Những nếp nhà sàn nguyên sơ của người Thái tại Kho Mường - Ảnh: Thúy Quỳnh
|
Nơi gần như tách biệt với thế giới bên ngoài ấy có bản người Thái đơn sơ, hệ thống hang động, suối đá kỳ thú mà những ai đến một lần sẽ nhớ mãi.
Chính những khách du lịch bụi nước ngoài phát hiện Kho Mường khi bước chân của họ đã quá quen thuộc với Mai Châu.
Bản Thái nguyên sơ
Sau khi kết thúc chuyến đi Mai Châu, chúng tôi đã quyết định xuôi theo quốc lộ 15A rồi 15C khám phá bản người Thái giữa đại ngàn xứ Thanh.
Tại điểm bản Pà Khà, sau khi được người dân chỉ dẫn, chúng tôi bắt đầu lao xe xuống con đường mới được trải đá dăm vô cùng khó đi bởi có một con dốc đổ xuống thôn (bản) Kho Mường chỉ đủ để một chiếc xe máy đi qua.
Dốc dựng đứng, thẳng tuồn tuột lao từ dốc cao xuống lòng thung lũng. Chỉ cần một chút bất cẩn, thiếu tập trung là cả người và xe lao xuống vực.
Nhìn từ trên cao, Kho Mường hiện ra với vẻ đẹp đơn sơ, bình dị của những xóm nhà sàn nằm sát chân núi.
Đa số lợp mái rơm, mái cọ với chuồng trâu, bò ở dưới, còn người ngủ phía trên như truyền thống từ ngàn đời.
Phía trước các ngôi nhà sàn là những thửa ruộng bậc thang thoai thoải. Bao quanh Kho Mường là những cánh rừng già nguyên sinh hoang sơ như ôm ấp, bảo vệ xóm làng.
Thung lũng Kho Mường là một vùng tương đối bằng phẳng, rộng khoảng 280ha, bà con ở đây có thể cấy lúa hai vụ trong một năm. Chạy dọc thung lũng là con suối cung cấp nguồn nước tự nhiên cho các hộ dân sinh hoạt và trồng trọt.
Bản Kho Mường hiện ra trước mắt chúng tôi với tấm biển cổng “Làng văn hóa thôn Kho Mường” ghi trên ván gỗ, với những hàng cột hai bên cũng bằng gỗ khiên nguyên sơ, mộc mạc.
Điều bất ngờ với chúng tôi là đi đến đâu cũng nhận được những tiếng chào mời, hỏi han chủ động làm quen, rồi giới thiệu, mời vào nhà chơi, cười vui vẻ như đã thân quen từ lâu.
Có lẽ khách từ nơi khác đến đây vẫn như một sự kiện đặc biệt với dân bản. Chúng tôi đã đi nhiều nhưng chưa nơi nào có sự thân thiện và hiếu khách như khi đến Kho Mường.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà sàn đơn sơ của mình, anh Hà Văn Thào, trưởng thôn Kho Mường, cho biết đây là thôn sâu, xa và khó khăn nhất của xã Thành Sơn, huyện Bá Thước, Thanh Hóa và phần lớn người dân nơi đây là dân tộc Thái.
Theo anh Thào, những vị khách du lịch đầu tiên đặt chân đến Kho Mường là mấy anh Tây balô, họ tìm đến đây như một điểm để thay thế Mai Châu vốn quá ồn ã và quen thuộc.
Ông Hà Đình Nếch, chủ một nhà sàn có dịch vụ homestay hiếm hoi ở Kho Mường, cho biết: “Mấy anh Tây balô thường tìm nhà sàn nơi hoang vắng của người Thái để qua đêm. Còn đi thăm thú thì cứ cuốc bộ và chỉ thích tìm những nơi vắng vẻ, nguyên sơ thôi”.
Hang Dơi kỳ bí
Sau thời gian lội con suối mát lạnh, đi xem ao cá, khám phá các xóm nhỏ quanh làng ngắm cảnh, ăn cơm cùng gia chủ, nghỉ qua đêm ở những căn nhà sàn ở Kho Mường để lấy lại sức, sáng hôm sau chúng tôi quyết định tới hang Dơi, nằm cheo leo trên một vách núi ở đoạn cuối con suối mà chúng tôi đã đi qua.
Theo trưởng thôn Hà Văn Thào, có rất ít người lên hang Dơi bởi đường leo lên cũng khá khó khăn.
Từ chiếc cầu khỉ bắc qua suối lên hang, du khách mất khá nhiều sức bởi đường đất, dốc cao. Nhiều đoạn chúng tôi phải dùng dao, gậy để phát quang lối đi mới tiến lên phía trước được. Tuy nhiên, khi đặt chân đến cửa hang, một cảm giác choáng ngợp đối với mọi người.
Vòm hang rộng hàng trăm mét với những khối nhũ đá xanh màu rêu nhô lên như các hòn núi nhỏ. Tất cả những chiếc máy ảnh có ống kính góc rộng cũng đều không thể lấy hết được vòm hang.
Mấy người bạn đi cùng chúng tôi chụp hàng trăm kiểu về vòm hang hùng vĩ này nhưng đều lắc đầu không ưng ý. Xem lại ảnh chẳng ai thấy được vẻ hùng vĩ, rộng lớn của nó như ngoài thực địa khi nhìn bằng mắt. Nhiều người ước ao giờ đây có bộ flycam thì tốt biết mấy.
Đường vào hang rất trơn và có độ dốc lớn. Trong hang có nhiều đoạn ướt do mạch nước ngầm chảy quanh năm.
Những chiếc đèn pin hay đèn flash máy ảnh có khoảng sáng quá nhỏ so với lòng hang rộng lớn. Lờ mờ trong ánh sáng yếu, chúng tôi dần dần nhìn thấy nhiều khối nhũ đá tạo hình đa dạng từ cây, hình người cho đến hình mãnh thú...
Khu hang khô nhũ đá màu xanh rêu, vào đến trong nhũ lại màu vàng bàng bạc lấp lánh bên dòng nước nhỏ chạy phía dưới. Chạm tay xuống dòng nước suối, ai cũng cảm thấy khoan khoái cả người.
Lòng hang có rất nhiều ngõ, ngách nhỏ thông ra các hướng khác nhau. Những nhũ đá mờ mờ ảo ảo hiện ra ngày một nhiều khiến đoàn người càng thêm hưng phấn chinh phục tiếp.
Gần trưa nhưng chúng tôi đều cảm thấy hơi lạnh. Đúng như tên gọi của nó, hang Dơi là nơi trú ngụ của đàn dơi đông đúc.
Nhiều người dân ở đây cho biết khi mùa dơi về cư trú, cứ sáng ra họ thấy một lớp phân dơi dày dưới lòng hang. Khi đàn dơi bay ra khỏi cửa hang sẽ đen kịt, kín một góc trời.
Khoảng 60 nóc nhà sàn bản Thái ở Kho Mường hiện nay mới chỉ có ông Nếch làm dịch vụ du lịch cộng đồng: cho khách ngủ homestay, phục vụ ăn uống và tư vấn du lịch.
Nhà sàn của ông Nếch có thể phục vụ được 64 khách ngủ tập thể qua đêm với giá từ 50.000 - 70.000 đồng/người (khách Việt hoặc khách nước ngoài).
Khách muốn ăn món gà leo núi, lợn cỏ quay hay cá suối đều được gia chủ phục vụ. Đồ ăn tự nhiên, sự phục vụ tận tình và đặc biệt đều là con, cháu trong gia đình chế biến khiến nhiều du khách cảm thấy không khí thân thiện và thích thú.
Tuy nhiên, thỉnh thoảng khách Tây cũng xin ngủ nhờ nhà dân khác trong thôn, bởi họ thích ăn cùng gia chủ và khám phá văn hóa trong cuộc sống đời thường của người Thái hơn là vào các khu nhà chuyên làm dịch vụ.
(Theo Tuổi trẻ)
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/dat-nuoc-con-nguoi/kho-muong-ky-thu-20151001102234716.htm