(HNMCT) - Cuối thế kỷ trước, khi Cơ hội của Chúa ra mắt, lập tức tên tuổi Nguyễn Việt Hà được đóng đinh vào hàng ngũ không nhiều những nhà cách tân tiểu thuyết. Và từ đó đến nay, mỗi lần tác giả này xuất hiện là một lần ấn tượng. 20 năm 10 đầu sách, gồm 2 tập truyện ngắn (Của rơi - 2004, Buổi chiều ngồi hát - 2016), 4 tập tạp văn (Nhà văn thì chơi với ai - 2005, Mặt của đàn ông - 2008, Đàn bà uống rượu - 2010, Con giai phố cổ - 2013) và 4 tiểu thuyết (Cơ hội của Chúa - 1999, Khải huyền muộn - 2003, Ba ngôi của người - 2014, Thị dân tiểu thuyết - 2019).
Tác phẩm của Nguyễn Việt Hà được dịch in trong một số tuyển tập giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài, trong đó Cơ hội của Chúa được dịch in ở Pháp năm 2013.
Có một nghịch lý nhưng xem ra lại thuận lý, đó là trong khi đô thị mọc lên dọc dài dải đất hình chữ S đã hơn một thế kỷ nay thì văn học Việt Nam cơ bản vẫn cứ mãi là văn học về thôn dân. Thảng hoặc ở đâu đó có tác phẩm viết về đô thị thì thường khi vẫn là từ điểm nhìn của thôn dân ngụ cư trông vời cố xứ, và cách kiểu diễn ngôn có từ thời Vũ Trọng Phụng: Nông thôn thì thuần khiết nguyên bản, đô thị thì phồn tạp tha hóa. Cho đến khi Nguyễn Việt Hà xuất hiện thì dòng văn học đề tài đô thị được củng cố và khẳng định sự tồn hiện chính danh của nó, và đô thị được minh giải nhiều điều.
Xuất thân là “con giai phố cổ”, là “một người Hà Nội”, Nguyễn Việt Hà dường như ít khi đi đâu ra ngoài bán kính vài kilômét từ phố Nhà Chung, cứ nhẩn nha dốc cái vốn liếng Hà Nội, cái vốn liếng sách vở cổ kim đông tây cùng khiếu/duyên kể chuyện của mình lên trang sách, để rồi kiến tạo nên độc đáo đặc sắc văn hiệu Nguyễn Việt Hà. Văn xuôi của anh, từ tạp văn đến truyện ngắn đến tiểu thuyết, cứ đầy lên chất Hà Nội, một Hà Nội lắng sâu kết tinh và đa bội rộng dài. Nguyễn Việt Hà trở thành người kể chuyện đầy hứng khởi của/về Hà Nội, trở thành nhà tiểu thuyết của riêng Hà Nội những thập niên đầu thế kỷ XXI.
Đi vào Thị dân tiểu thuyết gặp lại một Nguyễn Việt Hà như vốn là. Vẫn câu chuyện của con phố Nhà Chung Hà Nội, vẫn thế giới nghệ thuật với mê lộ cấu trúc chằng chịt liên văn bản đông tây kim cổ, sắc lẻm hào sảng tiếng cười trào giễu bông phèng, lịch lãm duyên dáng ý giọng lấp lửng tưng tửng, tiểu thuyết tản văn tiểu luận tích hợp bất phân. Tuy nhiên, là một nhà văn chuyên nghiệp, Nguyễn Việt Hà biết cách tự làm mới mình, mang đến cho những bạn đọc trung thành của mình ít nhiều bất ngờ thú vị.
Nhà văn Nguyễn Việt Hà chia sẻ, tiểu thuyết nói cho cùng là câu chuyện của vui buồn. Có lẽ nó được hình thành từ một nỗi đau sâu kín nào đó. Mỗi cuốn tiểu thuyết là một đoạn đời. So với ba cuốn tiểu thuyết trước đó (Cơ hội của Chúa, Khải huyền muộn, Ba ngôi của người) thì Thị dân tiểu thuyết có nhiều khác biệt.
Cụ thể, chủ đề của “bộ ba” kia khá giống nhau, vẫn là đô thị rồi thị dân rồi tuổi trẻ rồi những băn khoăn tôn giáo, có phần tham vọng khái quát tấn kịch của nhân sinh và hơi nặng về độc thoại. Còn ở cuốn tiểu thuyết mới nhất, như nhan đề của nó, chủ đề đích danh được định danh: “Thị dân”, ngả hẳn sang màu sắc thế tục, cách kể lại thiên về đối thoại.
Hai nhân vật chính trong Thị dân tiểu thuyết là “thằng Tĩnh” và “ông Lâm” - những nhân vật có chữ nằm trong mạch chảy thơm và sạch của Hà Nội. Đây có thể xem là nguồn sinh lực chính để giữ cho chất Hà Nội bớt phôi pha. Tuy nhiên, hai đại từ nhân xưng khác nhau được tác giả chủ ý lựa chọn để gọi hai nhân vật chính, khi đặt bên cạnh nhau thì tự chúng đã nói được rất nhiều điều về thị dân Hà Nội hiện thời.
Nguyễn Việt Hà từ chối công thức được mặc định, được đóng khung khi xây dựng nhân vật kẻ sĩ Hà Nội. Anh dựng sinh động sống động nhân vật của riêng anh, những nhân vật như - nó - là: Đa nhân cách, chưa hoàn kết.
Tiến sĩ, nhà phê bình văn học Trần Ngọc Hiếu nhận định: “Những phát hiện của nhà văn Nguyễn Việt Hà về diện mạo của con người thị dân Hà Nội đương đại, với cá nhân tôi, có sức gợi mở cho những suy tư nhân học về bản sắc của thành phố này”.