(Toquoc)- Đây là câu nói của nhà văn Sơn Tùng, khi có người hỏi ông về những trang viết sinh động, đầy tâm huyết về Bác Hồ. Ông nguyên là phóng viên chiến trường, thương binh nặng hạng 1/4 (81% thương tật), người đã từng được nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cõng ở chiến trường Đông Nam Bộ năm 1971 khi ông bị thương. Lúc ấy Chủ tịch Nguyễn Minh Triết là cán bộ Đoàn Thanh niên nhân dân Cách mạng miền Nam, còn nhà báo Sơn Tùng là cán bộ phụ trách báo Tiền phong tại chiến trường Đông Nam Bộ. Năm 2010, nhà văn Sơn Tùng được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.
Nhà văn Sơn Tùng
Một nghị lực phi thường
Tôi còn nhớ, vào những ngày cuối tháng 6/2010 khi cái nóng như thiêu như đốt khắp miền Bắc và miền Trung, thì lão nhà báo, nhà văn Sơn Tùng bị tai biến đột ngột. Đúng 10h30 phút, ngày 30-6-2010, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã đến thăm ông tại khu điều trị cấp cứu A9 Bệnh viện Bạch Mai. Ban giám đốc bệnh viện, lãnh đạo khoa A9 và gia đình nhà văn Sơn Tùng đã đón tiếp và báo cáo tình hình sức khoẻ của ông cho Chủ tịch nước biết.
Bước vào phòng, Chủ tịch Nguyễn Minh Triết đã nắm ngay lấy bàn tay cầm bút bị thương chỉ còn 3 ngón của nhà văn. Như cảm nhận được hơi ấm của người thân, nhà văn Sơn Tùng cũng siết chặt lấy bàn tay và mở mắt nhìn Chủ tịch. Chủ tịch cúi xuống nhìn sâu thẳm vào đôi mắt ông và nói rất cảm kích để động viên nhà văn: “Anh Sơn Tùng ơi, tôi rất xúc động khi nghe tin anh bị tai biến. Các bác sỹ nói với tôi, sức khoẻ của anh hôm nay đã tốt lên nhiều rồi. Anh phải cố gắng lên. Ngày xưa bom đạn Mỹ quật anh đến thế, mà anh vẫn vượt qua, bệnh tật này nghĩa lý gì, anh cố gắng lên”. Sau đó, Chủ tịch quay sang nói với mọi người: “Anh Sơn Tùng và tôi là những người đồng chí gắn bó keo sơn từ khi ở chiến trường Đông Nam Bộ. Khi anh Sơn Tùng bị thương nặng, tôi là người cõng anh ấy đi cấp cứu. Anh Sơn Tùng là nhà văn được nhân dân yêu mến. Các đồng chí hãy cố gắng hết sức để cứu chữa cho nhà văn Sơn Tùng”.
Nhà văn Sơn Tùng sinh 1928 (Mậu Thìn), tại làng Hoa Lũy (nay là Kim Lũy), huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, trong một gia đình nhà nho nghèo, nhưng trọng chữ hơn trong cái ăn. Từ năm lên 16 tuổi (1944), ông đã hăng hái tham gia cách mạng. Sau Cách mạng tháng Tám thành công được 3 năm (1948), ông đã tìm và gặp bà Nguyễn Thị Thanh và ông Nguyễn Sinh Khiêm là chị và anh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong những năm kháng chiến cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (1975), ông đã không ngừng nỗ lực tìm kiếm những nhân chứng liên quan tới Bác Hồ.
Tuy trên người ông còn mang nhiều thương tích của chiến tranh, đến mức nhiều lúc nó hành hạ ông tưởng chừng như không thể nào vượt qua được, nhưng ông vẫn kiên cường và làm việc bằng nghị lực phi thường. Trong quãng 16 năm từ 1974-1990, nhà văn Sơn Tùng đã cho ra đời 13 cuốn sách được viết bằng tay phải chỉ còn 3 ngón, nhưng bị co quắp, thời kỳ đầu ông phải lấy dây cao su buộc bút bàn tay để viết. Nếu tính cả những cuốn được viết trước khi ông bị thương và những cuốn sau năm 1990, nhà văn Sơn Tùng đã có trong tay lưng vốn khoảng 30 đầu sách, có cuốn được tái bản nhiều lần, với nhiều thể loại khác nhau.
Ít ai có thể hình dung một lão trượng phu dáng cao to, ở tuổi trên 80, mà vẫn luôn sôi nổi, lịch thiệp, đã từng để lại 81% sức khoẻ nơi chiến trường Đông Nam Bộ hơn 40 năm về trước. 14 mảnh đạn M 79 hiện vẫn còn trong người ông. Có 3 mảnh còn găm trong sọ não không thể giải phẫu lấy ra được. Những hôm trái gió trở trời, ông lại bị đau. Nhưng ông không kêu van lấy một lời. Nhiều đêm ông thức trắng, vật lộn với vết thương. Có hôm ông ngồi bên bàn viết, trên cổ áo ướt đỏ những vết máu. Thì ra, những mảnh đạn xé rách miệng vết thương sọ não tuôn máu xuống từng dòng, mà ông vẫn say mê viết về Bác Hồ và những chiến sĩ Cách mạng, nên không hề hay biết.
Ông cho biết, những ngày đầu sau khi bị thương, tai bị rách phải vá lại. Tay và chân đều trúng mảnh đạn, không đi lại được. Tay phải co quắp trước ngực, tay trái chỉ còn lại ngón cái và ngón út. Thị lực còn 1/10. Mảnh đạn trong đầu thỉnh thoảng dội lên những cơn đau kinh hoàng. Mỗi lần có tiếng sấm chuyển mưa, lại bị lên cơn động kinh, co giật vật vã. Thế mà sau khi ra Bắc, ông kiên quyết từ chối việc điều trị dài hạn ở Trung Quốc, ở Đức để tự mình luyện tập hàng ngày. Cứ 3 giờ sáng là ông dậy, tập thiền, luyện khí công, rồi cột bút vào những ngón tay co quắp, tập viết. Trong hoàn cảnh ngặt nghèo ấy, những trang viết về Bác Hồ, về các lãnh tụ cách mạng, danh nhân lịch sử và văn hóa, về nhân dân vẫn cứ tuôn trào.
Sau khi bị thương, 1972, ông được chuyển từ chiến trường Đông Nam Bộ ra miền Bắc. Khi ấy ông còn không có cả nhà ở. Vợ chồng đã từng phải ở trong những chiếc lều tạm bằng giấy dầu, có khi làm tạm một cái gác xép nhỏ bên trên chuồng lợn của nhà một người bạn. Mãi sau này ông mới có được một chỗ ở 8m2, ở khu tập thể Văn Chương, Đống Đa, Hà Nội. Sau đấy cơi nới lên thành 16m2. Trong vòng 50 năm liền, ông không được tăng một bậc lương, dường như người ta đã bỏ sót ông (!?). Khó khăn, thiếu thốn là thế, nhưng ông không bao giờ nghĩ mình bị thiệt thòi. Ông bảo: “Từ chiến trường, còn sống trở về được là may mắn lắm rồi. Bao nhiêu người đã đổ máu, đã mất cả cuộc đời cho độc lập tự do. Mình còn sống trở về thì phải sống sao cho xứng đáng là một con người”.
Quý trọng một tài năng của đất nước và nghị lực phi thường của nhà văn Sơn Tùng, biết ông còn chịu nhiều thiệt thòi, có lần, Thủ tướng Phạm Văn Đồng có nhã ý sẽ cấp nhà cho ông, nhưng nhà văn Sơn Tùng đã cám ơn Thủ tướng và nói rằng “Nếu được Bác giải quyết nhà ở cho cháu thì không tránh khỏi cái tiếng cháu viết sách về Bác Hồ để rồi lần đến cửa Thủ tướng Phạm Văn Đồng để xin nhà!”. Sau đổi mới được vài năm, đầu những năm 90, chính quyền địa phương quyết định cấp nhà tình nghĩa cho ông. Một lần nữa, nhà văn Sơn Tùng vẫn khăng khăng từ chối kiên quyết không nhận mà nhường suất nhà ấy lại cho người khác khó khăn hơn. Trong khi đó, có những người không hề tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc lấy một ngày, coi đất nước này không hề có chiến tranh, vẫn bằng mọi cách cạy cục với Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Phó Thủ tướng Tố Hữu để được cấp nhà, mặc dù họ vẫn có nhà ở khá hơn nhà của nhà văn Sơn Tùng nhiều lần. Như vậy chúng ta mới thấy được nhân cách văn hóa của nhà văn Sơn Tùng đáng quý biết nhường nào.
Nghị lực phi thường ấy của nhà văn Sơn Tùng đã được Thủ tướng Phạm Văn Đồng sinh thời ca ngợi là: “Một người chỉ còn 3 ngón tay mà bám được vào đời làm việc bằng đầu óc, dẫu bộ óc ấy còn găm ba mảnh đạn”. Còn Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ôm lấy nhà văn Sơn Tùng và nói trước các nhà văn đến thăm ông trong dịp mừng thọ Đại tướng tuổi 90 rằng: “Nhà văn Sơn Tùng là một tấm gương về nghị lực phi thường mà tôi học được rất nhiều”.
"Búp sen xanh"- một trong những tác phẩm thành công nhất viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh của nhà văn Sơn Tùng
Và những trang viết đầy tâm huyết về Bác
Cuộc đời cầm bút của nhà báo, nhà văn thương binh nặng Sơn Tùng đã để lại hàng chục tác phẩm có giá trị như: “Nhớ nguồn”, “Kỷ niệm tháng năm”, “Con người con đường”, “Người vẽ cờ tổ quốc”, “Trần Phú”, “Anh thương binh tạc tượng Bác Hồ”, “Búp sen xanh”, “Bông sen vàng”, “Trái tim- Quả đất”, “Lõm”, “Hoa dâm bụt”, “Bác về”, “Vườn nắng”, “Dưới ánh tâm đăng Hồ Chí Minh”…
Gia tài đồ sộ đó của nhà văn Sơn Tùng là sự kết hợp một cách nhuần nhụy giữa ý thức chính trị rõ ràng và tấm lòng kính yêu vô hạn đối với lãnh tụ thiên tài, vị cha già dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh và những người có công với non sông, đất nước này.
“Chôn cất mẹ xong, Côn lại bế em về ngôi nhà hoang vắng… Côn không muốn đưa em đến ở nhà ai vì sợ người ta khó chịu vì sự có mặt của hai đứa trẻ mồ côi… Côn bế em vào lòng, tựa lưng vào bàn thờ mẹ nhìn đau đáu trong đêm…”. Nhà văn Sơn Tùng không giấu được niềm xúc động khi nghe người khách trẻ đọc lại những trang văn “Búp sen xanh,” tác phẩm mà ông tâm đắc nhất viết về thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh khiến nước mắt ông cứ thế mà ròng ròng chảy. Kể cũng lạ, một người được coi là có nghị lực phi thường đến như ông, mà có thể dễ dàng rơi lệ đến như vậy. Phải chăng trong sâu thẳm con người nhà văn Sơn Tùng vẫn còn có chỗ cho những phút giây yếu đuối, dễ xúc động với những cảnh đời éo le, số phận không may mắn của con người. Nhất là khi người ấy lại phải mồ côi mẹ từ năm lên 11 tuổi như Bác Hồ.
Bên cạnh đó, ông cũng đã làm sống lại chân dung các bậc anh hùng, liệt sĩ vì nhiều lý do khác nhau đã bị lãng quên. Từ mẹ Đặng Quỳnh Anh, một người làm những công việc bình thường nuôi các nhà tiền bối cách mạng Việt Nam ở Thái Lan, đến lão thành cách mạng Nguyễn Hữu Tiến, người vẽ cờ Tổ quốc trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, sau 39 năm mất hút trong lịch sử. Qua cuốn sách của nhà văn Sơn Tùng mà lão thành cách mạng Nguyễn Hữu Tiến đã được trao bằng Tổ quốc ghi công và người hoạ sĩ mù Lê Duy Ứng đã vẽ Bác Hồ bằng máu với đôi mắt bị thương của mình trên đường tiến vào giải phóng Sài Gòn. Từ hình tượng đồng chí Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Trần Phú đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thủ tướng Phạm Văn Đồng… đều là những người mà ông quan tâm tạo dựng thành chân dung người anh hùng dưới góc nhìn nghệ thuật độc đáo. Điều đáng nói nhất là cho đến nay, người đầu tiên và duy nhất viết nhiều tiểu thuyết và truyện về Bác Hồ chính là nhà văn Sơn Tùng. Với 9 đầu sách, trong đó Búp sen xanh được tái bản nhiều lần, lên đến gần nửa triệu bản và đã được dịch ra tiếng Anh, tiếng Thái Lan, khắc họa một cách chân xác và sâu sắc hình tượng Bác Hồ từ tuổi ấu thơ cho đến khi trở thành lãnh tụ tối cao của dân tộc, ở nhiều thời điểm khác nhau.
Nhà văn tâm sự: “Viết về Bác nếu chỉ đơn thuần là những hiểu biết thông thường thì không thể viết được mà phải viết bằng tâm linh”. Có những câu văn như tiếng khóc vỡ oà của cả nhà văn và nhân vật: “…Nhưng dưới mái nhà nho nhỏ như hai cánh chim bị thương xoà ra ở một góc đường Đông Ba của thành nội Huế nhoé lên yếu ớt tiếng khóc trẻ thơ mất mẹ! Tiếng khóc lay lắt như ngọn đèn trước gió…” (Bông sen vàng)
Đáng trân trọng nhất là nhà văn Sơn Tùng không chỉ kính yêu, tôn vinh một lãnh tụ kiệt xuất của dân tộc, mà sâu đậm hơn là tình cảm của một người con đối với cha. Ông đã ấp ủ từ lâu tất cả những gì ông biết về Bác, lúc sinh thời, đặc biệt thời niên thiếu, thời hình thành nhân cách của vị lãnh tụ dân tộc.
Ông tâm sự, sở dĩ ông viết về Bác Hồ cũng là viết về thời đại vì trong Bác, chúng ta thấy có hình ảnh của hiền sĩ Nguyễn Trãi lòng sáng tựa sao Khuê; Hình ảnh của bậc hiền quân Trần Nhân Tông rời xa chốn cung đình tu hành trên núi Yên Tử, hình thành nên môn phái Trúc Lâm. Ở Bác, chúng ta thấy hình ảnh của một bậc hiền triết phương Đông, một học giả phương Tây. Nhưng điều kì diệu lại là khi Bác ra đồng với bà con nông dân, Người lập tức trở thành một lão nông tri điền. Bác vào nhà máy liền trở thành một công nhân thực thụ. Khi Bác bế cháu nhỏ, hay đưa kẹo cho trẻ em thì lại trở thành một người ông rất mực yêu thương con cháu. Ở đâu và lúc nào Bác cũng đều gắn bó máu thịt với từng thửa ruộng, mảnh vườn, nhà máy, là sự tiếp nối giữa truyền thống và hiện tại, là nơi hội tụ những giá trị văn hoá cao đẹp của dân tộc. Bác thanh tao nhưng không cách biệt với mọi người, mà trái lại luôn gần gũi, thân quen.
Ông có những lời khuyên các nhà báo, nhà văn trẻ rất chân thành, đầy tâm huyết và trách nhiệm, dù viết báo hay viết văn, đã làm nghề thì phải yêu, trước hết yêu đã, yêu nghề cũng như yêu người bạn đời, đã chọn thì phải yêu. Cái yêu ấy sẽ gây men để mình dấn thân vào cuộc sống. Dù viết một bài nhỏ, bài ngắn, cũng phải hết sức có trách nhiệm. Người thương binh, Anh hùng Lao động, nhà báo, nhà văn Sơn Tùng là thế đấy. Ông là tấm gương sáng ngời về tinh thần yêu nước, yêu lãnh tụ của dân tộc, yêu nghề và thật sự có tâm với nghề. Ông mãi là tấm gương về nghị lực vượt khó, lao động không ngừng nghỉ vì sự nghiệp báo chí và văn chương cách mạng để thế hệ trẻ hôm nay noi theo./.
Đỗ Ngọc Yên
|