Phố Hàng Khảm - Phố mất tên trên bản đồ Hà Nội hiện nay
Từng có một “phố thợ khảm”, nằm kề cửa ô Tây Long cửa ngõ thông từ khu Đồn Thuỷ mà người Pháp đã chiếm đóng từ năm 1873 đi sâu vào nơi cư trú của dân bản địa quanh Hồ Gươm và kéo tới tận Cửa Nam tức là toàn bộ 3 đường phố: Tràng Tiền, Hàng Khay và Tràng Thi ngày nay.
Cùng với quá trình các khu phố Pháp hình thành dọc theo con đường được mang tên viên Tổng trú sứ Paul Bert , phường thợ khảm cũng dạt dần về phía phố Hàng Khay rồi cùng phải phân tán đi nhiều nơi mở cửa hàng hay làm thuê vì thân phận không đủ sức trụ lại trên những phố ngày càng trở nên có giá trị nhờ sự mở mang các hoạt động thương mại và ưu thế của cư dân người Âu trên tuyến đuờng quan trọng này.
Phố Hàng Khảm năm 1886
|
Nghề khảm vốn là một nghề khéo nổi tiếng của người Hà Nội. Sử dụng những dụng cụ chuyên nghiệp người thợ chạm sâu vào gỗ những đường nét hay hình thù trang trí hoa lá, chim muông hoặc các tích truyện rồi dùng cưa cắt nhỏ những phiến vỏ ốc hay trai lấp lánh muôn màu sắc rồi khéo léo “khảm” khít vào các nét khắc, tiếp đó mài chuốt liền mặt với thớ gỗ.
Tuy nhiên như một khảo tả của một người Pháp vào năm 1884 (Bonnetain) thì khi người thợ trở thành kẻ làm thuê cho các chủ hiệu thì chất lượng sản phẩm cũng kém dần vì lợi nhuận và không còn các phường hội cổ truyền biết giữ chữ tín với khách.
Phố Thợ Khảm mất hẳn tên gọi trên bản đồ Hà Nội, nghề khảm có xu hướng trở về với các làng nghề cũ của mình (đông nhất là ở làng Thuận Nghĩa, Phú Xuyên , trước kia thuộc Hà Đông)
Nghề thợ khảm
|
Đường bờ sông
Những nhịp cầu rất đặc trưng in trên nền trời giúp chúng ta dễ dàng định vị được con đường được chụp trên tấm ảnh này. Người Pháp gọi chung con đường chạy dọc bờ sông Hồng này là “Quai de Commerce” (Kè Thương mại).
Có thời, nó được gắn với tên một ông Thủ tướng bên chính quốc: “Quai Clémenceau”. Còn dân thì gọi đơn giản là “Đường bờ sông”. Hết thời thuộc địa cho đến nay, đoạn đường trong tấm ảnh mang tên “Trần Nhật Duật”.
Về lịch sử quy hoạch thành phố Hà Nội, đây cũng là một trục đường quan trọng được hình thành sớm nhất.
Đi bộ hay bằng xe tay, người ta có thể đi dọc sông, lên cầu rối quay lại đi tiếp lên Hồ Tây... Đây là thú vui của người Hà Nội đầu thế kỷ trước. Do vậy mà nó là tuyến đường được thiết kế hệ thống chiếu sáng công cộng sớm nhất thành phố. Những cột điện với các cọc sứ cách điện và hàng cột đèn điện trong ảnh cho thấy điều đó.
Từ khu “nhượng địa” mà đạo quân viễn chính Pháp đặt chân làm căn cứ đầu tiên sau những sức ép quân sự đối với triều đình Việt Nam (nay vẫn còn lưu được cái địa danh “Đồn Thuỷ”) khi người Pháp đã được vua Đồng Khánh “cho phép” mở rộng nhượng địa ra toàn bộ không gian của kinh thành xưa năm 1888), cùng với tuyến xâm nhập theo hướng Tây từ Tràng Tiền thọc qua Cửa Nam đến khu trung tâm hành chính đặt ở khu vực Ba Đình ngày nay, tuyến đường được phát triển theo hướng Bắc dọc theo bờ sông đến sát Hồ Tây, rồi vòng theo con đường phân cách với Hồ Trúc Bạch (đường Cổ Ngư) cùng chiếu thẳng vào nơi xây dựng Phủ Toàn quyền, tạo thành một vành đai bao cái không gian lõi của Hà Nội thời Pháp thuộc.
Con đường dọc bờ sông càng quan trọng vì nó tiếp cận với nhiều bến tàu nội địa của nhiều hãng tàu kết nối Hà Nội với toàn bộ các địa bàn trong lưu vực sông Hồng và xa hơn. Khi chiếc cầu mang tên Toàn quyền Doumer hoàn thành, con đường này còn trở thành một tuyến dạo chơi đẹp nhất thành phố nhượng địa này.
Buôn bán gạo trên đường bờ sông
|
Một điều đáng để người “đọc ảnh” nhận thấy là vào thời điểm này, Hà Nội chưa phải là “thành phố quay lưng lại với dòng sông của mình”. Lũ trẻ chạy chơi trên lề đường chỉ cần vài bước là bước xuống sông. Không hề có một mô đất nào cản bước chân và tầm mắt của chúng ra con sông Hồng khi hiền khi dữ.
Chỉ sau những cơn lụt lớn diễn ra vào nửa cuối thập kỷ 20 của thế kỷ trước, chính quyền thực dân mới đầu tư củng cố toàn bộ hệ thống đê điều Bắc Kỳ và xây đoạn đê ngang qua con đường chụp trong ảnh. Con đê ấy tồn tại hơn nửa thế kỷ thì được cải tạo thành con đường vành đai chạy dọc sông Hồng như ngày hôm nay.
Một số địa danh nổi tiếng
Câu ca dao trên hẳn ra đời muộn hơn năm 1888 là thời điểm chính quyền Pháp bắt tay vào quản lý Hà Nội như một thành phố “nhượng địa” và ngày 6/4/1888 đã ký một quyết định thành lập một ngôi chợ mới.
“Metropole” không phải là khách sạn ra đời sớm nhất nhưng chắc chắn là khách sạn có truyền thống lâu bền và tiêu biểu nhất gắn với Hà Nội. Buổi đầu Tây chiếm đóng, một số quán trọ đã xuất hiện tập trung bên Bờ Hồ và dọc phố Paul Bert (nay là phố Tràng Tiền).
Tại ngã sáu, nơi giao nhau của nhiều đường phố: Hàng Than, Quán Thánh, Phan Đình Phùng, Hàng Lược, Hàng Giấy và Hàng Đậu có một công trình xây dựng khá độc đáo, lúc nào cũng đóng cửa kín mít.
Tường của công trình này xây bằng đá hộc, những chấn song sắt và những vòm cửa sổ, cùng cái mái tôn của một toà tháp cao tới 25 mét tính đến chóp, gây cảm giác nặng nề như chốn ngục thất đầy bí ẩn.
Nhưng thực ra đó chỉ là một tháp nước (chateau-d’eau) trong kết cấu của hệ thống cung cấp nước cho đô thị được xây dựng từ cuối thế kỷ XIX. Có lẽ do trục đường huyết mạch từ cầu Doumer (Long Biên) trực chỉ vào khu thành cổ là nơi đóng binh và đầu não bộ máy cai trị của người Pháp, nên người ta quen gọi đây là “tháp nước Hàng Đậu”.
Nếu chọn một công trình kiến trúc nào xưa nhất, lại ít thay đổi nhất của Hà Nội còn lại cho đến nay thì đó chính là Nhà Thờ Lớn Hà Nội.
Nhà Thờ Lớn được khởi công vào năm 1884 và khánh thành kịp vào dịp Lễ Thiên Chúa giáng sinh năm 1887. Kể từ đó cho đến nay, kiến trúc dường như không thay đổi. Xem các tấm hình cách đây đã trên dưới một thế kỷ thì thấy rõ điều ấy. Có chăng là sự thay đổi cảnh quan và con người mà thôi.
Tại Hotel Grand Café đã có những buổi chiếu bóng đầu tiên rồi dần dần mới ra rạp chuyên cinéma. Bộ phim đầu tiên có tên là “Thần Cọp” và được trình chiếu vào 8/1920. Tại phố Nguyễn Xí, có một cái cổng nhỏ đi vào một rạp chiếu phim lấy tên là Palace.
Ban đầu nó chỉ là một vườn thí nghiệm, được trao cho một viên dược sĩ hải quân biệt phái về Sở Nông lâm để nghiên cứu phương thức di thực các loại thảo mộc từ nước ngoài, nhất là từ các thuộc địa châu Phi qua để bổ sung cho các loại cây trồng đô thị và phát triển trồng trọt. Dần dà cùng với các giống cây, ngày một phong phú là một số thú nuôi thích hợp như hươu nai, đặc biệt thu hút người xem là gấu, cọp và voi cùng nhiều loại chim muông nên vườn còn được gọi là Bách Thú.
Nhà sử học Dương Trung Quốc/lophocvuive.com
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/dat-nuoc-con-nguoi/36-pho-phuong-ha-noi-xua-phan-4-20150916104656116.htm