Quá trình điều tra, phóng viên xác định hầu hết các phòng khám Trung Quốc đều có mối liên hệ khá mật thiết với nhau như “gà cùng một mẹ”, có nhiều điểm tương đồng cả hình thức lẫn nội dung hoạt động.
ảnh minh họa
Thực tế, người Việt đứng tên pháp lý trên các phòng khám Trung Quốc (PKTQ) chỉ là bình phong. "Ông chủ" thật sự của các phòng khám này thuộc một nhóm người Trung Quốc. Họ không trực tiếp giải quyết các vụ việc "căng thẳng" mà giao khoán cho quản lý, trợ lý, phiên dịch...
"Vươn vòi" khắp nơi
Cả hai phòng khám Nguyễn Trãi (Q.1, TP.HCM) và đa khoa Thủ Dầu Một (Bình Dương) đều thuộc Công ty TNHH MTV dịch vụ y tế Nguyễn Trãi (Bình Dương). Chủ sở hữu là bà L.B.N., giám đốc là ông T.T.T.. Ông Cường (người Trung Quốc, xưng giám đốc phòng khám Thủ Dầu Một) khẳng định ngoài hai phòng khám trên, ông còn quản lý phòng khám đa khoa AMV (Đồng Nai) cùng rất nhiều phòng khám khác ở TP.HCM.
Bà Hạnh (quê Hải Phòng, trợ lý của ông Cường) cho biết các PKTQ phần lớn đều nằm "trong cùng một hệ thống".
"Chủ tịch hội đồng quản trị ở Trung Quốc, một tháng ông qua Việt Nam vài lần. Mỗi phòng khám đều có một giám đốc nhưng họ chỉ quản lý về doanh thu, còn pháp lý đều do người Việt thực hiện" - bà Hạnh cho biết. Theo bà Hạnh, hiện nay các phòng khám hoạt động rất hiệu quả vì bệnh nhân rất đông.
Bà Hạnh cung cấp danh sách 20 phòng khám của "tập đoàn PKTQ" đang hoạt động. Trong số này có 11 phòng khám ở TP.HCM (đều nằm trong danh sách Sở Y tế báo cáo), 2 phòng khám ở Bình Dương. Ở Đồng Nai, Cần Thơ, Tiền Giang, Kiên Giang, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Ninh, Hải Phòng, mỗi nơi đều có một PKTQ do đơn vị này quản lý.
Lý giải về các thông tin tai tiếng của PKTQ, bà Hạnh khẳng định: "Các thông tin trái chiều do một đội chuyên đi phá đám, bên phòng khám bị mấy vụ đăng tin trên Facebook, người vào bình luận nhiều buộc đơn vị phải tìm người đó nói gỡ bỏ". Bà Hạnh tự tin không sợ bị cơ quan chức năng xử phạt.
Kiểm tra kiểu gì cũng có lỗi. Họ đến kiếm chuyện chỉ bắt được lỗi hồ sơ bệnh án ghi không đầy đủ, cùng lắm chỉ phạt được mấy trăm ngàn đến 1 triệu đồng.
Bà Hạnh (trợ lý giám đốc của một PKTQ)
Bà Hạnh (trợ lý của ông Cường - giám đốc phòng khám đa khoa Thủ Dầu Một, Bình Dương) khẳng định các PKTQ đều cùng một hệ thống do một tổng công ty của người Trung Quốc quản lý - Ảnh: HOÀNG LỘC
Thực tế một đằng, báo cáo một nẻo
"Sau khi kiểm tra lần đầu, có 8 phòng khám tự đóng cửa, chỉ còn 9 phòng khám. Sau khi sở kiểm tra lần 2 đóng cửa thêm 4 phòng. Trong số 5 phòng khám còn hoạt động đến nay có 4 phòng khám được sở điều chỉnh thu hẹp phạm vi hoạt động" - ông Nguyễn Tấn Bỉnh, giám đốc Sở Y tế TP.HCM, khi trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 6 HĐND TP khóa IX ngày 5-12 đã phát biểu như vậy.
Kiểm chứng thông tin giám đốc Sở Y tế TP.HCM trả lời chất vấn trước đại biểu và cử tri, phóng viên báo Báo đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.
Trong 8 PKTQ giám đốc Sở Y tế nói "tự đóng cửa" có 5 phòng khám đang hoạt động bình thường, gồm phòng khám đa khoa Quốc tế (Q.1), Âu Á (Q.6), Baylor (Q.10), Lê Hồng Phong (Q.5) và Y học cổ truyền Cộng Hòa (Q.Tân Bình).
Ngày 4-12, chúng tôi đăng nhập vào trang web của phòng khám đa khoa Quốc tế, thật bất ngờ khi trang này vẫn rất sôi động dù Sở Y tế nói "đóng cửa". Chưa đầy 30 giây vào trang này, chúng tôi bị cuốn vào các khung "chat" lần lượt mở ra giới thiệu "bác sĩ" mời gọi tư vấn các bệnh nam, phụ khoa...
Chúng tôi đặt nghi vấn phòng khám ngừng hoạt động, một "bác sĩ" xưng tên là An trả lời ngay: "Phòng khám đa khoa Quốc tế vẫn luôn hoạt động bình thường".
Tương tự, "bác sĩ" Huỳnh Duy của phòng khám đa khoa Âu Á khẳng định: "Bên tôi vẫn hoạt động hằng ngày, nếu em muốn thăm dò gì cứ lên trực tiếp phòng khám". Và quả thật, khi chúng tôi đến, chứng kiến những phòng khám trên vẫn nhộn nhịp hoạt động.
Một số PKTQ Sở Y tế nói "tự đóng cửa" nhưng thực tế tại các địa chỉ này, phòng khám vẫn tồn tại, chỉ có khác là đã "thay tên đổi họ". Tại địa chỉ 87-89 Thành Thái (Q.10) đang tồn tại cùng lúc hai PKTQ gồm Thành Thái và Elizabeth. Có điều phòng khám Thành Thái Sở Y tế nói "ngưng" thì vẫn hoạt động, trong khi phòng khám Elizabeth sở nói đang hoạt động lại... ngưng.
Tương tự tại số 202 Tô Hiến Thành (Q.10) trước kia là phòng khám Baylor. Hiện tại, khi phòng khám này ngừng hoạt động thì lại xuất hiện phòng khám Royal. Các phòng khám Lê Hồng Phong, Cộng Hòa "vẫn hoạt động bình thường".
Khoa sản bị đình chỉ vẫn nhận phá thai trên 22 tuần
Xác minh báo cáo tạm dừng một số khoa của 4 phòng khám gồm Đại Đông (khoa sản), Hoàn Cầu (khoa ngoại), Âu Á (khoa ngoại và chẩn đoán hình ảnh) và Thăng Long (khoa ngoại, khoa sản), chúng tôi thấy kết quả hoàn toàn trái ngược. Thậm chí các phòng khám còn tư vấn phá thai trên 22 tuần tuổi.
Ngày 5-12, nhân viên tư vấn của phòng khám đa khoa Đại Đông "chat" với một sinh viên hỏi về việc phá thai 20 tuần tuổi. Người tư vấn này liên tục hối thúc bạn sinh viên đến "xử lý" với giá khoảng 10 triệu đồng.
Về việc thông tin khoa sản của phòng khám vừa bị Sở Y tế tạm đình chỉ, người tư vấn này nói: "Thông tin trên là thất thiệt nha em, bên tôi được Bộ Y tế cấp phép hoạt động và vẫn đang làm việc".
Dù cảnh báo "thai quá lớn" (22 tuần) nhưng "bác sĩ" Kiều ở phòng khám đa khoa Thăng Long nói "làm được". Khi bệnh nhân nói khó khăn, sợ không đủ tiền, "bác sĩ" Kiều "chat": "Thai em quá lớn rồi nên có thể mang theo 3-5 triệu đồng, dư mang về. Ngoài ra, chị có thể giúp đăng ký hỗ trợ giảm 300.000 đồng trên tổng chi phí phá thai cho em".
Trước thông tin khoa sản bị tạm đình chỉ, "bác sĩ" Kiều khẳng định: "Có nhiều bệnh nhân cũng bị nhầm, bên chị vẫn hoạt động bình thường, không hoạt động sao chị nhắn tin với em được".
Theo "bác sĩ" Kiều, thông tin tạm đình chỉ khoa sản là của một bệnh viện ngoài Hà Nội và khẳng định: "Bên chị đang làm việc với các báo viết bài không rõ ràng, ảnh hưởng đến danh tiếng của cơ sở hoạt động 20 năm nay...".
Và như vậy, "vòi bạch tuộc" của những PKTQ bất lương vẫn ngo ngoe vươn dài.