(HNMCT) - “Cốc, cốc, cốc!/ Ai gọi đó?/ Tôi là Thỏ/ Nếu là Thỏ/ Cho xem tai/ Cốc, cốc, cốc! / Ai gọi đó?/ Tôi là Nai/ Thật là Nai/ Cho xem gạc...” - những câu thơ mà bao thế hệ mầm non Việt Nam đã thuộc, nhưng rất ít em biết được tên bài thơ là Mời vào, và cha đẻ của những vần thơ tươi vui, gần gũi ấy là nhà văn Võ Quảng. Một phần nguyên nhân có lẽ là mảng văn học thiếu niên cách mạng với hai “tượng đài” Quê nội và Tảng sáng của ông quá nổi bật, khiến phần văn xuôi phần nào “lấn át” phần thơ.
Nhắc đến Võ Quảng là nhắc đến Quê nội với những trang văn chan chứa tình yêu quê hương mà ở đó có Cục và Cù Lao, hai cậu bé nhân vật chính, tuổi nhỏ chí không nhỏ, hăm hở mơ ước đánh giặc và đánh thắng giặc.
Nhà phê bình người Pháp Alice Kahn trong bài giới thiệu tác phẩm Quê nội trên báo Pháp đã so sánh: “Đây là một loại Tom Sowyer của Việt Nam. Đã từ lâu tôi rất thích tác phẩm Tom Sowyer. Nhưng sau khi làm quen với tác phẩm của Võ Quảng, tôi cảm thấy mình thích Cục và Cù Lao hơn... Làm sao người ta có thể quên được quang cảnh những ngọn đèn trôi dọc bờ rào của những người đi học lớp xóa nạn mù chữ trong đêm tối, quên được những con gà trống ở Hòa Phước, con trâu Bĩnh bước giữa ngàn sao...”.
Quê nội và Tảng sáng được cho là hai cuốn tự truyện của chính nhà văn Võ Quảng. Ông sinh năm 1920 tại xã Đại Hòa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam và tham gia cách mạng từ khi 15 tuổi. Cách mạng giúp thế hệ Võ Quảng trưởng thành nhanh. “Tôi được giao nhiều việc trước khi đến với văn học thiếu nhi theo sự mách bảo của trái tim mình” - nhà văn Võ Quảng từng bộc bạch.
Đến với văn học khá muộn, khi đã 37 tuổi, nhưng cả cuộc đời viết của ông chỉ dành cho thiếu nhi. Ông thể hiện tâm nguyện: “Viết cho thiếu nhi là tình yêu và lẽ sống của tôi”, cho nên tất cả gia tài của ông đều dành cho thế hệ măng non với các tác phẩm ở nhiều thể loại như thơ, truyện đồng thoại, tiểu thuyết, kịch bản phim hoạt hình và truyện dịch. Tác phẩm đầu tiên của ông được xuất bản là tập thơ Gà mái hoa (năm 1957), sau đó là hàng loạt tập thơ thiếu nhi, như Thấy cái hoa nở, Nắng sớm, Anh Đom đóm, Măng tre, Quả đỏ, Ánh nắng sớm..., trong đó có nhiều bài thơ được các thế hệ măng non vô cùng yêu thích.
Những bài thơ đẹp tươi, giàu nhạc điệu, dễ nhớ, dễ thuộc về thế giới thiên nhiên của nhà văn Võ Quảng đã khơi gợi trí tưởng tượng và tình yêu thương ở trẻ thơ. Nhà nghiên cứu Phong Lê nhận xét: “Thơ Võ Quảng ít nói điều gì cao xa, to tát, trừu tượng. Ông chỉ nói những chuyện nhỏ nhẹ, bình thường, với giọng vui hóm, ngộ nghĩnh... Nhưng mặc dù vậy, hay chính vì vậy, thơ ông lại rất giàu ý vị giáo dục”. Có lẽ vì thế nên nhiều tác phẩm của ông đã được chọn đưa vào chương trình học trong nhà trường.
Song song với thơ, mảng truyện đồng thoại của nhà văn Võ Quảng cũng hết sức phong phú, như Những chiếc áo ấm, Đêm biểu diễn, Anh Cút lủi, Mèo tắm, Trăng thức, Con đường hẹp, Sáo sậu và đàn trâu, Bài học tốt... Thế giới đồng thoại của Võ Quảng chứa chan tình yêu thiên nhiên với cỏ cây hoa trái muông thú sống quanh ta, ẩn sâu trong đó là triết lý nhân sinh, kinh nghiệm sống. Với ông, “không có chỗ nào gọi là xa xôi, không có vấn đề gì gọi là cao siêu mà truyện đồng thoại không vươn tới được”.
Sống hết mình và viết hết mình cho tuổi thơ, nhà văn Võ Quảng còn có các truyện vừa như Cái thăng, Chỗ cây đa làng, Vượt thác, Kinh tuyến vĩ tuyến, các kịch bản phim hoạt hình như Sơn tinh Thủy tinh, Con 2, và đặc biệt ông là người đầu tiên dịch tác phẩm Don Quixote sang tiếng Việt dưới bút danh Hoàng Huy từ năm 1959.
Nhà văn Võ Quảng là Giám đốc đầu tiên của Nhà xuất bản Kim Đồng, Giám đốc Xưởng phim Hoạt hình Việt Nam, Chủ tịch đầu tiên của Hội đồng Văn học thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam. Năm 2007, ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật.
Nguồn hanoimoi.com.vn
http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Van-hoa/968690/nha-van-cua-thieu-nhi