Người dân quê miền Tây Nam bộ xưa nay vẫn hay thích trồng vài ba dây dưa leo phía sau vườn nhà.
Đây là loại hoa màu cho trái xanh non mà người ta thường ăn sống kèm với các thứ thịt luộc, chiên, hay nướng. Dưa leo dễ trồng, hễ sa mưa, bới đất cạnh bờ rào, mé ao, bỏ chút phân rơm mục rồi rải hột… chừng hai tháng là có dưa ăn. Dưa cho trái sai, cứ để ngoài dây, hái ăn dần. Khi ăn không hết, dưa già da chúng sẽ ngả màu vàng nâu, hoặc có những trái dưa bị đèo (ốm, nhỏ):
"Dưa leo mắc nắng dưa đắng lại đèo
Thương phận nhà nghèo làm mắm ăn lâu!"
Dưa mắm
|
Như lời câu ca dao vừa dẫn, người ta sẽ không hái bỏ những thứ tưởng chừng như đã hết giá trị này mà họ sẽ tận dụng chúng để làm dưa mắm.
Dưa leo hái về để nguyên trái, rửa sạch, xếp ra rổ phơi cho ráo nước. Sau đó, xếp dưa vào hũ, khạp sành. Cứ mỗi lớp dưa là một lớp muối hột, sau cho lớp trên cùng cũng là lớp muối. Đậy kín nắp lại để ở nhà bếp. Chừng hơn tháng sau, dưa sẽ xèo dần và thấm muối. Trái dưa bắt đầu chuyển sang màu vàng thẫm. Lúc này, người ta có thể đem dưa mắm ra rửa sạch rồi xắt lát mỏng để làm thức ăn. Dưa mắm xắt xong bóp qua nước lã cho bớt đi vị mặn, thêm ít đường, bột ngọt, nước cốt chanh, ớt xắt lát, rau thơm cho vào. Tất cả trộn chung cho đều, chờ gia vị thấm là được. Thường thì, người bình dân nấu cơm nóng, nấu canh rau với cá, cua đồng. Có đồ mặn như cá kho, thịt kho thì tốt, không thì dĩa dưa mắm trộn cũng no lòng.
Sang hơn, người ta có thêm miếng thịt ba rọi luộc chín, xắt thành miếng mỏng để trộn thêm vào dĩa dưa mắm. Thịt ngọt, ngon kèm thêm vị mặn, cay nồng và thơm lựng của rau mùi làm cho người ăn ngon miệng.
Bữa cơm nhà quê giản dị mà đậm đà là vậy. Xem ra, do xem trọng yếu tố tận dụng cùng với trí thông minh và sự sáng tạo, người lao động đã góp phần nâng cao đời sống cho chính họ. Trong những nét đẹp ấy, có nét chân chất của văn hóa ẩm thực chốn đồng quê.
(Theo Dân Việt)
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/ban-sac-van-hoa/dua-mam-dong-que-20150813151458117.htm