điện nhẹ chỉ đủ làm bất tỉnh trong ít phút, những chú cá này sẽ tiếp tục bị mang ra chợ, bán "quay vòng" cho những gia đình cúng ông Táo vào buổi chiều.
Người dân bất lực đứng nhìn "phương tiện" tiễn Táo quân của nhà mình bị vớt bắt ngay trước mặt. Ông Hoàng Xuân Pho (trú phường Lê Lợi, TP Vinh, Nghệ An) bức xúc: "Thả cá chép để tiễn Táo quân chầu trời là phong tục đẹp của cha ông ta. Thế mà cá vừa rời khỏi tay đã bị kích điện rồi bắt ngay trước mặt, thật không thể chấp nhận được. Mấy năm gần đây cá chép vừa thả là bị kích, bị chăng lưới bát quái bắt lại. Mình góp ý nhẹ nhàng không được, quát cũng không được, có người lấy đá ném để ngăn thuyền vào kích cũng không ăn thua".
Một số người dân cẩn thận nán lại, khỏa nước xua cá bơi ra xa để tránh bị rơi vào lưới bát quái hay bị kích điện bắt trở lại nhưng những nỗ lực ấy không thể cứu những con cá vàng xấu số...
"Kích thủ" lăm lăm bộ đồ nghề trong tay chờ người dân thả cá chép xuống là dí điện vợt ngay.
Không ít người dân mang tro hương, ban thờ... thả thẳng xuống lòng sông.
Những con cá chép "ngộp thở" trong rác thải sau khi được thả xuống. Chị Võ Huyền Thương (phường Hồng Sơn, TP Vinh) chia sẻ: "Các năm trước tôi mua cá chép cúng rồi thả xuống sông tiễn ông Táo chầu trời. Mấy năm nay thấy tình trạng kích điện rồi ô nhiễm nguồn nước, thả cá mà bị bắt lại hay chết vì nguồn nước ô nhiễm thì lại quá tội nên năm nay tôi quyết định cúng cá chép nặn bằng bột nếp. Quan trọng là lòng thành của mình".
https://dantri.com.vn/tet-2022/phuong-tien-ong-tao-chua-kip-ve-troi-da-roi-vao-luoi-bat-quai-kich-dien-20220125140435383.htm