Một lầm tâm sự với giáo sư Hoàng Trọng Phiến, tôi giật mình như không con tin ở tai mình, phải hỏi lại một lần nữa. Đó là một sự thật, thật mà cứ ngỡ như đùa. Nhưng lại là thật một trăm phần trăm. Giáo sư Lê Đình Kỵ đã từng là thầy dạy của giáo sư Hoàng Trọng Phiến khi giáo sư Hoàng còn là cậu học sinh phổ thông học ở trường Đà Nẵng.
Vậy mà suốt bao nhiêu năm tôi không hề biết điều đó. Mặc dù, khi giáo sư Lê Đình Kỵ đang còn công tác ở khoa Ngữ Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội, tôi đã từng sống ngay bên cạnh ông. Chúng tôi ở phòng tập thể trên gác 4, còn giáo sư Lê Đình Kỵ ở ngay gác 3 nhà C1. Có một vài cuốn sách in nhầm cho rằng giáo sư Lê Đình Kỵ sống ở gác 2. Nhưng toàn bộ gác 2 khi đó là thư viện của khoa Ngữ Văn ( thời đó thư viện chưa nhập lại chung như sau này) chứ không phải là nơi ở của cán bộ.
Giáo sư Lê Đình Kỵ là người Quảng Nam, một vùng đất gian khổ nhưng giàu truyền thống cách mạng. Ông tham gia hoạt động phong trào rất sớm, ngay từ những năm đầu của nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân. Từ một vị chủ tịch xã, đến một vị chỉ huy Quân báo rồi trở thành một giáo sư, Nhà giáo Nhân dân, ông đã đi một chặng đường dài đóng góp phần không nhỏ cho sự nghiệp chung của đất nước trên nhiều lĩnh vực. Trong đó lĩnh vực ông gắn bó nhiều nhất và tâm huyết nhất chính là lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu khoa học. Ngay từ những năm đầu của thập kỷ 60 thế kỷ XX, ông đã cho trình làng một công trình gây không ít tranh luận, thậm chí bị phê phán khá mạnh là công trình " Phương pháp nghệ thuật". Chỉ ít năm sau, ông lại cho xuất bản liên tiếp hai cuốn sách nổi tiếng là "Đường vào thơ" (1969), "Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực" ( 1970). Mạch nghiên cứu của ông tiếp tục phát triển theo hướng ngày càng đi sâu vào các tác giả hiện đại. để sau đó lại tiếp tục cho ra đời các công trình gây không ít tiếng vang như: ""Sáng mắt sáng lòng" (1978), "Thơ Tố Hữu" ( 1979)," Thơ với Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Hoài Thanh" (1988), "Vấn đề chủ nghĩa hiện thực trong văn học Việt Nam hiện đại" (1998).
Có thể nói rằng, con đường nghiên cứu của giáo sư Lê Đình Kỵ không hoàn toàn suôn sẻ. Bởi ông là người có cái nhìn sắc sảo đối với học thuật, đồng thời dám nêu những luận điểm có tính cá nhân. Ở góc độ này, ông vẫn mang phẩm chất là một người lính, dám " xông pha giữa trận tiền". Cho dù, trong bối cảnh lịch sử còn khá ngặt nghèo, nhưng năm 1962, ông vẫn mạnh dạn phát biểu những quan điểm học thuật mà mình tâm đắc trong cuốn " Phương pháp nghệ thuật". Lúc đó, như ta đều biết, vấn đề "Nhân văn giai phẩm" vẫn còn chưa nguôi tắt trên ngọn lửa văn đàn. Vậy mà ông đã thoát ly khỏi cái quan niệm nặng nề của "giai cấp luận" và chấp nhận những đòn công kích khá quyết liệt từ nhiều hướng, mà tựu chung vẫn từ quan điểm lập trường giai cấp trong phê bình văn học và lý giải các hiện tượng văn chương.
Cứ theo lời ông kể lại thì dạo đó, ông được người ta "nương tay" vì ông thuộc diện cán bộ miền Nam tập kết. Trong thời điểm vô cùng nhạy cảm của cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà lúc đó, nếu các cây bút xung kích trên diễn đàn văn chương làm cuộc "phê phán dữ dội" với giáo sư Lê Đình Kỵ sẽ mang tiếng là cố chấp. Nhưng bỏ qua hoàn toàn thì cũng không thể, vì sợ cứ đà ấy sẽ có kẻ các theo gương. Cuối cùng, ông vẫn bị "phê" nhưng được "ưu tiên" chứ nếu không chưa biết cuộc đời ông rồi sẽ thế nào. Tuy được ưu tiên là vậy, trong cõi lòng sâu thẳm của ông vẫn day dứt một nỗi buồn thế sự. Nó không chỉ hiện lên khuôn mặt trầm lắng của ông mà còn phảng phất trong những trang sách chuyên luận về thơ ca, về từng tác giả cụ thể. Là người ít nói, nhưng kiên định, ông vẫn miệt mài ngày đêm, cần mẫn như con tằm kéo kén, dệt những sợi tơ vàng óng cho đời, bất chấp những lời thị phi, công kích. Sau mấy chục năm, đất nước thay đổi, đến năm 1998, ông lại tiếp tục bàn về chủ nghĩa hiện thực và vấn đề "nhân văn" mà ông đã đề cập từ năm 1962 ở mức sâu hơn. Nhìn theo chiều lịch sử, ông là người có tư duy nhất quán trong hệ thống lý luận và quan điểm học thuật, tuy rằng, do điều kiện lịch sử, những ý tưởng của ông có khi tỏ, khi mờ, khi được diễn giải bằng những cách nói hàm ngôn. Đến nay, gần nửa thế kỷ đã đi qua, những người tham gia luận chiến với ông, người còn người mất. Ông cũng đi suốt từ Bắc vào Nam, cũng có lúc được cười lên hả hê sung sướng trước những kỷ niệm xót lòng này. Tất cả đều do lịch sử. Cho nên, luận về cái việc "được tha" và tấm tình của ông, đời mới có mấy câu vịnh rằng:
Tha ra thì mới may may đời
Vận vào thì cũng tơi bời nước con
Bây giờ kẻ mất người còn
Tấc riêng lòng vẫn héo hon một thời
Lênh đênh bốn bể phương trời
Trăm nghìn đổ một trận cười là xong!
Nói rằng, cười một trận cho hả hê nỗi day dứt trong lòng, và giải toả bao nỗi niềm thầm kín, nhưng thực ra trong cõi sâu thẳm, đó là một tâm sự mà giáo sư Lê Đình Kỵ đem theo suốt cả cuộc đời. Nhìn ở góc độ nào, ông vẫn là người tài hoa tột bậc, sắc sảo trong cách nhìn, cách nghĩ và cách cảm về văn chương. Có được những ưu thế này chính là vì, trước khi đi vào văn chương ông đã tốt nghiệp tú tài Ban Triết học. Việc rèn luyện tư duy triết học đã giúp cho những tài năng thiên bẩm về văn chương của ông có khả năng thăng hoa vút đỉnh nhưng không xa rời cái qui luật mang tính bản chất. Những điều ông bàn về "tính người" trong thơ ca và trong văn chương nói chung không đơn thuần chỉ là những phát hiện khoa học mà còn là sự khẳng tính tất yếu của một số định đề triết học. Tất nhiên, trong khuôn khổ trói buộc của một thời, điều mà ông làm không những không được ủng hộ mà còn có nguy cơ "lên đài máy chém". Bởi thế, người đời sau mới vịnh về ông:
Khen thay con mắt tinh đời
Anh hùng đứng giữa trần ai bão bùng
Văn chương khi biến khi thường
Dẫu lìa ngó ý còn vương tấc lòng
Đá kia nay đã thử vàng
"Đường vào thơ" vẫn đàng hoàng với thơ
Đời người như thể giấc mơ
Thoắt thôi nay đã phơ phơ mái đầu
Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy còn đau đến giờ.
Nếu như trong văn chương, giáo sư Lê Đình Kỵ là người vô cùng sâu sắc thì trong đời thường ông lại là người vô cùng giản dị, đôi khi tới mức đơn giản. Chỉ ở gần ông mới hay, ông là người vô cùng tiết kiệm thời giờ. Có một vài chuyện tôi không bao giờ quên được do được chứng kiến tận mắt các sự kiện rất thật mà lại như giai thoại về ông. Sự kiện thứ nhất là sự kiện ông cho mượn phòng. Dạo ấy, mới giải phóng vài năm, ông vẫn thường vào các tỉnh phía Nam giảng dạy chuyên đề. Một lần, theo hợp đồng mời dạy, ông đi vào Nam công tác 3 tháng. Lúc đó, cô Lý Hoài Thu mới lấy chồng. Chồng cô là nhà báo. Hai người được phân nửa căn phòng giấy dầu trong dãy nhà "đổ ngửa" ( nhà sắp đổ ngửa về phía sau), gần Phân viện Nguyễn Ái Quốc. Biết ông đi lâu, cô Thu ngỏ ý mượn phòng ông trên gác 3 nhà C1 để hưởng tuần trăng mật để khỏi mất chất lãng mạn. Ông đồng ý ngay. Thế là chúng tôi được vợ chồng cô Lý Hoài Thu nhờ giúp xuống kê lại phòng cho hợp với phòng của vợ chồng mới cưới. Thật là một kỷ lục! Khi dọn dẹp chúng tôi thấy một chiếc chậu đại chứa vài chục chiếc bát và thìa chưa rửa. Cón quần áo thì luôn cả một tủ. Khi dọn chúng tôi mới biết giáo sư quá giàu. Ông rất nhiều quần áo. Nhưng ông không bao giờ giặt ngay. Bẩn chiếc nào ông cứ thay, bỏ đó, khi thật nhiều mới giặt một thể. Bát đũa cũng vậy. Ông không bao giờ rửa từng bữa một mà bao giờ cũng dùng tới bộ bát đũa cuối cùng mới đem rửa luôn. Còn rác bẩn? Ông cũng quét vun vào góc phòng mới hót một thể. Nói chung, ông không để tâm tới mấy chuyện đó. Tất cả mọi thời gian ông đều dồn cho việc đọc sách và nghiên cứu…Bởi thế, bọn tôi dọn cật lực mất ba ngày mới có được căn phòng cho đôi uyên ương trẻ sống tuần trăng mật.
Khi hết thời hạn công tác, một lần tôi xuống uống nước có thông báo lại cho ông chuyện này, ông gật đầu ghi nhận. Ông nói, ông có thói quen như vậy, khi làm là làm một thể chứ không dọn dẹp hàng ngày.
Minh chứng cho điều ông nói, tôi nhìn vào góc phòng thấy luôn một đống bã mía. Ông mới về Hà Nội được ba ngày mà mọi thứ đã lại ngồn ngộn lên. Trong chiếc giường lớn, la liệt những cuốn sách đọc dở đẻ vung vãi khắp nơi. Chiếc màn tuyn trắng treo lửng lơ ba góc, một góc dây tụt xuống nhưng ông cũng không buộc lại. Giáo sư Lê Đình Kỵ ngủ rất ít. Đêm nào căn phòng của ông đèn cũng sáng đến tận khuya.
Sự kiện thứ hai giáo sư Lê Đình Kỵ làm tôi ngạc nhiên là lần tôi đến thăm ông. Hôm đó, trời tháng mười, hơi lạnh. Tôi gõ cửa, ông vừa ăn xong hai tấm mía, bã còn để đầy trên chiếc bàn uống nước bằng mây. Thấy tôi, ông vui vẻ lấy ấm súc bã, pha trà. Tôi nghĩ là ông vội nên định bốc chỗ bã mía vào đống giấy báo. Ông giơ tay gạt đi. Sau đó, ông dùng bàn tay vun đống bã mía vào giữa bàn. Khi đống bã có ngọn, ông xoè bàn tay ra khoe khoe một vòng tạo thành mặt bằng rồi đặt ngay bộ khay chén lên đó. Có lẽ đây là lần đầu tiên và duy nhất trong đời tôi được tiếp trà trong một không khí dân dã và thân mật đến vậy. Trà của ông rất ngon. Tôi dám chắc vào thời điểm đó, cả khu ký túc xá không có một cán bộ nào có trà ngon như vậy. Nước vừa rót ra, mùi hương đã nức vào trong tận cuống mũi. Tôi cầm chén lên, còn đang ngần ngừ vì thấy trong thành chén vẫn còn ố nước chè. Ông nói ngay:
- Uống trà mà uống bằng thứ chén lúc nào cũng đánh trắng bóng thì không ngon, cậu ạ.
Ông nói rồi uống ngon lành. Tôi cũng uống theo. Đang nhâm nhi cái hương vị đậm đà, tuyệt diệu của nó thì có tiếng gõ cửa. Ông đứng dậy, mở then cài. Một sinh viên cao lớn xuất hiện. Anh ta là học sinh do giáo sư Lê Đình Kỵ hướng dẫn luận văn. Giáo sư vừa vui vẻ tiếp nước và hỏi han tình hình viết lách của anh ta thì anh ta cao hứng:
- Thưa thầy chương này em viết sâu sắc lắm. Dám chắc thầy đọc cũng sẽ sướng rung rốn lên cho mà xem…
Tôi há hốc mồm vì cách nói rất lạ lùng của người sinh viên kia và tin là giáo sư Lê Đình Kỵ sẽ "xạc" cho anh ta một trận. Nhưng giáo sư chỉ hơi tủm tỉm cười rồi thốt ra một câu: "Thế à?".
Đến lúc tiễn chàng sinh viên xong, quay lại ông mới nhìn tôi lắc đầu:
- Sinh viên của ta giờ nó thế đấy ông ạ.
Lúc này tôi ngắm ông, thấy ông càng hiền khô. Ông uống trà với tôi mà đầu óc dường như đang vẫn đang đăm đắm về một phương trời nào. Phòng của ông năm đó khá nhiều muỗi. thỉnh thoảng ông lại lấy bàn ty đánh "đét" một cái rồi vê con muỗi trên đầu ngón tay giữa và ngón cái búng đi. Khi ông ngồi họp trong phòng hay giảng trên lớp, ông vẫn có thói quen búng tay như vậy nên trong khoa mới có câu " Lê Đình Kỵ búng gió giảng Kiều" để sóng đôi với câu "Hoàng Như Mai kể chuyện Vũ Bằng".
Sau ngày chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh, thỉnh thoảng giáo sư Lê Đình Kỵ mới ra Bắc, nhưng những kỷ niệm về ông, cũng như lối sống ân tình đằm thắm của ông còn mãi trong các thế hệ học trò. Nhớ đến ông là nhớ đến một bậc thầy tài hoa, sâu sắc. Ông là giáo sư, Nhà giáo Nhân dân, được giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật và nhiều phần thưởng cao quí khác. Cho đến lúc về già ông vẫn còn là tấm gương sáng về sự lao động cần cù, về tình người đằm thắm. Nên bàn về cuộc đời ông mới có thơ rằng:
Đường vào thơ*lắm chông gai
Mà sao ông cứ miệt mài tháng năm
Nhả tơ rút ruột con tằm
Nhả chữ rút ruột nỗi lòng thẳm sâu
Phương pháp nghệ** thuật là đâu
Để ai phải viết mấy câu nặng lời
Tha ra thì cũng may đời
Giở ra mang tiếng là người nhỏ nhen
Tài tình chi để Trời ghen
Đường vào nghệ thuật một phen nhớ đời
Cho hay muôn sự tại Trời
Vẫn là phận ấy, vẫn người tài hoa
Sáng danh mãi tới khi già
Tình xưa nay vẫn đậm đà tình xưa.
(*), (**) là tên các cuốn sách nổi tiếng của giáo sư Lê Đình Kỵ.
Tác giả bài viết Nguyễn Hữu Đạt
Theo Tạp chí Văn hoá Nghệ An
|