Nước mắt người lớn
GS toán học Nguyên Tiến Dũng ở ĐH Toulous Pháp vẫn giữ kỷ lục là thí sinh Việt Nam nhỏ tuổi nhất đoạt HCV Olympic toán quốc tế (15 tuổi).
Nhưng ác nghiệt thay, quá khứ huy hoàng cũng như hiện tại vinh quang (ông được Pháp phong tặng GS hạng đặc biệt), cũng không thể khiến ông giải được 50 câu trắc nghiệm toán trong kỳ thi vừa qua trong vòng 90 phút.
Phải mất hơn 120 phút, ông mới "bò qua" 5 câu khó nhất trong số 50 câu này.
Thầy Trần Mạnh Tùng - giáo viên trường THPT Lương Thế Vinh thốt lên: "Tôi đã khóc khi làm đề thi toán". Hết 90 phút, thầy Tùng đành bỏ lại 5 câu mà GS Dũng đã khó nhọc lết qua trong hơn 2 tiếng.
Nhiều chuyên gia toán khác cũng chuyển nghề "bán than tập thể" khi phải nhằn đề Toán mà họ coi là "khó nhất trong lịch sử thi cử PTTH toàn cõi Việt Nam".
Nghĩ đến cảnh hàng triệu thí sinh cắn móng tay, cắn cả bút chì, cắn cả răng và cắn chặt ước mơ đỗ đạt, trước đề thi ấy, tôi không khỏi nhớ về tiền sử học toán bi thảm của mình.
Nhìn thấy chồng quằn quại với mớ cảm xúc hỗn độn ấy, vợ tôi – một người mới tập thiền được 2 buổi - ra lệnh với âm sắc của một thiền sư lâu năm: Anh hãy ngồi kiết già, nhắm mắt và nhịn thở 1 phút, sự thanh thản màu nhiệm sẽ hiện ra.
Sau 1 phút nhịn thở, thiếu ô xy, tuy sự thanh thản chưa đến, nhưng ơn giời, những thông điệp hóc búa sau đề thi toán siêu hóc búa kia, đã dần dần được sáng tỏ. Đó là những thông điệp mà tất cả người Việt nên mừng rỡ dần là vừa? Thật vi diệu.
Bài toán cuộc đời
Tại sao các nhà ra đề thi lão luyện lại ra một cái đề mà có lẽ, chính họ cũng không giải nổi trong vòng 90 phút, nếu không biết trước đám án?
Nếu Quý anh chị/ ông bà/ cô bác muốn biết câu trả lời, tốt nhất hãy nên tự hỏi mình các câu hỏi khác trong xã hội - các "bài toán" ấy thậm chí còn hóc búa hơn cả Bổ đề cơ bản của GS Châu.
Hãy bắt đầu từ những bài toán rất nhỏ.
Tại sao cô giáo mầm non Nguyễn Thị Xuân Mai ở Duy Xuyên, Quảng Nam bị bố học sinh xông vào tra tấn đến thủng cả màng nhĩ? Bài toán trừ về tình người - "tiên học lễ, hậu học văn" đó sẽ ra kết quả thế nào?
Tại sao cả xã hội phẫn nộ tập thể trong một thời gian dài mà vẫn không giải được một bài đoán vỡ lòng về "hotgirl" Bella" - một người mẹ có biểu hiện không bình thường về hành vi, liên tục ngược đãi con ruột một cách man rợ? Chúng ta có đến 17 cơ quan có trách nhiệm bảo vệ trẻ em.
Mọi ngõ ngách trong phố phường chật hẹp của chúng ta căng khẩu hiệu bảo vệ trẻ em rực rỡ.
Nhưng cho đến ngày hôm qua, tất cả mọi hành động "vì tương lai con em chúng ta" trong vụ việc cụ thể này, đều mới chỉ gói gọn trong 2 từ thần thánh "kiến nghị". Phương trình vô cảm và hàm số lòng tin sẽ được giải thế nào?
Tại sao mà ông bí thư huyện ủy Krong Ana và bà trưởng ban tỉnh Đăk Lăk vừa vào nhà nghỉ thăm nhau sau vụ đau bụng đột xuất, mà vợ ông ấy, chồng bà kia đã biết để đi tơi tới hiện trường nhạy cảm? Định lý Pitago (Pythagoras) có chứng minh được mối quan hệ 3 cạnh này?
Định lý cuối của Fermat có góp phần chứng minh được bài toán những cậu bé 3-4 tuổi hình thành nhân cách thế nào khi nhìn tận mắt mẹ mình lột trần tình địch đánh ghen giữa đường?
Phương trình Logarit cũng không thể làm tăng tốc độ tính toán tìm ra giải pháp của cậu bé 10 tuổi khi thấy nhóm côn đồ hành hung dã man bố mình ở trạm BOT Tân Đệ. Cậu chỉ biết van xin trước khi bị xô sang một bên để chúng đánh tiếp bố cậu.
Khi lời giải cho những bài toán nhỏ, còn chưa có đáp số hoàn hảo, thì những bài toán lớn "đánh thức tiềm lực" như bài thơ của Nguyễn Duy trong đề thi Văn PTTH, càng trở nên thách thức.
Sự vi diệu của đề thi
Nhưng thôi, hãy tạm quên những bài toán cuộc đời, để quay lại sự vi diệu của đề thi toán PTTH.
Có lẽ chứng kiến cuộc đua nghẹt thở vào lớp 10, và sắp tới là cuộc đua tốc độ vào lớp 1 - điều rất hiếm xảy ra ở cả tầm nhân loại - nên các nhà ra đề PTTH mới nghĩ ra "sáng kiến" ra đề cực khó.
Khó như vậy mới thui chột tinh thần thi đấu đến sứt đầu mẻ trán, thi đấu bằng mọi giá của phụ huynh.
Khó như vậy mới có thể chuyển đi thông điệp: Đại học không phải là con đường duy nhất để vào đời (dù hiện nay những con đường khác như học nghề cũng gập ghềnh, ổ gà ổ voi chằng chịt).
Khó như vậy mới có thể sàng lọc được những "thiên tài" ngay từ lớp 12, 13. Thử nghĩ xem: Trong hàng triệu thí sinh thi hôm trước, có mấy người trở thành Ngô Bảo Châu, Đàm Thanh Sơn, Nguyễn Tiến Dũng, Lê Tự Quốc Thắng…?
Việc vượt qua các chướng ngại vật (tỉ lệ chọi) ngay từ lớp 1 có thể sẽ giúp cho nhiều nhân tài xuất hiện một cách ồ ạt.
Thông điệp ẩn ý tuyệt vời nhất của đề thi toán năm nay, có lẽ là khiến cho cả xã hội, thêm một lần nữa, quan tâm một cách sôi sục tới "quốc sách hàng đầu".
Một nền giáo dục mà ngay từ lớp 1 đến lớp 10, học sinh và bố mẹ đã không biết cách chạy đua sút đũng quần, thì đấy đâu ra hàng trăm Ngô Bảo Châu, Nguyễn Tiến Dũng mai sau?
Làm sao giáo dục cất cánh được, nếu như toàn dân chẳng ai thèm bàn chuyện giáo dục.
Với riêng tôi, đề thi lần mang lại hai cái lợi: Ngày càng sợ vợ hơn và cương quyết thực hành môn "thiền nhịn thở 1 phút" đều đặn hơn. Tôi xin chính thức kêu gọi những ai chê đề thi toán tơi tả: Hãy tập nhịn thở 1 phút.
Tôi chỉ xin có 1 cảnh báo nhỏ cho những ai đủ kiên nhẫn khi đọc đến dòng này: Đừng cố nhịn thở quá 1 phút. Bởi quá thời gian đó quý vị có thể "đi về nơi xa lắm".
Quý vị sẽ vô cùng tiếc nuối nếu không còn được tiếp tục "quan tâm một cách sôi sục" với nền giáo dục nhiều khát vọng và lắm sáng kiến của chúng ta.