Họa sĩ Mai Trung Thứ trong phòng tranh của mình tại Vanves, Pháp năm 1964
|
Họa sĩ, nhà điện ảnh Mai Trung Thứ sinh tại thôn Do Nha, xã Tân Tiến, huyện An Dương, Hải Phòng. Sau khi tốt nghiệp khóa học đầu tiên của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, ông vào Huế dạy học rồi sang tu nghiệp và định cư tại Pháp. Hơn nửa đời người sống xa Tổ quốc, Mai Trung Thứ luôn nỗ lực hết mình cho sự phát triển của nền văn hóa nghệ thuật tại quê nhà.
Bậc thầy màu sắc của chất liệu tranh lụa Việt Nam đương thời
Là một trong những sinh viên khóa thứ I Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (cùng với các họa sĩ Lê Phổ, Lê Văn Đệ, Nguyễn Phan Chánh, Công Văn Trung và nhà điêu khắc Georges Khánh), Mai Trung Thứ là họa sĩ đầu tiên người Huế thành danh ở Hà Nội - Paris những năm 30. Ông được coi là họa sĩ góp phần quan trọng tạo nên sự phong phú về màu sắc của chất liệu tranh lụa Việt Nam đương thời. Đề tài yêu thích của ông là về phụ nữ, trẻ em và cuộc sống hàng ngày với cái nhìn mang đầy màu sắc dân gian và bản sắc văn hóa truyền thống của Việt Nam. Ông đã đặt vào mảnh lụa những hòa sắc lung linh huyền ảo của chủ nghĩa ấn tượng nhưng lại tránh sa vào thái độ duy lý thẩm mỹ của chủ nghĩa này.
Năm 1936, trong một dịp sang Pháp, Mai Trung Thứ quyết định ở lại sống và hoạt động nghệ thuật tại Paris - kinh đô ánh sáng, nơi hội tụ các danh họa bậc thầy của thế giới lúc đó. Suốt mấy chục năm sống và làm việc tại Paris, ông sáng tác hàng loạt tác phẩm mang đậm hồn cốt dân tộc với đề tài thiếu nữ, trẻ em Việt Nam, khung cảnh quê hương với những mái lá, đền đài... Sau này, trong một bài trả lời phỏng vấn của đài RFI (Pháp), họa sĩ Lê Phổ - người bạn đồng niên đồng khóa của Mai Trung Thứ - đã nói: Người vẽ đẹp nhất ở khóa chúng tôi, đó là họa sĩ Mai Trung Thứ.
Mai Trung Thứ năm 1968
|
Cùng với những họa sĩ khác, Mai Trung Thứ tham gia trưng bày tranh ở nhiều nước trên thế giới như: Italia (Roma 1932, Milan 1934, Naples 1934), Bỉ (Brussels 1936), Mỹ (San Francisco 1937) và ở Pháp – nơi ông định cư sau này. Các tác phẩm của ông trưng bày tại nhiều triển lãm trên thế giới đã góp phần giúp hội họa hiện đại Việt Nam được biết đến nhiều hơn tại phương Tây, cái nôi hình thành các trào lưu nghệ thuật trong lịch sử nhân loại.
Năm 1974, nhận lời mời của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khi đó, lần đầu tiên Mai Trung Thứ về thăm Việt Nam sau 38 năm xa quê hương cùng nhiều văn nghệ sĩ khác. Và đó cũng là lần cuối cùng, năm 1980, ông qua đời đột ngột vì bệnh tim, hưởng thọ 75 tuổi.
Người quay phim Bác Hồ ở Pháp năm 1946
Ngoài những cống hiến cho nền hội họa Việt Nam, Mai Trung Thứ còn có nhiều đóng góp quý báu cho nền Điện ảnh nước nhà. Sống ở Pháp, ông đã tự học kỹ thuật điện ảnh, sắm máy quay phim và tự sản xuất phim. Năm 1945, ông sáng lập Hãng phim Tân Việt ở Paris, chuyên nhận quay phim thuê và dựng phim tài liệu bán cho các rạp chiếu bóng ở Pháp. Bộ phim tài liệu "Sức sống của 25.000 kiều bào ở Pháp" - do chính ông đứng tên hãng sản xuất là Tân Việt và gửi về nước năm 1946 - được trình chiếu rộng rãi ở các rạp tại Hà Nội, làm nức lòng nhân dân Thủ đô.
Đặc biệt, là người quay toàn bộ chuyến đi thăm Pháp 4 tháng của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1946, ông đã tặng cho Nhà nước ta toàn bộ những thước phim tư liệu quý giá đó, ước chừng nửa tạ và trao cho ông Hồng Hà (nguyên Bí thư trung ương Đảng) để đem về nước, kèm theo 11 đĩa nhựa ghi âm các buổi nói chuyện của Hồ Chủ tịch với kiều bào ta tại Pháp. Ông cũng là người đã biên soạn và dựng hoàn chỉnh bộ phim Bác Hồ ở quảng trường Ba Đình, lưu hành ở Paris. Những câu chuyện đó sau này đã được cố nhà báo Hồng Hà kể lại và đăng tải trên báo Công an Nhân dân số Xuân Bính Tuất 2006 với tựa đề “Người quay phim Bác Hồ ở Pháp năm 1946” và số Xuân Kỷ Sửu 2009 với tựa đề “Chuyện chưa kể về những người đi tìm phim về ngày Tuyên bố Độc lập 2/9/1945”.
Trong các bài báo đó, cố nhà báo Hồng Hà kể lại, mùa Hè năm 1974 ông được giao nhiệm vụ sang Pháp sưu tầm tài liệu, hiện vật về 6 năm hoạt động của Hồ Chí Minh ở Pháp. Ông Trường Chinh, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phụ trách Ban nghiên cứu lịch sử Đảng khi đó đã gọi ông đến làm việc và đặc biệt dặn ông trong chuyến đi Pháp lần này để ý tìm kiếm những thước phim quay Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945 ở Quảng trường Ba Đình xem có không, vì trong nước đã tìm khắp nơi nhưng không thấy. Ông Hồng Hà thầm nghĩ “đây là một ý tưởng độc đáo - tìm phim quay về Việt Nam ở Pháp, nhưng đây cũng là một nhiệm vụ khó khăn”.
Tại Pháp, ông Hồng Hà được những người bạn Pháp hết lòng giúp đỡ, tạo điều kiện. Sau nhiều lòng vòng, ông được giới thiệu đến một nghệ sĩ điện ảnh Pháp và người này đã tìm trong kho tư liệu của mình tặng ông hai hộp phim về Đông Dương ngày trước. Mang hai hộp sắt gỉ đựng phim về xưởng phim được các bạn Pháp cho mượn sử dụng, các ông mở xem và vô cùng thất vọng khi một cuốn đã thối rữa, không thể sử dụng. Nhưng thật tuyệt vời, khi cuốn thứ hai chạy được một đoạn, cảnh Quảng trường Ba Đình nắng chói chang và rừng người mang biểu ngữ “Thề độc lập” hiện ra. Và Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất hiện trên lễ đài cao, đọc Tuyên ngôn Độc lập. Nhà báo Hồng Hà kể: “Chúng tôi rớt nước mắt vì sung sướng và cảm động. Những thước phim lịch sử quý giá này ai ngờ lại được tìm thấy giữa Paris!”. Khi xem lại cuốn phim, ông thấy ở cuối phim có chữ ký “Mai Thu”, rất giống chữ ký “Mai Thu” trong những thư trước đây họa sĩ Mai Trung Thứ gửi ông.
Nhà báo Hồng Hà đã tìm đến nhà họa sĩ Mai Trung Thứ ở Paris để tìm hiểu về nguồn gốc của cuốn phim. Họa sĩ Mai Trung Thứ cho ông biết, tháng 9/1945 ông đang ở Paris. Có người Việt Nam từ trong nước sang Pháp mang theo những thước phim quay ngày 2/9/1945 ở Quảng trường Ba Đình, Hà Nội. Ông lấy được, in sao rồi dựng thành bộ phim hoàn chỉnh, ký ở cuối phim Mai Thu, tức Mai Thứ, người sản xuất chứ không phải người quay phim, lưu hành ở Paris và đã có người nào đó giữ được.
Hình ảnh Bác Hồ nói chuyện với các thanh niên dân chủ Pháp tại Paris, 1946
đã được họa sĩ Mai Trung Thứ lưu lại
|
Cũng tại buổi hội ngộ này, với tấm lòng của người con đất Việt dù sống xa quê hương nhưng vẫn đau đáu hướng về đất mẹ, họa sĩ đã nhờ ông Hồng Hà đem về tặng trong nước bộ phim “Bốn tháng thăm Pháp năm 1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, gồm hàng chục hộp phim. Họa sĩ đã kể với ông Hồng Hà những kỷ niệm và ấn tượng khi quay những thước phim về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Pháp năm 1946. Nhà báo Hồng Hà kể: “Ông Mai Trung Thứ cho biết, ông là người đã quay toàn bộ những hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người thăm chính thức nước CH Pháp năm 1946, từ ngày 12/6/1946, khi Người hạ cánh xuống thành phố Biarít, miền Nam nước Pháp, đến ngày 18/9/1946 khi Người rời Pháp trở về nước. Máy quay của ông đã ghi rất nhiều hình ảnh của Bác Hồ trên đất Pháp, những hoạt động ngoại giao chính thức và những cảnh sinh hoạt ngày thường của Người: tiếp các chính khách nước ngoài; gặp gỡ Việt kiều và những bạn bè quốc tế quen biết Người hơn 20 năm trước; đi thăm địa phương, cơ sở kinh tế, văn hoá, di tích lịch sử; đọc sách, xem biểu diễn nghệ thuật; đi dạo trên bãi biển; ngồi chơi trên bãi cỏ trong vườn Bulônhơ; nằm nghỉ trong vườn nhà ông bà Ôbrắc, uỷ viên Cộng hoà Pháp, ở ngoại ô Paris...
Ông Mai Trung Thứ kể chuyện một số sự kiện mà ông đã quay phim được, không bao giờ quên. Ngày 22/6/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đáp máy bay cắm cờ đỏ sao vàng rời thành phố Biarít, hạ cánh sân bay Lơ Buốcgiê của thủ đô Paris. Lúc đó, chính phủ mới của Pháp đã được thành lập do ông G.Biđôn làm Thủ tướng. Sân bay rợp cờ Việt Nam và Pháp. Các quan chức cao cấp Pháp, các tướng lĩnh thuộc các quân chủng Pháp, kiều bào ta, các bạn quốc tế, các phóng viên báo chí ra đón Chủ tịch rất đông. Quân nhạc cử quốc ca Pháp và Việt Nam. Đội quân danh dự Pháp đội mũ đồng, bồng súng chào. Chủ tịch Hồ Chí Minh bước đi trên thảm nhung đỏ, bên cạnh Người là những bộ trưởng Pháp, trong đó có Bộ trưởng Bộ Pháp quốc Hải ngoại, là Bộ 23 năm về trước, đã tung mật thám đi lùng bắt Nguyễn Ái Quốc ở Paris mà không được. Mọi người Việt Nam có mặt tại sân bay được thấy cảnh tượng đó rất đỗi tự hào.”
Trong những ngày tháng đó, rất nhiều kiều bào khắp nước Pháp đến chào Chủ tịch với những tình cảm dạt dào. Đáng nhớ nhất là những buổi Chủ tịch gặp gỡ, nói chuyện với Việt kiều. Người nói chuyện với bà con, thông báo tình hình trong nước, căn dặn bà con đoàn kết, hướng về Tổ quốc và mỗi người cố học lấy một nghề. Ông Mai Trung Thứ đã quay phim các buổi mít tinh đó và đã ghi được tiếng nói của Chủ tịch vào 11 chiếc đĩa nhựa…
Lễ tiễn Chủ tịch Hồ Chí Minh diễn ra tại cảng Tulông, bên bờ Địa Trung Hải. Chiếc chiến hạm Đuymông Đuyêcvin đậu ở bến đã sẵn sàng đưa Chủ tịch về nước. Cùng về với Chủ tịch, có một số trí thức Việt kiều tự nguyện về Việt Nam góp phần xây dựng đất nước, trong đó có giáo sư Trần Đại Nghĩa, bác sĩ Trần Hữu Tước… Ông Mai Trung Thứ quay cảnh tiễn đưa đầy tình lưu luyến…
Ông Hồng Hà rời Paris về nước bằng đường xe lửa, qua Moscow và Bắc Kinh. Những hộp phim của ông Mai Trung Thứ tặng được đóng trong hai hòm sắt nặng, riêng bộ phim ngày 2/9/1945 ông luôn giữ bên người rất cẩn thận… Đúng dịp kỷ niệm lần thứ 30 nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 2/9/1975, nhân dân Hà Nội và Sài Gòn xem phim “Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh” và lần đầu tiên được thấy trong phim Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng trên lễ đài giữa Quảng trường Ba Đình đọc Tuyên ngôn Độc lập.
***
Trong những ngày cả nước kỷ niệm 70 năm Quốc khánh 2/9, xem những thước phim tư liệu về ngày lễ trọng đại này cùng với những bộ phim tài liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta lại tưởng nhớ, tri ân những người đã đóng góp xây dựng, ghi lại những hình ảnh quý giá về bước ngoặt của lịch sử của dân tộc. Họa sĩ kiều bào Mai Trung Thứ là một trong số đó.
Như một nén tâm nhang tưởng nhớ tới người nghệ sĩ tài hoa Mai Trung Thứ, và cũng là mong mỏi thiết tha của con cháu dòng họ Mai tại Hải Phòng, mong rằng Đảng, Nhà nước sẽ có những vinh danh xứng đáng hơn nữa với sự đóng góp của ông cho nền hội họa và điện ảnh nước nhà.
Hương Nhiên (tổng hợp)
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/nguoi-viet-o-nuoc-ngoai/hoa-si-mai-trung-thu-voi-nhung-thuoc-phim-ve-ngay-le-doc-lap-va-bac-ho-tai-phap-nam-1946-20150901183259163.htm