Mỗi dịp đến rằm tháng bảy, những người con đi xa lại rộn rịp, náo nức trên những chuyến xe trở về quê hương; dù chỉ gặp nhau trong một ngày lễ cổ truyền, nhưng tinh thần ấy cũng tạo ra không khí về nguồn vô cùng đầm ấm.
Chợ quê, từ ngày 10 tháng 7 âm lịch trở đi, không khí đón rằm đã nóng lên từng ngày. Hàng mã bày bán la liệt các loại giấy tờ ngũ sắc, “áo quần”, "vàng bạc", hương đèn…phục vụ cho việc cúng rằm. Nhà nào làm rằm cũng phải sắm sửa hàng mã để đốt tiễn ông bà khi quy hồi tại xứ, theo phong tục ngàn xưa. Phiên chợ ngày 14 là tưng bừng nhất, hàng mã, hàng hoa, hàng rau quả, hàng nếp, hàng thịt tấp nập người mua, kẻ bán. Bây giờ ở quê, ngày rằm nhiều nhà cũng gói bánh chưng, sì sục nấu cả đêm, nên chợ quê nhiều nơi còn có thêm hàng lá dong như ngày tết.
Trước rằm, thường là chiều 14, anh em trong các gia đình, họ tộc đến nghĩa trang thắp hương cho người đã mất, “mời” người thân về gia đường sum họp.Trước đây công việc này chỉ có đàn ông, con trai mới được tham gia, ngày nay thì không kể trai hay gái, mọi người đều được đi nghĩa trang, vừa để tu sửa mộ phần, vừa để ghi nhớ vị trí nơi người thân nằm xuống… Ở nghĩa trang, những ngày này, tấp nập ô tô, xe máy vào ra, hương trầm thoang thoảng giao hòa không khí đất trời.
Chuẩn bị đón rằm, bên cạnh việc mua sắm thực phẩm, nhà nào cũng lo sửa sang, bài trí bàn thờ, bày mâm ngũ quả... Tùy vào phong tục, tín ngưỡng của mỗi vùng quê mà mỗi nơi có những lễ cúng khác nhau. Tết Trung Nguyên, nhìn chung, mọi nhà thường cúng thổ công, đức phật, gia tiên và cô hồn lưu lạc. Ngày xưa, mỗi dịp rằm về, các nhà chung nhau mổ lợn, xay nếp thật nhiều. Các mẹ chăm lo từng sọt giá đậu, cho cây mập trắng, nở bung vào đúng sáng 15… Ngày nay, rằm tháng bảy, cái “ăn” không còn đặt nặng như xưa, nhưng mọi người vẫn chuẩn bị chu tất cái “lễ” bằng cả tấm lòng thành kính, theo hướng bảo tồn, gìn giữ, phát huy văn hóa truyền thống của ông cha
Mâm cỗ ngày rằm là mâm cỗ mặn với đầy đủ các món xào nấu, nhưng không thể thiếu “xôi hông, gà luộc”, gia đình phật giáo còn phải có thêm mâm cỗ chay để cúng đức phật. Theo tín ngưỡng dân gian, rằm tháng bảy là ngày xá tội vong nhân, những hồn ma, ác quỷ ở địa ngục được giải thoát về với dương gian, do đó trong mâm cỗ ngày rằm còn có thêm gạo, muối, hạt nổ, cháo hoa... để ban phát cho những cô hồn lưu lạc, không nơi nương tựa.
Cúng rằm là một nghi lễ quan trọng trong ngày rằm tháng bảy. Mọi gia đình đều cúng thần - phật trước, nếu không phải gia đình phật giáo thì cúng thổ công trước, rồi mới đến cúng gia tiên. Sau khi chuẩn bị mâm cỗ tươm tất, bàn soạn chu đáo, con cháu nội ngoại tập trung chỉnh tề tại gia đường, nghe đọc văn tế, tưởng nhớ tiền nhân, thắp hương vái lạy thần, phật, tổ tiên, cầu mong sức khỏe bình an, mọi điều may mắn.
Mỗi dịp cúng lễ, trong lúc chờ hương tàn, đốt vàng mã, mọi người lại quây quần, giao lưu, trao đổi về nguồn gốc, vai vế họ hàng, huyết thống, thăm hỏi sức khỏe, công việc làm ăn, học hành của con cháu gần xa. Lễ xong, mọi người phá cỗ ăn mừng, rượu bia chúc tụng.
Rằm tháng bảy là ngày lễ biểu hiện đa sắc màu văn hoá: tết Trung Nguyên của người Hán (quan niệm của Đạo giáo, Nho giáo), lễ Vu Lan của đạo phật (sự tích Mục Kiền Liên xả thân cứu mẹ) và ngày rằm của người Việt; tất cả kết hợp hài hoà trong văn hoá Việt Nam, tạo nên một ngày rằm giàu ý nghĩa, đậm đà bản sắc Á đông .
Rằm tháng bảy là ngày chúng ta hướng về cội nguồn bằng tình cảm thiêng liêng đối với gia đình, dòng tộc, quê hương, lễ tạ công đức sinh thành dưỡng dục của tiền nhân, là nét đẹp trong văn hoá truyền thống Việt Nam, thể hiện tinh thần đạo hiếu, nhân văn sâu sắc. Ngày rằm đã đi vào tâm thức của người Việt từ thuở xa xưa: “cả năm được rằm tháng bảy, cả thảy được rằm tháng giêng”. Để rồi những lúc đi xa, lòng lại bâng khuâng “bao giờ cho tới mùa thu/ Trái hồng trái bưởi đánh đu giữa rằm”.
(An Nam) - Nghệ An
|